Vừa đưa đôi chân trần vào bể nước biển khổng lồ, An vội rụt lại vì quá lạnh. Nhưng giờ biểu diễn đã đến, cô vội xỏ đuôi cá vào chân, hai tay chụm lại, vốc nước từ bể lên vẩy vào mặt và khắp người để làm quen với độ lạnh. Đoạn, An nhảy ùm xuống bể nước lạnh, lặn nhanh về phía cả trăm du khách đang chờ xem nàng tiên cá.
|
Không khí lập tức ấm lên với những tiếng ồ ngạc nhiên thán phục, những tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng máy ảnh tanh tách và đèn flash nháy sáng liên tục. Trong bể nước biển có chiều dài 5m, sâu 6m, nàng tiên cá xuất hiện, tung tăng giữa hàng ngàn sinh vật biển đủ kích cỡ, sắc màu.
Như thật
Nàng tiên cá mặc chiếc áo ngực màu xanh, để lưng và bụng trần giữa làn nước trong suốt, “đuôi” nàng cũng một màu xanh kéo dài từ eo đến vây, điểm xuyết bằng các lớp vảy màu óng ánh... Cơ thể nàng uốn lượn mềm mại như những làn sóng và mái tóc bồng bềnh như mây trong nước. Môi nàng luôn nở nụ cười tươi, tay vẫy chào du khách. Thỉnh thoảng nàng làm động tác hôn gió, suối bong bóng khí trong suốt từ đôi môi xinh tràn ra thật lãng mạn... Trong vòng 15 phút, nàng tiên cá thực hiện hàng chục lượt bơi qua lại dưới làn nước của “đại dương”. Lúc nàng bơi lơ lửng trong làn nước, lúc bổ nhào từ trên xuống, khi lặn sát dưới đáy “biển”, lúc thực hiện một vòng lộn nhào, khi tung tăng bơi đùa cùng chú rùa hoặc chàng người nhái...
Hầu hết du khách đều thích thú với màn trình diễn này. “Tôi rất ấn tượng với nàng tiên cá. Cô ấy vừa nín thở cả phút, vừa liên tục lặn, bơi, múa và thể hiện sự thân thiện với du khách. Đây là một trong những nét độc đáo, rất lôi cuốn của khu du lịch này” - chị Lisa Ivanov, một du khách người Nga, nhận xét. Bà Vũ Thị Lan, du khách lớn tuổi đến từ Hà Nội, xuýt xoa: “Ban đầu tôi cứ tưởng đó là người giả, bởi làm sao cô gái ấy không mang bình hơi như người nhái mà có thể lặn lâu trong nước giữa trời khá lạnh thế này, làm sao cô ấy đủ sức để bơi lặn hầu như suốt 15 phút liền. Ngạc nhiên thật!”.
Ông Lưu Chí Hiếu - phó tổng quản lý Vinpearl Land (Nha Trang, Khánh Hòa) - tự hào nói rằng khu du lịch này là nơi duy nhất ở VN có màn biểu diễn nàng tiên cá.
Tự biên tự diễn
Khoảng 40 phút sau màn trình diễn ấn tượng, Nguyễn Thị An trở lại công việc bình thường là một hướng dẫn viên ở khu thủy cung, trong bộ áo dài màu xanh nước biển. “Nhóm chúng tôi có bốn người, làm nhiệm vụ hướng dẫn và biểu diễn nàng tiên cá. Bình thường mỗi ngày biểu diễn nàng tiên cá hai suất lúc 11g và 17g, những lúc đông khách thì biểu diễn thêm suất 15g, mỗi suất diễn kéo dài trong 15 phút. Ngày thường chỉ biểu diễn nàng tiên cá đơn, nhưng ba ngày cuối tuần vào suất chiều có diễn đôi” - An kể.
An là “nàng tiên cá” có thâm niên nhất tại thủy cung Vinpearl và là người đào tạo những “nàng tiên cá” khác tại đây. Sinh ra ở làng biển Ba Làng (thuộc P.Vĩnh Hòa, phía bắc TP Nha Trang) nên An biết bơi từ nhỏ. Vốn là một cựu vận động viên bơi lội, năm 2007 An xin vào Vinpearl làm thợ lặn cho cá ăn và vớt tạp chất ở khu thủy cung. Giữa năm 2010, những người quản lý ở đây đưa ra ý tưởng có nàng tiên cá giữa thủy cung nhân tạo này, An được chọn vì cô là... nữ thợ lặn duy nhất.
“Khó khăn lớn nhất là nàng tiên cá không có thật, cũng chẳng nơi nào huấn luyện người ta cách biểu diễn nàng tiên cá nên tôi phải tự biên tự diễn” - An kể. Thế là cô lên mạng tìm các đoạn clip, phim, hình ảnh về nàng tiên cá để nghiên cứu. Mất hơn một tháng, Nguyễn Thị An có thể bơi được kiểu lượn sóng, có thể nín thở cả phút trong nước. Cô cũng tự tay thiết kế, may trang phục nàng tiên cá để biểu diễn. “Buồn cười nhất là lúc đó không tìm đâu ra dụng cụ để làm đuôi cá, đành phải lấy hai cái chân vịt của thợ lặn ghép lại với nhau nên những ngày đầu cái đuôi nàng tiên cá bé tẹo” - An cười tươi khi nhớ lại.
