Vẫn bức xúc phí đường bộ

21/01/2013 03:10 GMT+7

Phí sử dụng đường bộ đã có hiệu lực thi hành gần 1 tháng nhưng rắc rối và bức xúc vẫn chưa được giải quyết.

Vẫn bức xúc phí đường bộ
Điều phi lý là rơ moóc phải đóng phí, gây bức xúc đối với doanh nghiệp vận tải - Ảnh: Mai Vọng

Quá nhiều câu hỏi cần giải đáp

Tại cuộc tập huấn triển khai phí đường bộ tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đặt vấn đề, hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn, lượng hàng hóa giảm sút, các doanh nghiệp (DN) muốn cắt giảm một số phương tiện vận tải bằng cách tạm ngưng hoạt động; các DN xin nộp lại sổ đăng kiểm và tem kiểm định chứng minh đầu xe, sơ mi rơ moóc không hoạt động nhằm giảm chi phí, đặc biệt là để chưa phải nộp phí bảo trì đường bộ thì giải quyết như thế nào?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trường hợp xe chạy nội bộ  trong cảng, xe không có hàng để chạy; xe tạm dừng để duy tu bảo dưỡng; xe bị tai nạn phải sửa chữa đến 30 ngày... thì không phải nộp phí bảo trì đường bộ hoặc được hoàn phí, được khấu trừ cho kỳ đóng phí sau (nếu DN đã nộp phí), khi có sự xác nhận của cơ quan công an. Nhưng công an cấp nào có thẩm quyền xác nhận đối với các trường hợp trên? (cấp tỉnh, cấp quận, huyện hay cấp phường, xã, thị trấn); và thuộc lực lượng nào của ngành công an? (công an giao thông, công an khu vực hay công an quản lý hành chính) thì không rõ.

Tương tự, theo vị thứ trưởng này, đối với các DN có số lượng phương tiện vận tải lớn, muốn đóng phí bảo trì đường bộ theo tháng (thay vì đóng phí theo kỳ đăng kiểm như quy định) phải ký hợp đồng với cơ quan Đăng kiểm Việt Nam. Nhưng DN có bao nhiêu đầu xe thì mới được xem là DN lớn cũng không được quy định cụ thể. Đó là chưa kể, làm như vậy là phân biệt đối xử giữa DN lớn và DN nhỏ.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM  cho biết, đến giờ này, các DN vẫn rất băn khoăn việc các rơ moóc phải đóng phí sử dụng đường bộ trong khi xe đầu kéo đã đóng là bất hợp lý, nhưng không được cơ quan chức năng quan tâm hay có động thái tiếp thu, không đoái hoài gì đến những kiến nghị của DN gì cả.

Về việc hoàn phí khi xe bị hư hỏng qua 30 ngày, hoặc xe bị hủy hoại phải được cơ quan công an xác nhận thì hoàn toàn phi lý, không khả thi. Bởi vì quan hệ giữa chủ xe và khách hàng là quan hệ dân sự. Khách hàng ngừng sản xuất thì phương tiện không có hàng để chở, xe cũng ngưng hoạt động. Nếu thực sự như vậy, thì khó có bằng chứng rằng xe đã ngưng hoạt động đủ 30 ngày để được hoàn phí. Xe không hoạt động, đậu trong bãi, thì không cơ quan công an nào đi làm việc xác nhận đó cả.

Phí chồng phí

 

Phi lý ở chỗ dù đã nộp phí bảo trì đường bộ, khi đi qua trạm thu phí BOT người dân vẫn phải nộp thêm lần nữa...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Theo ông Lương Hoàng Trung, điều bất hợp lý nhất vẫn là phí chồng phí. Như trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận, DN vận tải từ trước đến nay phải trả phí giao thông khi đi qua các trạm như: cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh, đường Kinh Dương Vương, đường An Sương - An Lạc, cầu Bình Triệu, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, xa lộ Hà Nội, QL13, QL14, QL51... Bây giờ xe qua các trạm thu phí này vẫn phải đóng phí như trước, thậm chí có trạm tăng mức phí, lại phát sinh đóng phí sử dụng đường bộ nữa, thì phí chồng lên phí là thực tế. Nếu tính vào giá thành, chi phí đầu vào từ ngày 1.1 tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng cho phương tiện đầu kéo. 

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, để tránh phí chồng phí, với 4 trạm thu phí đã bán quyền thu phí cho nhà đầu tư (theo chủ trương xã hội hóa thu phí đường bộ trước đây), Bộ GTVT đang xây dựng 2 phương án trình Chính phủ. Theo đó, sẽ kiến nghị nhà nước đứng ra mua lại quyền thu phí trong thời gian còn lại theo hợp đồng bán quyền thu phí, sau đó dừng thu phí, giải thể trạm. Phương án thứ hai là số tiền thu khi bán quyền sẽ công bố công khai cho người dân biết đã đầu tư vào những con đường nào. Nhưng chính ông Trường cũng thừa nhận, phương án mua lại các trạm đã bán quyền rất phức tạp vì phải tính toán lại với nhà đầu tư, ngân sách cũng sẽ phải bỏ ra số tiền khá lớn.

Cụ thể, ngoài trạm Nam Cầu Giẽ sẽ phải ngừng thu phí từ 30.4.2013, với 4 trạm thu phí đã bán quyền là Hoàng Mai, Bàn Thạch, Bãi Cháy, Phù Đổng (thời hạn bán quyền thu phí còn lại đến hết 31.12.2014), số tiền để mua lại quyền thu phí ước tính khoảng 800 - 900 tỉ đồng. Song ngay cả khi dẹp bỏ các trạm nói trên thì số lượng lớn các trạm BOT vẫn hoạt động bình thường, DN khi lưu thông qua trạm BOT vẫn phải đóng phí và phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ là vô lý. Ông Nguyễn Hồng Trường giải thích, tiền thu được từ quỹ bảo trì sẽ không sử dụng cho mục đích duy tu, bảo dưỡng cho các con đường làm theo hình thức BOT.

Về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phản biện, phí sử dụng đường bộ nộp cho toàn bộ mạng lưới đường bộ trong cả nước, gồm cả tỉnh lộ, quốc lộ, không loại trừ đường BOT. “Phi lý ở chỗ dù đã nộp phí bảo trì đường bộ, khi đi qua trạm thu phí BOT người dân vẫn phải nộp thêm lần nữa. Đáng nói, trong phí thu qua trạm BOT bao gồm cả phần thu để hoàn vốn, trả lãi ngân hàng, lợi nhuận định mức, bảo trì. Vì vậy, hiệp hội đề nghị phí BOT phải loại trừ phần bảo trì trong mức thu để tránh phí chồng phí. Hiện nay phí thu 10.000 đồng/xe con qua trạm, phải giảm phần thu phí bảo trì trong mức thu này. Đáng lo là phí qua trạm BOT không giảm mà lại còn tăng lên, nhiều trạm tăng 1,5 - 2 lần mức thu cũ và tương lai còn tăng lên nữa”, ông Hùng phân tích.

Bỏ trạm thu phí ngân sách nhưng quá nhiều trạm BOT (hiện tại khoảng 30 trạm và tương lai còn tăng lên nữa) nên việc phí chồng phí vì thế sẽ còn gây nhiều bức xúc cho dân.

Mai Vọng - Mai Hà

>> Mỗi ngày thu 14-15 tỉ đồng phí đường bộ
>> Kiến nghị sửa đổi quy định thu phí giao thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.