Ngừng tuyển sinh bậc cao đẳng
Trường ĐH Tài chính - Marketing thông báo ngưng tuyển sinh bậc CĐ tất cả các ngành. Dù ngưng tuyển sinh bậc CĐ nhưng trường vẫn đề xuất tổng chỉ tiêu được giữ nguyên 4.000 (như năm 2012). Nói về điều này, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Trường xác định 4.000 chỉ tiêu là không thay đổi so với năm ngoái, trong đó bao gồm 1.000 chỉ tiêu được dồn lên từ chỉ tiêu bậc CĐ. Với chỉ tiêu dồn lên này, trường sẽ phân bổ cho 2 ngành học mới dự kiến được mở ra trong năm nay là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (tuyển sinh khối A, D1 với các chuyên ngành: quản trị lữ hành, quản trị tổ chức sự kiện); ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (tuyển sinh khối A, D1 với các chuyên ngành: quản trị ẩm thực, quản trị bar). Một phần chỉ tiêu sẽ tập trung thêm cho các ngành vốn được nhiều thí sinh quan tâm như: quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế và marketing”.
|
Cũng theo thạc sĩ Tuấn, năm nay trường sẽ không công bố chỉ tiêu ngành cụ thể từ đầu mà đợi sau khi có số liệu thí sinh đăng ký dự thi mới phân bổ chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Sài Gòn cũng thông báo ngưng tuyển sinh 3 ngành kinh tế bậc CĐ gồm: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán.
Theo đó, chỉ tiêu bậc CĐ của trường giảm 1.400 so với năm 2012. Ở bậc ĐH, trường cũng cắt giảm chỉ tiêu các ngành trên, với mỗi ngành chỉ tuyển 200 sinh viên (giảm từ 150 - 170 chỉ tiêu so với năm 2012). Trao đổi về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết việc cắt giảm này là do trường thực hiện đúng với chủ trương của Bộ vì nguồn nhân lực ngành kinh tế đang dư thừa.
Tăng hoặc giữ nguyên
Trong khi một số trường tự điều chỉnh mức giảm chỉ tiêu ở khối ngành này thì Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lại đề xuất với Bộ cho tăng tổng chỉ tiêu lên 1.600 (tăng 300 so với năm 2012). Trong đó, chỉ tiêu bậc CĐ ngành tài chính ngân hàng giữ nguyên 200, các ngành bậc ĐH dự kiến tăng từ 50 - 100 chỉ tiêu mỗi ngành. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ: “Năm 2012, trường đã bị cắt giảm 50% chỉ tiêu so với năm trước đó. So với năm rồi, mức tăng này chỉ khoảng 25%. Đây là mức tăng mà nhà trường đề xuất với Bộ sau khi đối chiếu với năng lực giảng viên cơ hữu theo quy định”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho hay: “Trường đang đề xuất với Bộ xin thêm 500 chỉ tiêu bậc ĐH lên 5.500 và giữ nguyên chỉ tiêu bậc CĐ là 500. Nếu được duyệt, 500 chỉ tiêu tăng thêm này sẽ rải đều ra các ngành, trong đó có những ngành thuộc khối kinh tế”.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng giữ nguyên mức chỉ tiêu 4.000 so với năm trước. Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, thông tin: “Giữ nguyên mức chỉ tiêu này thực ra là có giảm chỉ tiêu so với năm trước, bởi năm nay trường có thêm 3 ngành học mới là kế toán, marketing và kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, trường tuyển sinh theo điểm chuẩn chung, việc phân ngành chỉ được thực hiện sau khi sinh viên kết thúc học kỳ 3. Gần tới thời điểm phân ngành, trường sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu phân ngành của sinh viên để phân bổ chỉ tiêu cho phù hợp”.
Bên cạnh đó, một số trường khác cho biết sẽ giữ nguyên chỉ tiêu các nhóm ngành này như: ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Nông Lâm TP.HCM… Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay: “Khối ngành kinh tế của trường này là đặc thù, thiên về kinh tế nông lâm. Đây là những ngành vẫn thu hút thí sinh, quan trọng là nhu cầu nhân lực của xã hội rất lớn nên trường vẫn đề xuất giữ nguyên chỉ tiêu giống với năm ngoái”.
Hà Ánh
>> Hồ sơ vào khối ngành kinh tế giảm gần một nửa
>> Vẫn đông thí sinh chọn khối ngành kinh tế
>> Lấy ý kiến về khối ngành kinh tế - quản lý
>> Nhiều sai phạm ở ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội
>> Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội thu sai hơn 51 tỉ đồng
>> Đề nghị thành lập Trường ĐH Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ
>> ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến điểm chuẩn là 19
>> Thanh tra toàn diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân
>> ĐH Kinh Tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bình luận (0)