40 năm Hiệp định Paris

24/01/2013 03:05 GMT+7

Nhiều hiện vật chưa từng công bố đã được trưng bày trong Triển lãm kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris.

Ông Lê Văn Chín ôm chầm lấy người đồng đội đã 40 năm không gặp từ sau ngày ký kết Hiệp định Paris. Ông vỗ vỗ rất lâu và cũng nhận lại những cú đập vào vai ấm áp như thế từ ông Hà Đăng - người phát ngôn của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau những ngày Hiệp định Paris, ông Chín đã chuyển về Bộ Công an công tác. Nhưng câu chuyện của những ngày vừa đánh vừa đàm ấy vẫn còn trong tâm trí ông.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng có mặt. Ông Phạm Ngạc (sau này là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Ngoại giao) tới đây để xem lại những tư liệu cũ - khi ông là thư ký ghi chép trong hội nghị. Kiến trúc sư Mai Thế Nguyên khi đó cộng tác viên của  Phòng Thông tin Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Oslo. Ông Nguyên chính là người dịch Hiệp định Paris ra tiếng nước sở tại...

40 năm Hiệp định Paris
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước tại triển lãm (thứ hai từ phải qua) - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, triển lãm có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày. Đó là bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cũng có con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hai cây bút đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định Paris và Định ước quốc tế công nhận Hiệp định Paris. Chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định Paris cũng có mặt. Cuốn sổ khổng lồ cỡ 60×80 cm tập hợp hơn 10 ngàn chữ ký phản đối chiến tranh và ủng hộ Việt Nam của nhân dân Cuba. Những tư liệu của một thời tất cả vì giang san nối liền một dải. 

Điều đáng tiếc

 

Triển lãm kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra từ ngày 23 - 28.1 tại 29 Tràng Tiền, Hà Nội.

Có khoảng 140 bức ảnh được trưng bày tại đây. Bên cạnh những bức ảnh về cuộc chiến tranh ở trong nước, còn những cuộc chiến ngoại giao ở nước ngoài. Còn có cả những cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam tại châu u, châu Mỹ. Song, không rõ vì lý do gì nhiều bức ảnh tại đây không được dẫn nguồn. Tuy nhiên, đáng tiếc nhất là với cách thức trưng bày chỉ gồm ảnh, hiện vật và nhãn đính kèm thông tin sơ lược, công chúng bị thiệt thòi vì khó hình dung những câu chuyện lịch sử.

Chẳng hạn, người xem được nhìn thấy bức ảnh bốn bên cùng ký Hiệp định Paris nhưng không thể biết cuộc “so kè” để thống nhất hình dạng cho chiếc bàn đàm phán cho từng ấy bên đã gay go, đã mất đến hàng tháng ra sao. “Có ý kiến nói có 4 đoàn thì phải dùng bàn vuông. Rồi có ý kiến nên dùng bàn chữ nhật để chỉ có hai bên. Sau cùng chiếc bàn tròn đã được chọn. Như tôi ở đó thì biết là như thế”, ông Lê Văn Chín nhớ lại về chiếc bàn ngoại giao “mềm dẻo” năm nào. Hoặc tập hợp chữ ký phản chiến của người dân Cuba sẽ trở nên sinh động hơn khi có những câu chuyện từ “nửa vòng trái đất rẽ tầng mây” - nơi từng sẻ cơm, sẻ áo cho chúng ta trong chiến tranh.

Những câu chuyện thú vị như vậy đã bị tước khỏi hiện vật khi không hề có các thông tin, đoạn video bổ trợ. Trong khi đó là cách để câu chuyện triển lãm trở nên dễ gần, dễ tiếp thu hơn với công chúng. Bản thân chi phí để làm những đoạn tư liệu như vậy không cao. Cũng phải nói thêm, cơ hội để làm những đoạn phim tư liệu như vậy không nhiều khi thời gian có thể mang các nhân chứng đi bất cứ lúc nào. Tái hiện một chiến thắng ngoại giao lừng lẫy có lẽ cần nhiều đầu tư hơn về kỹ thuật trưng bày triển lãm.

Trinh Nguyễn

>> Triển lãm nhiều tài liệu cổ về Hoàng Sa
>> Triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa
>> Triển lãm của họa sĩ trẻ Quảng Trị
>> Triển lãm ảnh nghệ thuật TP.Long Xuyên
>> Triển lãm ảnh "Báo Thanh Niên với Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.