(TNO) Tôi tò mò đọc bộ tiểu thuyết Ngày mai với ba chấm lửng của Diên Vĩ, một gã trai mới bước qua tuổi 20 chỉ để xem tụi học trò ngày hôm nay yêu đương có nhăng nhít như học trò thời của tôi không.
>> Một vé về tuổi yêu hồn nhiên
Khác! Khác quá trời! Khác ở chính cái nồng độ nhăng nhít ấy nhưng lại giống nhau, giống nhau quá trời ở cái sự ngây ngô, chân thành.
Câu chuyện tưởng như nhỏ nhặt, tầm thường, gã này yêu ả nọ, rồi chán, rồi yêu ả kia và gã kia yêu ả nọ, rồi chán, rồi yêu ả này. Luẩn quẩn loanh quanh cái câu hỏi: “Bà (hoặc ông) có muốn là bạn của tui không?”. Hơn 600 trang in tràn ngập những lời tán gái, những câu tỏ tình, những buồn vui, hờn ghen, giận lẫn nhau, ấy vậy mà khi tôi gấp bộ sách lại, cảm xúc thì cứ đùn đẩy không dừng.
Lởn vởn trong tôi những giai điệu: “Tự nhiên hắn nghĩ, mọi rắc rối cũng chỉ xuất phát từ ba cái chuyện yêu đương nhăng nhít kia mà ra. Con tim của tuổi mới lớn cứ rung động làm gì để rồi làm cho chủ nhân của nó phải khổ sở thế không biết?”. Rồi: “Ông không làm chủ được trái tim ông đâu, nó muốn yêu ai thì nó yêu. Chỉ có làm theo nó mới có cơ hội tìm được niềm vui... hay là sự đau khổ cũng không biết chừng”.
Rồi nữa: “Hắn cảm thấy chuyện tình cảm giống như một giai điệu , nó cứ nhẹ nhàng trong tâm hồn con người. Nó không có gì đặc biệt nhưng nó cứ ở đó. Không ai biết nó tồn tại. Đến lúc nhận ra thì đã muộn. Giai điệu đó đã ngấm vào tâm hồn mình tự lúc nào và không dừng lại nữa”.
Điều đặc biệt hơn là sống lại, đọng lại trong tôi những tính cách, cá tính nhân vật rất học trò nhưng cũng rất con người. Con người của thời đại hôm nay. Đó là nhân vật Nam, Đan, Phương, Thư và “hắn” - người kể chuyện.
|
Không gian của câu chuyện quanh quẩn ở lớp học, sân trường và đặc biệt ở quán nước trước cổng trường của một người đàn bà rất đặc biệt. Chính người đàn bà “ngoại khóa” này đã tạo nên cái hồn cho những đứa trẻ chứ không phải những người đứng trên bục giảng “chính khóa” kia. Nhiều thế hệ học trò đã qua ngôi trường ấy, nhưng không ghé lại thăm trường mà thường ghé lại thăm quán nước của người đàn bà “ngoại khóa” ấy. Khéo lắm đấy Diên Vĩ!
Thế rồi sự rúng động lớn nhất dẫn đến cá tính bộc phát thành hành động của nhân vật Nam cũng như lũ học trò là khi bà Năm - người đàn bà “ngoại khóa” đột ngột qua đời. Đằng sau chuyện yêu đương nhăng nhít, yêu đương tốc độ của lũ học trò, hiện lên những tấm lòng, những nhân cách đẹp.
Để rồi một bất ngờ xuất hiện Phương, đứa cháu nội của bà Năm phụ giúp bà bán quán, một nhân vật luôn mờ nhạt và luôn bị chê là yêu đương cổ điển, chỉ biết yêu có một người từ bé đến nhớn, đã có hành động bừng sáng chống lại quyết liệt gia đình mà cha mẹ là những người có quyền thế để bỏ học thay bà nội tiếp tục duy trì quán nước.
Đây là bộ sách đầu tiên của Diên Vĩ và nghe nói, nó được tập hợp từ những câu chuyện anh kể trên blog của mình theo kiểu “thích gì viết nấy” chứ không hề với mục đích để lấy một “chứng chỉ” - ta là nhà văn. Chính vì vậy nó có rất nhiều sự non nớt, như có nhân vật nào mình biết, chuyện ra sao thì cứ thế kể, cứ thế mà bê vào, thiếu chắt lọc, thiếu sự khôn ngoan đào sâu để tạo bề dày cảm xúc hoặc tạo được những bâng khuâng về cái gọi là “tư tưởng”.
Nhưng do cuộc sống được quan sát bởi một cá tính mà Diên Vĩ tự nhận là “bất bình thường” đã vô tình để rồi “chốt” lại một sự thật rất đời thường mà lần đầu tiên được giãi bày trên trang viết tuổi học trò, đó là: Cả lũ học trò yêu vậy đấy, chân thật và không thể không nói là chính mình, không thể không nói là rất trong sáng, rất lãng mạn nhưng rồi kết cục lại, chả có đứa nào có được hạnh phúc. Điều “rởn da gà” mà không biết có nên nói là “thành công” của cuốn sách hay không, chính ở chỗ đó.
Nguyên nhân ư? Khi bước vào ngưỡng cửa cuộc đời để thực sự là con người trưởng thành, chúng đã không được sống là chính mình bởi những áp lực của cuộc sống, của gia đình, của lối sống thời hiện tại. Chúng luôn vùng vẫy trong các cuộc tình thuở học trò để được “cảm thấy chuyện tình cảm giống như một giai điệu đẹp” nhưng hầu hết khép nép và gục ngã trước uy lực của những người nuôi nấng, “chăn dắt” chúng. Sự bất hạnh đó, phải chăng chính là tiếng kêu thét của một lứa tuổi cần phải được tự chủ và dám tự chủ trước cuộc đời cũng như hạnh phúc của chính mình.
Có lẽ để cái kết có hậu Diên Vĩ đã cho cuộc gặp lại của hai kẻ thất bại hoặc chuẩn bị thất bại trong tình trường là Trân (tức hắn) và Thư. Dù sao với ai còn rất yêu cuộc đời này cũng nên biết ơn Diên Vĩ về sự gặp lại đầy xúc cảm và có hậu ấy.
Lưu Trọng Văn
Ảnh: Nguyên Trương
>> Hội thảo tiểu thuyết nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
>> 23.000 tù nhân viết tự truyện - Trong tù viết tiểu thuyết sử thi
>> Tiểu thuyết “người lớn” của Rowling chính thức lên kệ
>> Sex, ma túy trong tiểu thuyết mới của Rowling
>> Tiểu thuyết “người lớn” của J.K.Rowling sẽ đến Việt Nam
>> Hàn Quốc cấm tiểu thuyết “người lớn” của Pháp
>> Ra mắt tiểu thuyết "Thằng tơ tưởng
>> Người cứu tiểu thuyết "Đống rác cũ
>> Thần đồng tiểu thuyết 11 tuổi
>> Nhà toán học và nhà thơ tọa đàm về “tiểu thuyết toán hiệp”
>> Dịch tiểu thuyết Việt Nam tiêu biểu sang tiếng Đức
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
>> Tiểu thuyết lãng mạn của cựu hoa hậu
>> Nhà văn Mexico nói về tiểu thuyết tính dục
Bình luận (0)