Việc giữ trẻ những ngày cận tết đã trở thành nhu cầu thiết thực của phụ huynh trong nhiều năm nay. Vào tháng cuối năm, phòng giáo dục các quận, huyện đều khuyến khích các trường mầm non trên địa bàn tổ chức hoạt động giữ trẻ.
Công hay tư, đều nhận
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD Q.3, thông tin: “Hằng năm Q.3 có khoảng 8 trong tổng số 20 trường tổ chức để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ HS. Nếu trường con mình không nhận giữ thì phụ huynh có thể đến đăng ký ở trường khác miễn sao không ảnh hưởng đến trẻ”.
|
Cũng với mục đích trên, Phòng GD Q.9 cho biết gần 20 trường mầm non thực hiện dịch vụ này. Nếu trường nào không thực hiện thì có trách nhiệm giới thiệu HS sang những trường gần đó. Bà Lê Thị Minh Loan - Trưởng phòng GD, cho hay: “Quận sẽ cố gắng khuyến khích để sao mỗi phường ít nhất có một trường hoạt động để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh tại đó. Chẳng hạn phường Hiệp Phú có 3 trường mầm non thì một trường phải thực hiện, phụ huynh 2 trường còn lại nếu có nhu cầu thì ban giám hiệu nhà trường có trách nhiệm giới thiệu sang trường bạn”.
Ở khối ngoài công lập, đại bộ phận các trường đều kéo dài thời gian nhận trẻ thêm một vài ngày. Bà Kiều Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Mai (Q.5), cho biết: “Dự tính năm nay nhà trường sẽ thực hiện theo đúng lịch nghỉ tết của Sở GD- ĐT để giáo viên được nghỉ sớm. Nhưng khoảng một tuần trở lại đây, nhận thấy phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ cao vào những ngày cận tết cho nên ban giám hiệu quyết định sẽ nhận giữ trẻ đến hết ngày 8.2 tức ngày 28 tháng chạp”.
|
Còn ở Q.7, Trường mầm non Mèo Con hoạt động đến hết ngày 7.2, giữ trẻ thêm 4 ngày so với quy định. Theo lãnh đạo nhà trường, trường vẫn nhận trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên do vậy trong dịp này nếu những mẹ nào mới sinh cần có thời gian dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc sắc đẹp để đón xuân thì có thể yên tâm đến gửi trẻ.
Tương tự, Trường mầm non tư thục Hoa Mặt Trời (Q.Tân Bình) nhận giữ trẻ đến hết ngày 7.2. Tuy nhiên trường ưu tiên nhận trẻ từ 3 tuổi trở lên, đã quen với việc đi học.”
Nhiều mức giá
Bà Nguyễn Mai Hương, Phó phòng GD Q.5, cho biết: “Các trường chủ động sắp xếp và thỏa thuận với phụ huynh về học phí. Tuy nhiên phòng GD cũng dự định khống chế mức thu tiền công giữ trẻ có thể gấp 2 lần ngày thường. Mỗi ngày phụ huynh sẽ đóng từ 30.000 đến 50.000 đồng ”.
Nếu tính chung luôn tiền ăn và chi phí bồi dưỡng cho giáo viên, các trường ở Q.9 có mức thu trong khoảng 80.000 cho đến 100.000 đồng/ngày. Theo giải thích của lãnh đạo Q.9 thì việc quy định giá sàn và trần như vậy để các trường linh hoạt thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện của phụ huynh.
Đối với riêng trường ngoài công lập, mức thu do chính nhà trường quyết định và mỗi trường có mức riêng. Nếu HS đang học tại trường thì học phí đã được tính cho đến thời điểm đó. HS mới đăng ký, tham gia ngày nào đóng tiền ngày đó. Ở Trường mầm non Hoa Mặt Trời (Q.Tân Bình), Hiệu trưởng Trịnh Thị Mai Lan thông báo: “Nhà trường nhận trẻ từ lúc 7 giờ, trả trẻ vào lúc 17 giờ với mức thu là 150.000 đến 170.000 đồng/ngày. Nếu gia đình nào muốn gửi trẻ muộn (tối đa đến 19 giờ) thì mỗi giờ đóng thêm 15.000 đồng”. Trường mầm non Fairy Land mức thu là 230.000 đồng/ngày.
Riêng đối với Trường mầm non tư thục Mèo Con (Q.7) có điều kiện cơ sở vật chất khá hiện đại thì mỗi ngày HS đóng 350.000 đồng. Những mức giá của các trường này đều đã bao gồm tiền ăn, sữa các bữa trong ngày
Đề cập đến vấn đề an toàn cho trẻ trong những ngày này, lãnh đạo các phòng GD đều khẳng định: “Nếu đã thực hiện thì mọi công tác phòng chống dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm các trường phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc. Phòng GD sẽ tổ chức giám sát đột xuất các bữa ăn ở các loại hình trường”.
Bích Thanh
>> Tặng trường mầm non
>> Trường mầm non đầu tiên trong khu công nghiệp
>> Vụ Trường mầm non Hoa Sen “cắt xén” phần ăn của trẻ: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vào cuộc
>> Khánh thành trường mầm non
>> Trường mầm non bốc cháy trong đêm
Bình luận (0)