Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm vụ tranh chấp thừa kế di sản giữa nguyên đơn là bà T.T.T.L và T.V.T.T, bị đơn là bà T.L.X và T.B.T. Họ là chị em cùng cha khác mẹ, trong đó nguyên đơn là con ngoài giá thú.
Bốn vợ và 4 con gái
Ông T.V.T (ngụ tỉnh Tây Ninh) kết hôn với bà N.T.S, sinh được 2 người con gái là T.L.X và T.B.T. Trong thời gian chung sống với bà S., ông T. quan hệ ngoài luồng với bà P.T.B, có một con chung là T.T.T.L. Tiếp đó, ông lại có mối quan hệ với bà V.T.T và sinh thêm một người con gái, đặt tên T.V.T.T. Sau khi bà S. qua đời (năm 1996), ông T. chung sống như vợ chồng với bà P.K.P cho đến khi mất vào năm 2005.
|
Lúc sinh thời, ông T. có tạo lập một khối tài sản bao gồm đất vườn, đất rẫy, nhà... Ông mất không để lại di chúc, tài sản do 2 người con gái lớn (con chung với bà S.) quản lý.
Năm 2006, 2 người con ngoài giá thú khởi kiện yêu cầu chia di sản của ông T. để lại theo pháp luật về thừa kế. Theo đó, dù cha và mẹ họ không phải quan hệ vợ chồng, không công khai chung sống nhưng trong giấy khai sinh của họ, người đứng khai là ông T. Hơn nữa, “nếu chúng tôi không phải con của ông T., nếu các chị chưa từng được nghe kể về chúng tôi thì thử hỏi có ai cho phép những người chưa từng quen biết đến nhà để tang cho cha của mình?”.
Ngược lại, bị đơn không thừa nhận nguyên đơn là con của ông T., không đồng ý chia di sản thừa kế bởi khi cha họ còn sống, không nghe ông nói gì về 2 người con này. Sau khi ông T. chết, bà T.V.T.T và T.T.T.L mới về yêu cầu chia tài sản của cha.
Hơn nữa, 2 phần đất rẫy dù bà S. và ông T. đứng tên nhưng vợ chồng 2 bà T.L.X và T.B.T có nhiều đóng góp công sức, tiền của để mở rộng và cải tạo đất. Khi ông T. bị bệnh, 2 bà phải vay 400 triệu đồng để chữa chạy cho cha, đến nay số nợ đã trả xong.
Nhiều lần xét xử
Ngày 11-4-2007, TAND huyện Châu Thành - Tây Ninh đưa vụ án ra xét xử, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn giao cho nguyên đơn mỗi người hơn 600 triệu đồng. Các đương sự kháng cáo. Ngày 11-12-2008, TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử phúc thẩm, quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bản án phúc thẩm bị VKSND Tối cao kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Tại bản án giám đốc thẩm ngày 23-8-2011, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Ngày 11-7-2012, TAND huyện Châu Thành lại đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhận định các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện giấy khai sinh của bà T.V.T.T do ông T. làm đơn khai sinh. Mặt khác, tại buổi hòa giải ngày 7-7-2006, bà T.L.X và T.B.T yêu cầu giám định ADN, nếu không thì cho bà T.V.T.T và T.T.T.L mỗi người 30 triệu đồng. Đối với bà T.T.T.L, giấy khai sinh để tên cha là ông T.V.T, người đi khai sinh cũng là ông T.
Những người sống gần nhà bà T.T.T.L vào năm 1978-1979 đều xác định bà là con ông T., ông thường tới lui thăm. Bà T.L.X và T.B.T thừa nhận sau khi ông T. chết, 2 bà T.T.T.L và T.V.T.T có về để tang. Như vậy, có đủ cơ sở xác định bà T.T.T.L và T.V.T.T là con của ông T., được hưởng thừa kế di sản của cha để lại. Sau khi trừ phần của bà P.K.P (vợ sau cùng của ông T.), công lao đóng góp của bị đơn, nguyên đơn được chia mỗi người hơn 660 triệu đồng.
Không đồng tình, nguyên đơn kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm xác định di sản của ông T. còn thiếu và trích công sức không hợp lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Phía bị đơn cũng kháng cáo yêu cầu không chia di sản cho nguyên đơn. Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm lần 2 đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Có điều, án đã tuyên nhưng các đương sự không ai hài lòng.
Đánh mất tình thâm Trò chuyện với chúng tôi, một thẩm phán thường xét xử những vụ tranh chấp thừa kế nói: “Trong những vụ án như thế này, đáng buồn là một khi cha mẹ mắc nợ nần, chẳng thấy người con nào đứng ra giành phần trả nợ nhưng nếu có chút tài sản, họ lại xào xáo, kiện tụng nhau. Tất nhiên, việc anh chị em đòi chia di sản thừa kế không có gì sai trái nhưng nếu vì tài sản mà chối bỏ, không nhìn nhau thì họ đã đánh mất cái thiêng liêng nhất của đời người, đó là tình thâm. Dù không lớn lên cùng nhau, không cùng một mẹ sinh ra nhưng giữa họ có chung huyết thống. Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. |
Theo Vy Thư / Người Lao Động
>> Vụ lừa "thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ”: Lừa tình, lừa tiền
>> Thêm mánh khóe lừa “thừa kế gia sản”
>> Cảnh giác chiêu lừa “thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ”
>> Chuyện buồn thừa kế
>> Con khai tử cha để hưởng thừa kế đất
>> Xác định cha để hưởng thừa kế
>> Người thừa kế ở nước ngoài không hợp tác
Bình luận (0)