Cung vượt cầu
Ông Nguyễn Ba (xã Hàm Hiệp, H. Hàm Thuận Bắc) cho biết, với 2 ha thanh long của gia đình, nếu trúng giá có thể lãi vài trăm triệu đồng/năm. Nếu biết chia đợt kích thích cho trái, thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều. Theo phân tích ông Ba, cái chính là thanh long được bà con kích thích ra trái đồng loạt, sản lượng vượt cầu nên bị ép giá.
|
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh- Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận thì với diện tích cây thanh long như hiện nay đang có dấu hiệu cung vượt cầu. Vì vậy chủ trương của tỉnh không khuyến khích bà con trồng mới, thay vào đó tỉnh đang tập trung nâng chất lượng trái thanh long. Kế hoạch năm 2013, phấn đấu có khoảng 7.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Tất cả các thị trường đều coi trọng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Vì vậy, khâu sản xuất sạch là điều kiện sống còn cho thương hiệu thanh long Bình Thuận. Chúng tôi đang kiến nghị các nhà khoa học chuyển giao các tiến bộ về khoa học kỹ thuật cho bà con trong khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản trái cây; đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc kích thích. Phải hướng nền sản xuất theo các tiêu chuẩn VSATTP không chỉ của Việt Nam mà của các thị trường khó tính trên thế giới.”- ông Cảnh nói.
|
|
Giữ vững thị trường
Cũng theo ông Cảnh, tình trạng tranh mua, tranh bán thanh long trong cộng đồng một số DN tại địa phương là có thật. Điều này không chỉ phương hại đến uy tín ngành thanh long, mà nó còn gây thiệt hại trực tiếp cho người nông dân. Do đó, ngoài việc phát huy vai trò đầu mối của Hiệp hội, thì các DN cần phải ý thức được việc làm của mình, tránh gây hại cho nông dân.
Còn theo ông Ngô Minh Hùng- Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, trong năm qua không chỉ thanh long bị sụt giảm giá với thời gian dài, mà các loại trái cây khác như dưa hấu, dứa, dừa cũng bị tình trạng tương tự. “Muốn phát triển bền vững thì các DN chỉ có cách duy nhất là đoàn kết lại. Cứ để tình trạng tranh nhau mua bán thì thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Vì vậy cần chia sẻ lợi ích với nông dân. Phương châm người trồng thanh long và người xuất khẩu đều thắng là một giải pháp giữ vững uy tín ở bất cứ thị trường nào”- ông Hùng nói.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Bùi Đăng Hưng cho biết, nhiều DN do tranh mua, nên “đội” giá lên cao. Khi bán sang chợ đầu mối Pò Chài (Trung Quốc) thì giá thấp xuống nên lại xuất hiện tình trạng tranh bán. Và DN bị lỗ nặng là điều hiển nhiên. Hiện nay có đến hơn một trăm DN xuất thanh long sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Do thị trường Trung Quốc là thị trường chiến lược và cũng là thị trường quyết định trái thanh long Việt Nam. “Nhưng nếu cứ khai thác chính sách buôn bán tiểu ngạch, mà không tăng cường xuất khẩu chính ngạch thì rủi ro vẫn còn cao. Cần tăng cường xuất chính ngạch, thậm chí không đi qua cửa khẩu Tân Thanh, mà khai thác cửa khẩu Hà Khẩu- Vân Nam; hoặc vào sâu trong nội địa Trung Quốc bằng đường biển. Đây là điều mà các DN thanh long Bình Thuận cần nghĩ tới”, ông Hưng nói.
Quế Hà
>> Xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành
>> Thanh long xuất khẩu gặp khó
>> Thanh long thiếu điện
>> Trồng thanh long lãi 200 triệu đồng/ha
Bình luận (0)