Hình ảnh đầu tiên của sao chổi “thế kỷ”

09/02/2013 13:30 GMT+7

(TNO) NASA cho hay một trong những viễn vọng kính của mình đã bắt được hình ảnh đầu tiên của một sao chổi được dự đoán sẽ có màn trình diễn hoành tráng nhất thế kỷ vào cuối năm nay.

(TNO) NASA cho hay một trong những viễn vọng kính của mình đã bắt được hình ảnh đầu tiên của một sao chổi được dự đoán sẽ có màn trình diễn hoành tráng nhất thế kỷ vào cuối năm nay.

Tàu du hành Deep Impact của NASA đã chụp được ảnh của sao chổi ISON ở khoảng cách 793.406.600 km, xuất hiện dưới dạng một quả cầu ánh sáng rực rỡ di chuyển trên nền trời chi chít sao, theo Space.com dẫn tuyên bố từ Phòng Thí nghiệm Động lực học (JPL) của NASA.

“Đây là sao chổi thứ tư mà chúng tôi tiến hành quan sát và cũng là lần đầu tiên chúng tôi nỗ lực truyền dữ liệu về một sao chổi đang ở khoảng cách xa nhất tính từ Trái đất”, theo Tim Larson, Trưởng dự án Deep Impact tại JPL.

Sao chổi thế kỉ
Sao chổi đã lọt vào ống kính của Deep Impact. Ảnh: NASA/JPL-Caltech/UMD

ISON được phát hiện vào ngày 21.9.2012, nhờ vào công của hai nhà thiên văn học người Nga là Vitali Nevski và Artyom Novichonok.

Sau đó, Văn phòng Chương trình Các Vật thể Cận Trái đất của NASA đã vẽ được sơ đồ di chuyển của nó, từ đó kết luận ISON đang thực hiện cuộc xâm nhập sâu nhất vào Hệ mặt trời.

ISON sẽ có cuộc tiếp cận đầy nguy hiểm với mặt trời vào ngày 28.11, lúc đó sẽ cách bề mặt ngôi sao trung tâm khoảng 1,2 triệu km. Nếu may mắn thoát nạn, không bị mặt trời làm mờ nhạt hoặc biến mất, nó sẽ tiếp tục đến gần Trái đất vào ngày 26.12, cách chúng ta khoảng 64 triệu km.

Đến giữa tháng 1.2013, đuôi của sao chổi này đã dài hơn 64.400 km.

Hạo Nhiên

>> Sao chổi không gây thảm họa Clovis
>> Sao chổi có thể tồn tại ngoài hệ mặt trời
>> Sao chổi còn sáng hơn mặt trăng
>> Sao chổi đêm Giáng sinh
>> Sao chổi mới đang tiến đến mặt trời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.