Hơn 70 tấn muối của gia đình ông Mai Văn Đông, Hợp tác xã (HTX) Muối Nam Phong, xã Giao Phong đã tan theo dòng nước trong cơn bão số 8. Tiền mua số muối này là hơn 120 triệu đồng vay ngân hàng và người thân.
Lam lũ bao năm trời, gia đình ông Đông vừa chuyển sang làm đầu mối thu mua muối đã trắng tay sau một đêm mưa bão. Giống như ông Đông, số tiền 40 triệu đồng mà gia đình người anh trai Mai Văn Chiến vay ngân hàng cũng mất theo 60 tấn muối chỉ trong tích tắc.
|
HTX Muối Nam Phong có hơn 2.000 xã viên, phần lớn đều rất nghèo. Có mặt tại cánh đồng HTX Muối Nam Phong, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy cảnh nhà kho lợp mái bổi xiêu vẹo, mất nóc, sân bê tông nứt thành từng mảng, sân phơi cát bị bão xói mòn, cỏ dại mọc um tùm, cầu cống đổ sập, hoang tàn.
Diêm dân kiệt quệ vì không thể tìm đâu ra vốn để khôi phục sản xuất, khiến 70,5 ha đồng muối của HTX phải bỏ hoang suốt 3 tháng nay.
Không có ruộng trồng lúa, mỗi khẩu ở đây chỉ có 0,6 sào Bắc bộ đất làm muối nên các gia đình phải chạy ăn từng bữa. Không chỉ có vậy, người dân địa phương còn phải gánh những khoản nợ hàng trăm triệu đồng sắp đến hạn phải trả.
Ông Cao Xuân Khởi, Chủ nhiệm HTX Muối Nam Phong cho biết: “Trong trận bão số 8, làng muối chúng tôi thiệt hại ước tính hơn 2 tỉ đồng. Bà con cũng muốn làm muối trở lại nhưng tay trắng rồi nên chỉ còn biết làm những việc tạm thời như đi phụ vữa, buôn đồng nát, đào đất đắp bờ đầm thuê thôi. Vừa qua, nhà nước mới hỗ trợ mỗi khẩu làm muối 15 kg gạo/tháng. Có lẽ, quê tôi năm nay mất Tết”.
Tương tự như ở Nam Phong, 4 làng muối khác của huyện Giao Thủy là Hòa Bình; Thống Nhất; Cồn Tàu; Bạch Long đều gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX Muối Hòa Bình (TT.Quất Lâm) Đặng Quang Hảo cho biết, sản lượng muối trong năm 2012 của HTX ước tính chỉ đạt 50% so với kế hoạch đề ra.
“Trong cơn bão số 8 cuối năm 2012, chúng tôi bị mất hơn 300 tấn muối, cộng với việc hư hỏng các công trình như nhà kho, sân phơi... tổng thiệt hại lên tới hơn 4 tỉ đồng. Diêm dân chúng tôi bây giờ muốn sửa lại đồng muối để tiếp tục làm ăn cũng phải mất hàng chục triệu đồng. Hơn nữa, trời không có nắng nên không thể làm được. Chúng tôi dự kiến qua Tết Nguyên đán sẽ khơi lại mương máng, dọn dẹp ruộng bãi để chuẩn bị cho vụ muối vào tháng 4 tới, nhưng không biết bà con có vốn mà làm hay không nữa”, ông Hảo giãi bày.
Áp tết những năm trước, hoạt động bán mua ở những làng muối của huyện Giao Thủy rất nhộn nhịp nhưng năm nay trái ngược hoàn toàn.
Theo những người dân làm muối, hiện giá thu mua muối khá cao, lên tới 2.600 đồng/kg nhưng người dân vẫn không có muối để bán. Cánh đồng không một bóng người, cuộc sống của diêm dân vẫn đìu hiu như thể cơn bão mới vừa qua đây. Một nắng hai sương chắt chiu từng hạt muối, khát vọng vươn lên của bà con diêm dân chưa thành hiện thực thì đã trắng tay trong “canh bạc với trời”!
Xuân Hiếu
>> Còn đâu làng muối…
>> Cấp tiền trợ giá mua muối i-ốt
Bình luận (0)