Tàn tạ vì ma túy “đá”

22/01/2013 09:40 GMT+7

Những khuôn mặt thất thần, những bước chân thơ thẩn và những ánh mắt vô hồn. Đôi khi, đâu đó bùng lên tiếng cười sằng sặc hoặc có người vẫy vùng điên loạn...

Đó là cảnh tượng đập vào mắt khi bước vào khu... thư giãn của học viên cai nghiện thuộc Trung tâm điều dưỡng & cai nghiện ma túy Thanh Đa (Trung tâm Thanh Đa, TP.HCM). Ở đây thống kê trong tháng 12-2012, số học viên sử dụng ma túy “đá” (ma túy tổng hợp) chiếm gần 38% số học viên đang điều trị, chủ yếu là giới trẻ 16-28 tuổi.

Tính cả năm 2012, số học viên có sử dụng ma túy đá đến đây trị liệu là 326 người, tăng so với các năm 2011 (235 người), năm 2010 (135 người). Có 71 trường hợp trong số này phải điều trị tâm thần do rối loạn hành vi và mất kiểm soát.

Tàn tạ vì ma túy “đá”
Học viên cai nghiện ma túy được điều trị tại Trung tâm Thanh Đa - Ảnh: Tr.Cường

Hung bạo và ảo giác

Khâm (tên các nhân vật đã được thay đổi - PV), 16 tuổi (Q.Tân Bình), đang cai nghiện tại Trung tâm Thanh Đa, xài hàng đá hai năm, giọng còn lo lắng kể: “Càng chơi em cảm giác cái đầu mình không bình thường, luôn lo lắng, đa nghi, thiếu kiềm chế, dễ bộc phát”. Khi chạy xe ngoài đường, Khâm luôn có cảm giác mọi người xung quanh là công an đang theo dõi, nhìn thấy người khác nói chuyện cứ nghĩ nói xấu mình.

Còn Trương, 22 tuổi (huyện Bình Chánh), sau khi cai nghiện ở một trung tâm về vẫn không yên, bạn bè rủ chơi không cưỡng lại nổi. “Một lần sau khi phê thuốc, nhìn đám bạn mình cứ nghĩ nó đang gài bẫy mình để công an bắt. Sợ quá mình chạy vào công an phường tố cáo...”, Trương nhớ lại. Được đưa vào Trung tâm Thanh Đa, cơn phê thuốc chưa hết, Trương cầm ghế tấn công học viên cùng phòng vì cho rằng người này chuẩn bị đánh mình.

Tệ hơn, Thông - một học viên khác - “đập đá” từ năm 2008, đến đầu năm 2010 bắt đầu thấy “muốn nổ cái đầu”, đôi khi không kiểm soát được hành vi của mình như chửi bố mẹ, đập phá... Thông nghi ngờ bố mẹ đang tìm cách hại mình như bỏ thuốc độc vào cơm.

 

Thường gây án khi còn “phê” thuốc

Theo đại tá Lê Anh Tuấn - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Công an TP.HCM - chưa có con số thống kê đầy đủ về tỉ lệ đối tượng phạm pháp hình sự bị bắt có sử dụng ma túy đá, tuy nhiên quá nửa số đối tượng bị bắt trong các vụ trộm, cướp khai có “đập đá” trước khi gây án. “Đối tượng gây án đã sử dụng ma túy trước đó nên thực hiện hành vi phạm tội rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả”, đại tá Tuấn cho biết.

Thống kê của Công an TP.HCM cho thấy, trong năm 2012, chỉ riêng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) đã thu giữ 71kg ma túy tổng hợp, chủ yếu là methamphetamine (còn gọi là hàng đá) và hàng chục ký ma túy các loại. So với năm 2010, số ma túy tổng hợp bị phát hiện đã tăng gần 15 lần. Theo đánh giá của phòng PC47, trong thời gian tới, tình trạng sử dụng, buôn bán, sản xuất ma túy đá sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

G.Minh

Ở trung tâm còn có Thương - 18 tuổi - học lớp 10 tại TP Hà Nội. Cách đây mấy tháng, Thương cứ nghe ong ong trong tai lời nói chỉ cách đối phó với người khác đang hãm hại mình, đang ngủ cũng nghe tiếng hăm dọa. Trong suy nghĩ của Thương, mọi người xung quanh - kể cả người thân - không ai thương mình. Bố mẹ thấy vậy mới đưa Thương vào TP.HCM chữa trị.

Nặng nề hơn là Trang, 17 tuổi (Long An), hay tự cãi lộn một mình, thấy người khác lao tới đánh mình. Theo lời kể của nhiều học viên, sau khi “đập đá” họ rơi vào cảm giác nóng nảy, dễ gây sự và tấn công người khác, kể cả người thân. Một số người từng phạm pháp hình sự do nghĩ người khác sắp tấn công, mình nên... “tiên hạ thủ vi cường”, chủ động đánh trước.

Dễ dẫn đến tội ác

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - giám đốc Trung tâm Thanh Đa - cho biết ma túy đá là loại ma túy tổng hợp, khi sử dụng sẽ tác động mạnh vào hệ thần kinh trung ương. Nhiều bạn trẻ “ưa chuộng” loại ma túy này bởi nó đem lại cảm giác hưng phấn nhanh, mạnh, tâm trạng phấn khích, khoái cảm. Sử dụng ma túy đá liều cao làm cho người dùng trở nên lắm lời, hung hăng, táo tợn, mất ngủ và không còn khả năng suy xét. “Sử dụng ma túy đá lâu ngày thường dẫn đến hậu quả thay đổi hành vi, tâm tính, đôi khi dẫn đến hoảng loạn, có ý nghĩ thù địch, lú lẫn, lo âu và dễ bị dẫn đến ảo giác, hoang tưởng”, ông Duy nói.

Cũng theo ông Duy, người nghiện hàng đá có khuynh hướng tăng liều cao hơn để đạt được cảm giác phê trước đó. Ở người nghiện dài ngày, liều cao dẫn đến trầm cảm nặng, có ý tưởng và hành vi tự sát. Ngoài ra, do bị kích động hoang tưởng, ảo giác, người nghiện dễ gây tội ác hình sự hoặc phấn khích phóng xe tốc độ cao, lạng lách gây tai nạn chết người.

Bác sĩ Duy nhận định do có giá cao nên ma túy đá chỉ được dùng phổ biến trong nhóm thanh niên con nhà khá giả ở những thành phố lớn. Điều ông Duy lo lắng là tuy có dấu hiệu số người sử dụng ma túy đá có xu hướng gia tăng nhanh nhưng hiện VN chưa có con số thống kê về số lượng người sử dụng và phác đồ điều trị. Ông Đỗ Thế Minh, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP, cũng xác nhận tình trạng mua bán ma túy tổng hợp với số lượng lớn và người dùng ngày càng nhiều so với trước đây. Và điều đó, với ông, rất đáng lo ngại.

Theo Trung Cường / Tuổi Trẻ

>> Sử dụng ma túy tại vũ trường “chui”
>> 18 phóng viên "dỏm" buôn ma túy lãnh án tù
>> Ở tù vẫn có con và điều hành đường dây ma túy
>> Mua bán ma túy còn đâm cảnh sát
>> Bị phát hiện bán ma túy, đâm luôn cảnh sát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.