(TNO) Kết quả khảo sát về năng lực các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam do VCCI lần đầu tiên tiến hành cho thấy doanh nghiệp (DN) chưa thể trông đợi gì nhiều từ vai trò hỗ trợ của các Hiệp hội do chiến lược phát triển gần như chưa được chú trọng, tiềm lực tài chính yếu, khả năng hỗ trợ, bảo vệ lợi ích của DN còn nhiều hạn chế.
>> Ngành mía đường chưa được đầu tư bài bản
>> Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long “chỉ đạo” doanh nghiệp ép giá nông dân
>> Nhiều bất đồng tại Hiệp hội Điều Việt Nam
>> Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN: Ngành điện chỉ quan tâm đến tăng giá
Bức tranh chưa “sáng sủa”
Tại Hội thảo công bố nghiên cứu thực trạng năng lực hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là hiệp hội) diễn ra sáng nay, 25.1, Phó trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, 2012 là năm đầu tiên VCCI tiến hành khảo sát điều tra về thực trạng năng lực hoạt động của các hiệp hội.
Quá trình khảo sát đã có sự hợp tác tích cực của 78 trên tổng số khoảng 400 hiệp hội hoạt động chính thức trên cả nước. Trong số 78 hiệp hội tham gia khảo sát, có 50 hiệp hội đa ngành cấp tỉnh (hơn 64%) và 28 hiệp hội ngành hàng cấp quốc gia (gần 36%).
Qua khảo sát, nhóm điều tra của VCCI đánh giá “dù có sự chuyển biến trong thời gian qua nhưng bức tranh về năng lực hoạt động của các hiệp hội DN Việt Nam chưa thực sự “sáng sủa”. Đa phần các hiệp hội DN Việt Nam nằm ở khu vực có năng lực hoạt động ở mức cơ bản và khá, rất ít hiệp hội DN được đánh giá ở mức đáp ứng cao”.
Trong số 78 hiệp hội tham gia điều tra, chỉ có 23 hiệp hội (tương đương 29%) đã ban hành chiến lược phát triển, và trong số 23 hiệp hội này, chỉ có 14 hiệp hội đưa yếu tố hội nhập kinh tế vào chiến lược, trong đó có 6 hiệp hội ngành hàng quốc gia.
Theo ông Tuấn, một trong những mục tiêu lớn nhất khi thành lập hiệp hội doanh nghiệp là nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên. Để làm được điều đó, hiệp hội phải am hiểu các chính sách, pháp luật trong và ngoài nước, để có thể giúp DN có đủ thông tin về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình khi tham gia các hoạt động sản xuất, thương mại và cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, năng lực tư vấn pháp luật, chính sách cho hội viên của các hiệp hội vẫn còn hạn chế. Đáng lưu ý đây lại là hoạt động kém thường xuyên nhất của các hiệp hội. Thậm chí, từ năm 2007 - 2011, hoạt động này không những không tăng mà còn giảm sút về số lượng (từ 15 xuống còn 14 hoạt động).
Nguyên do xuất phát từ thực tế có tới 76% số hiệp hội trong số các hiệp hội tham gia điều tra chưa có bộ phận chuyên trách về pháp luật. Thậm chí, có 68% hiệp hội không có nhân viên chuyên trách chịu trách nhiệm về pháp lý liên quan đến tổ chức hoạt động của hiệp hội.
Thực trạng này dẫn tới việc khi các DN hội viên cần hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì 43% hiệp hội tự tìm hiểu và giải quyết vấn đề, 25% tham vấn ý kiến của luật sư, còn lại là xin hỗ trợ của cơ quan nhà nước.
Điểm sáng trong hoạt động các hiệp hội có lẽ là xu hướng tăng cường việc tham vấn ý kiến hội viên để đề xuất các kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh, hoặc là thực hiện vai trò cầu nối giữa chính quyền và DN để đối thoại giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo khảo sát, đã có 57/78 hiệp hội DN đã thực hiện hoạt động tham vấn ý kiến hội viên về cải thiện môi trường kinh doanh, chiếm tỷ lệ 73%. Trong 57 hiệp hội có hoạt động này, trong khoảng 5 năm trở lại nay, 50% hiệp hội thực hiện tham vấn 1 hoặc 2 lần trong 1 năm; 23% hiệp hội thực hiện 3-4 lần/năm và 27% tiến hành từ 5 lần trở lên. Cá biệt cũng có những hiệp hội tiến hành tham vấn trên 10 lần/năm.
Bảo Cầm
Bình luận (0)