Sau Nguyễn Thị An, lần lượt Trần Lệ Xuân, Đinh Thị Uyên Phương, Dương Phương Mai và một số cô gái khác, hầu hết đều là người ở xứ biển Nha Trang, trở thành nàng tiên cá ở thủy cung Vinpearl. “Vì màn trình diễn nàng tiên cá rất thu hút du khách nên các cô ấy là “con cưng” của khu thủy cung này” - ông Lưu Chí Hiếu nói.
Niềm vui, mồ hôi và nước mắt
Nhưng ít ai biết để có được màn biểu diễn nàng tiên cá mềm mại, quyến rũ ấy, các cô gái phải khổ luyện. Để thành nàng tiên cá, các cô phải dành ra một giờ đến một giờ rưỡi mỗi ngày tập luyện kỹ thuật bơi trên cạn, rồi thực tập ở các hồ nước bên ngoài trước khi chính thức vào bể kính khổng lồ của thủy cung Vinpearl trong một tháng đến vài tháng liền.
Đinh Thị Uyên Phương bộc bạch: “Người ta bơi là để nổi, còn nàng tiên cá bơi là phải... chìm. Lặn với bình khí còn dễ vì mình vừa được thở, vừa có kỹ thuật điều chỉnh lặn sâu, lặn nông hoặc lơ lửng, còn nàng tiên cá phải lặn suốt trong nước và nín thở 15-45 giây cho mỗi lượt bơi”.
Nguyễn Thị An nói: “Nhiều lúc mến khán giả, mình thực hiện các vòng nhào lộn hoặc hôn gió nhiều thì lượng hơi nén trong cơ thể mất rất nhanh. Lúc ngoi lên khỏi mặt nước thì mệt, nhưng nghĩ đến bao nhiêu người đang chờ mình diễn tiếp nên “nàng tiên cá” không được phép nghỉ lâu”.
Một điều khiến các “nàng tiên cá” lo sợ nữa là bơi cùng các loài vật lớn xác trong bể. “Nàng tiên cá phải bơi chung cùng các loài cá mập, rùa biển khổng lồ, cá đuối... nên rất sợ chúng tấn công. Thú thật đến giờ tôi vẫn còn sợ vì sau 5-6 năm, mình không lớn thêm mà các con vật ấy ngày càng lớn” - Nguyễn Thị An nói.
Với các nàng tiên cá, bị sưng đầu khi ngoi lên với tốc độ lớn đụng phải “cụ” rùa hay việc bị trầy xước da, chảy máu nhẹ do bị rùa mổ, va chạm với da cá nhám, gai khi nhào lộn... là chuyện bình thường. Các cô cũng chấp nhận hi sinh làn da đẹp vì lặn ngụp thường xuyên trong nước mặn, khi diễn xong là “đụng” ngay hơi máy lạnh trong thủy cung khiến da khô nứt...
Và có cả những giọt nước mắt của nàng tiên cá. Trần Lệ Xuân buồn buồn kể rằng khi thấy cô trong hình hài nàng tiên cá, chồng cô không đồng ý. “Để anh ấy thấu hiểu hơn công việc của mình, tôi đã tìm cách để anh cùng sang Vinpearl làm việc. Không ngờ một thời gian sau anh đã có người mới ở đó. Không níu kéo được, chúng tôi phải chia tay”. Một người khác cho biết mẹ và chồng cô cũng ngăn cản quyết liệt việc trở thành nàng tiên cá, nên khó gắn bó với nghề trong thời gian dài... Nguyễn Thị An nói rằng từ năm 2010 đến nay, cô đã đào tạo khá nhiều nàng tiên cá, song vì những vất vả của nghề, sự cản trở của gia đình nên nhiều cô bỏ cuộc.
Tết đang về, dự báo lượng du khách đến Vinpearl Land sẽ tăng bội phần. Các nàng tiên cá cũng tất bật lên kế hoạch, phân công nhau trực để biểu diễn. “Dù cực nhọc nhưng chúng tôi yêu nghề này vì mang được niềm vui đến cho mọi người và tìm được niềm vui cho chính bản thân mình” - An thổ lộ.
“Thật vui khi từ những cô gái không ai biết đến, chúng tôi thành “người nổi tiếng” vì hình ảnh và các clip về nàng tiên cá ở Vinpearl được nhiều du khách chụp, quay lại rồi đưa lên mạng Internet. Nhiều du khách yêu mến còn gửi tặng album ảnh, DVD quay chúng tôi biểu diễn, xin số điện thoại và địa chỉ email để cảm ơn, động viên. Mỗi khi tung tăng trong bể nước biển khổng lồ, dù không nghe được âm thanh gì bên ngoài, nhưng thấy du khách vỗ tay, nhìn gương mặt thích thú và ngạc nhiên của họ, chúng tôi rất hạnh phúc. Mọi ưu phiền cuộc sống đều được chúng tôi trút bỏ khi khoác lên người bộ trang phục nàng tiên cá và lặn sâu xuống thủy cung” - các “nàng tiên cá” thổ lộ.
Theo Duy Thanh / Tuổi Trẻ
>> “Nàng tiên cá” và cá nhám
>> Học làm... nàng tiên cá
>> Nàng tiên cá trong đời thực
>> Copenhagen - thủ đô nàng tiên cá
>> Mỹ tuyên bố: Xác chết biết đi, nàng tiên cá không có thật
Bình luận (0)