Cuộc chiến Mali: Điểm yếu không vận của Pháp

22/01/2013 14:25 GMT+7

(TNO) Cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Mali đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực không vận, đặc biệt tại những chiến trường không cho phép hỗ trợ hậu cần bằng đường biển hoặc đường bộ.

(TNO) Cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Mali đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực không vận, đặc biệt tại những chiến trường không cho phép hỗ trợ hậu cần bằng đường biển hoặc đường bộ.

Dù có thể tự hào sở hữu một trong những lực lượng không quân mạnh và lớn nhất thế giới, Pháp phải trông cậy vào sự hỗ trợ từ các đồng minh và nhà thầu quân sự để đáp ứng phần lớn nhu cầu vận chuyển binh sĩ và khí tài đến đất nước không có bờ biển ở Tây Phi.

Cuộc chiến Mali: Điểm yếu không vận của Pháp
Máy bay vận tải C-17 có vai trò quan trọng tại những chiến trường không thể đổ bộ từ ngoài biển như tại Mali - Ảnh: AFP

Theo tuần san quốc phòng Jane’s Defence Weekly, ngoài hai chiếc Boeing C-17 Globemaster III do Anh cung cấp và một chiếc C-17 của Canada, quân đội Pháp phải thuê hai chiếc Antonov An-124 “Condors” từ tư nhân.

Chính phủ Mỹ cũng đề nghị hỗ trợ không vận trong chiến dịch “Mèo rừng châu Phi”. Mặc dù là thành viên của NATO, Pháp không thuộc chương trình Không vận Chiến lược (Strategic Airlift Capabality - SAC) của liên minh quân sự này nên không thể sử dụng ba chiếc C-17 của SAC.

Thực tế, Pháp có lực lượng không vận chiến thuật bằng máy bay cánh cố định gồm 5 chiếc Lockheed Martin C-130H và 9 chiếc C-130H-30 Hercules, khoảng 40 chiếc Transall C-160 và 7 chiếc Airbus Military CN235. Song, chúng không có khả năng vận chuyển các hàng hóa ngoại cỡ, như xe thiết giáp và trực thăng, vốn cần thiết để tiến hành các chiến dịch như kiểu chiến dịch tại Mali. Tương tự, ba chiếc Airbus A310 và hai chiếc A340 của Pháp cũng không thể vận chuyển các khí tài cồng kềnh.

Bỉ hiện đóng góp hai chiếc C-130, Đan Mạch một chiếc C-130 và Đức ủng hộ một hai chiếc C-160. Điều này cho thấy không quân Pháp còn thiếu năng lực vận chuyển chiến thuật để đáp ứng nhu cầu tức thời.

Pháp hiện không sở hữu năng lực vận chuyển chiến lược bằng máy bay cánh cố định nhưng điều này sẽ thay đổi khi các máy bay Airbus Military A400M Atlas được biên chế. Số lượng 50 chiếc A400M Atlas đầu tiên sẽ được giao cho không quân Pháp trong quý 2/2013, song chúng sẽ chưa thể hoạt động cho đến tháng 9.2014, theo Jane’s Defence Weekly.

Trong khi Pháp đang tụt hậu trong việc phát triển năng lực không vận chiến lược ở một mức độ nào đó, các nước khác đã tăng cường đầu tư vào năng lực này trong những năm gần đây.

Cách đây chưa đầy một thập kỷ, chỉ có Mỹ và Nga là những nước có máy bay không vận chiến lược. Ngày nay, các nước Úc, Canada, Ấn Độ, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và NATO đều đã có hoặc ký hợp đồng mua máy bay C-17.

Phần lớn quá trình tăng cường này tập trung vào cuộc chiến ở Afghanistan. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Mali chứng minh rằng nhu cầu dành cho khả năng này sẽ không giảm đi khi cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc.

Sức mạnh không quân của Pháp

Hôm 18.1, Chính phủ Pháp thông báo sẽ triển khai bổ sung bốn chiếc máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000D đến thủ đô N’Djamena của Cộng hòa Chad. Các máy bay này sẽ bổ sung cho 6 chiếc Mirage 2000D hiện có tại Chad và đang hỗ trợ Chiến dịch “Mèo rừng châu Phi”.

10 chiếc Dassault Mirage 2000D được triển khai ở Chad thuộc Phi đội 2/3 Champagne đóng tại căn cứ không quân Nancy-Ochey ở Pháp.

Các cuộc không kích được tiến hành bởi máy bay chiến đấu đa nhiệm Dassault Rafale thuộc Phi đội 2/30 Normandie-Niemen đóng tại căn cứ Mont-de0Marsan và Phi đội 1/7 Provence đóng tại St. Dizier-Robinson.

Chúng hiện được triển khai tại N’Djamena sau những lần xuất kích đầu tiên từ nước Pháp.

Các máy bay chiến đấu hỗ trợ Chiến dịch “Mèo rừng châu Phi” được tiếp liệu trên không bởi các máy bay Boeing C-135F thuộc Phi đội 93 Bretagne. Ba chiếc loại này hiện có mặt tại N’Djamena.

Các chuyến bay trinh sát được thực hiện bởi hai chiếc Mirage F1CR thuộc Phi đội 2/33 Savoie đóng ở căn cứ không quân Rheims-Champagne, vốn được triển khai đến thủ đô Bamako của Mali.

Sơn Duân

>> Quân đội Pháp tiến vào miền trung Mali
>> Nhiều nước can dự vào xung đột Mali
>> Phiến quân Mali chiêu mộ trẻ em, lấy thường dân làm lá chắn
>> Pháp sắp tăng quân tham chiến ở Mali
>> Quân nổi dậy Mali cắt thông tin liên lạc ở Gao
>> LHQ ủng hộ Pháp can thiệp vào Mali
>> Pháp không kích cứ điểm trọng yếu của quân nổi dậy Mali
>> Pháp đổ quân vào Mali, Somalia
>> Pháp tham chiến ở Mali
>> Liên Hiệp Quốc cho phép can thiệp quân sự tại Mali

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.