Khuynh hướng giáo dục đại học năm 2013

02/02/2013 03:55 GMT+7

Trước sự phát triển công nghệ và ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giới chuyên gia dự đoán giáo dục đại học trong năm 2013 có ba khuynh hướng chính.

Gia tăng khóa học qua mạng đại trà

Tiến sĩ Rahul Choudaha - Giám đốc nghiên cứu và dịch vụ tư vấn của Tổ chức Giáo dục thế giới (Mỹ) - nhận định đầu năm 2012 khóa học qua mạng đại trà (MOOC) sẽ không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều đại học (ĐH) hàng đầu trên toàn cầu. Cụ thể, khi mới bắt đầu cung cấp các MOOC miễn phí đầu tiên vào tháng 4.2012, Công ty Coursera (Mỹ) chỉ thu hút được 5 ĐH, viện đối tác, nhưng con số này hiện nay đã lên tới 33, cung cấp tổng cộng 213 khóa học, thu hút hơn 2,3 triệu học viên.

 Khuynh hướng giáo dục đại học năm 2013
Giới chuyên gia dự đoán khóa học qua mạng sẽ tăng trong năm 2013 - Ảnh: forbes.com

Trước thực tế này, ông Choudaha dự đoán trong năm 2013 MOOC sẽ tiếp tục đối mặt một số rào cản, nhưng sẽ trở thành một biện pháp thay thế đáng tin cậy cho những học viên muốn lấy tín chỉ. Còn Giám đốc quản lý Ryan Craig tại ĐH Ventures (Mỹ) nhận định việc mở MOOC cho thấy các trường ĐH bây giờ cần một chiến lược đào tạo qua mạng. Trong đó có nhiều ĐH danh tiếng đang tính đến việc cấp văn bằng cho các khóa học qua mạng. “Năm 2013 sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất từ trước tới nay của các khóa học và chương trình đào tạo cấp văn bằng qua mạng”, Đài Foxbusiness dẫn lời ông Craig nhấn mạnh.

Tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng

Cũng theo tiến sĩ Choudaha, những nước thu hút sinh viên quốc tế  đang thắt chặt việc cấp thị thực. Nhằm nỗ lực ngăn chặn sinh viên giả nhập cảnh, giới chức Anh đang có kế hoạch phỏng vấn 100.000 sinh viên quốc tế muốn đến nước này du học. Chính phủ Canada vừa đề xuất một quy định nhằm thắt chặt các luật liên quan đến thị thực sinh viên để ngăn chặn tình trạng gian lận và buôn người. Theo đó, thị thực chỉ được cấp cho sinh viên học tại các trường được chính phủ chỉ định với điều kiện họ được tuyển thật sự và có đến lớp học. Những học viên tham dự các chương trình dưới 6 tháng sẽ không được cấp loại thị thực sinh viên, theo báo The Windsor Star. Bên cạnh đó, chương trình du lịch và trao đổi sinh viên (SEVP) của chính phủ vừa thông báo sinh viên quốc tế học chương trình tăng cường tiếng Anh (IEP) ở nước này sẽ phải học đầy đủ một năm học (thường 26 tuần) trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hằng năm. Ngoài ra, theo chuyên trang thepienews.com, nhiều ĐH Mỹ sẽ không còn được phép cấp thị thực I-20 cho những sinh viên theo chương trình  IEP muốn học lên ĐH.

ĐH công tìm cách tăng nguồn thu

Tiến sĩ Choudaha cho biết: “Ở Mỹ, việc cắt giảm ngân sách sau suy thoái cho các ĐH công buộc nhiều trường tăng cường tập trung tuyển sinh viên quốc tế vì đối tượng này đóng học phí cao hơn”. Hội đồng tài trợ giáo dục Anh cũng vừa lên tiếng cảnh báo về “sức khỏe” tài chính của các ĐH ở nước này và cho rằng các  trường có thể gia tăng nguồn thu bằng cách tăng học phí. Từ đó, tiến sĩ  Choudaha kết luận: “Nói chung, chính phủ các nước đang đối mặt với thách thức tài chính nên những cải tiến mạnh không thể diễn ra trong năm 2013… Những vấn đề về ngân sách sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành giáo dục ĐH trong năm 2013 và có thể buộc các ĐH công tự tìm cách tăng nguồn thu”.

Cũng do ảnh hưởng của việc thắt chặt ngân sách, theo Foxbusiness, trong năm 2013 nhiều ĐH công sẽ có khuynh hướng chọn thỉnh giảng thay vì tuyển dụng giảng viên cơ hữu.

Minh Trung

>> Nhiều thay đổi trong giáo dục đại học
>> Công bố nhiều dự thảo quy định mới về giáo dục đại học
>> Khủng hoảng kinh tế sẽ đạt đỉnh vào năm 2013
>> Tài sản dân Mỹ mất giá gần 40% vì khủng hoảng kinh tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.