Quy định làm khó du lịch

01/02/2013 03:20 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn bởi quy định không phù hợp thực tế.

Điều 4 Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30.10.2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng xe ô tô chở người là không quá 20 năm. Thế nhưng tại phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Bộ Giao thông vận tải ngày 26.1.2011 về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch lại quy định: Biển A cấp cho ô tô có niên hạn sử dụng dưới 5 năm và biển B cấp cho ô tô có niên hạn sử dụng từ 5 đến 10 năm.

Xe du lịch luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu mùa cao điểm
Xe du lịch luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu mùa cao điểm
- Ảnh: Đ.N.Thạch
 

Chiếu theo quy định này, những ô tô có niên hạn sử dụng từ 10 năm trở lên sẽ không được phép chở khách du lịch bởi không được cấp biển hiệu. Hiện nay, Sở VH-TT-DL TP.HCM đang triển khai cấp biển cho xe chở du khách trên địa bàn. Vì thế, quy định trên khiến các doanh nghiệp (DN) đầu tư đội xe chở du khách không biết phải xử lý như thế nào.

Bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình Việt Nam, đơn vị có đội xe lên tới 100 chiếc, cho rằng quy định này không khuyến khích DN đầu tư xe để kinh doanh du lịch. Do niên hạn sử dụng ngắn, DN buộc phải cho thuê xe giá cao để thu hồi nhanh vốn đầu tư, khiến chi phí giá tour đội lên theo. Chi phí đầu tư xe du lịch hiện tại rất lớn, bởi hầu hết đều nhập khẩu.

Nhiều DN cho hay giá tour VN không cạnh tranh được với các nước trong khu vực, một phần vì giá vận chuyển quá đắt. Chỉ tính giá vận chuyển mặt đất (không tính vé máy bay) thì chi phí đã vào khoảng 30 - 40% cơ cấu giá tour. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, chi phí xe thậm chí được các cửa hàng lưu niệm miễn phí cho các hãng lữ hành để kiếm doanh thu từ việc đưa khách vào cửa hàng mua sắm. Điều đó giúp giá tour luôn ở mức rất thấp. Ở Campuchia, giá thuê xe thấp hơn Việt Nam từ 20%.

Trao đổi với Thanh Niên hôm 30.1, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA), cho biết: “Chúng tôi đã tham khảo một số nước trong khu vực, xe phục vụ du khách được quy định đến 20 năm. Vấn đề là hằng năm xe đều phải qua kiểm định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ du khách”. Hiện thị trường xe du lịch ở VN cung không đủ cầu. “Mùa cao điểm không đủ xe phục vụ du khách, nên quy định liên tịch của hai bộ gây lãng phí cho DN và ngành du lịch VN”, bà Khánh phát biểu.

HTA đang tiến hành lấy ý kiến DN để kiến nghị tăng thời gian cấp biển hiệu xe du lịch loại A có niên hạn sử dụng 10 năm; loại B có niên hạn từ 10 đến 20 năm. Điều này phù hợp với nghị định đã ban hành của Chính phủ, vốn có giá trị pháp lý cao hơn thông tư liên tịch của hai bộ.

N.Trần Tâm

>> TP.HCM lần đầu có tổng đài thông tin du lịch
>> Khách Việt chi 3,5 tỉ USD du lịch nước ngoài
>> Cần 1.893 tỉ đồng đầu tư du lịch
>> Lúng túng trong xử lý xe chạy hợp đồng, du lịch
>> Dự án du lịch trên… giấy!
>> Du lịch Bình Dương ước đạt trên 932 tỉ đồng
>> Hiểm nguy rình rập tàu du lịch “chui”
>> Cần sớm áp dụng chương trình kích cầu du lịch năm 2013
>> Kết quả hoạt động ngành du lịch Đà Nẵng chưa tương xứng tiềm năng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.