Chưa hết Tết, nông dân Lý Sơn trắng đêm tưới tỏi

12/02/2013 22:15 GMT+7

(TNO) Theo “lịch” của người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì đến ngày 8 tháng giêng âm lịch mới hết Tết. Tuy nhiên, với một số nông dân trên đảo, thì Tết của họ đã hết từ ngày… mùng 1.

Còn hơn một tháng nữa là vụ tỏi đông xuân 2013 của nông dân Lý Sơn sẽ đến thời kỳ thu hoạch. Cây tỏi đang trong thời kỳ tạo củ nên rất cần một lượng nước ổn định. Do mùa mưa năm nay ít, cộng với trời nắng nhiều, ban ngày nước không đủ tưới nên nông dân Lý Sơn phải tưới vào ban đêm.

Những người tưới tỏi ban đêm chủ yếu là ở khu vực thôn Đông (xã An Vĩnh) vì nguồn nước ở đây còn thiếu so với xã An Hải.

Mới đêm mùng 2 Tết, chạy xe khắp đồng tỏi thuộc khu vực trên, đâu đâu chúng tôi cũng nghe tiếng máy nổ xình xịch, ánh đèn pin soi tưới nước. Họ tưới từ chập choạng tối cho đến tận 3 giờ sáng.


Tưới tỏi giữa đêm mùng 2 Tết 

Anh Trần Đức Hoài (thôn Đông) cho biết vụ tỏi này anh trồng hơn 7 sào. Nhờ có máy, giếng nước và đường dây dẫn ống nước tưới riêng nên nhìn chung anh cũng chủ động được nguồn nước. Tuy nhiên do năm nay nắng nhiều, mà tỏi đang vào giai đoạn cần nước, nên ngày mùng 2 Tết, vợ chồng anh đã có mặt trên rẫy để tưới nước. Ban ngày không đủ nên phải tưới luôn cả ban đêm.

Cũng theo anh Hoài, ban đêm chủ yếu là anh tưới cho người khác để kiếm thêm thu nhập. “Tưới nước mỗi tiếng đồng hồ là 140 ngàn vào ban ngày, ban đêm giá cũng không thay đổi nhưng chủ thuê có “bồi dưỡng” thêm một ít”. Cũng theo anh Hoài, cái giá đó là ở Sũng (khu vực gần Đồn biên phòng 328), còn ở bên Cõi (sau núi Hòn Sỏi) giá là 180 ngàn do phải dùng đến hai máy để tải nước.

Tối mùng 3 Tết, những tiếng máy nổ thêm dày đặc hơn, ánh đèn pin vì thế mà cũng thêm nhiều. Chúng tôi đến rẫy của anh Nguyễn Thọ, 60 tuổi, ở thôn Đông, An Vĩnh, anh vừa kiểm tra lại máy nổ vừa cho biết: “Vụ này tôi trồng 6-7 sào gì đấy. Năm nay nắng quá nên ban ngày thiếu nước, thành ra ban đêm phải cực khổ thế này đây”.

Ba cha con anh cùng với cây đèn pin con gấu (loại dùng đèn led để bàn), mỗi người một việc, lầm lũi trong đêm: Anh Thọ thì cuộn lại đoạn dây vừa tưới, còn con trai anh thì cầm vòi tưới, trong khi đó thì đứa con gái tay cầm đèn chiếu sáng, tay đỡ dây cho khỏi đè tỏi.


Châm nước cho máy bơm

Cách đó không xa, cha con anh Trần Văn Phượng, 45 tuổi, ở thôn Đông, An Vĩnh, cũng bơm nước tưới tỏi. Trong khi anh quơ vòi nước qua lại để cho thấm đều và không làm ngã tỏi thì đứa con trai của anh tay đỡ dây, tay giữ cây đèn pin mờ mờ do đã yếu điện.

Anh Vượng nói: “Giếng tôi đang tưới là giếng tập thể. Ban ngày anh em tưới nhiều quá, hết nước nên tui phải lụi cụi đêm hôm vầy đây. Chỉ tội cho thằng cu nhỏ không được đi chơi Tết”.

Cực chẳng đã mới tưới tỏi ban đêm, tuy vậy không phải ai cũng “may mắn” để có nước ban đêm mà tưới. Đó là trường hợp của anh Mai Văn Nhớ, 37 tuổi, ở thôn Đông, An Vĩnh.

Anh Nhớ cho biết: “Chực chờ hồi sáng đến giờ mà vẫn không tưới được vì nước ra được bao nhiều thì người khác đã tưới hết”. Thế là hai vợ chồng anh phải ở lại giếng “canh me” chờ có nước là tưới ngay. 

Nói chuyện được một chút thì anh Nhớ bật dậy, soi đèn pin xuống giếng, một lát sau anh bảo với vợ: “Có nước rồi, em ra cầm vòi đi để anh nổ máy”.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Tuy không đến độ khan hiếm nhưng do năm nay ít mưa, nắng nhiều nên lượng nước để tưới bị thiếu. Đây là thời điểm cây tỏi tạo củ nên rất cần nước, để đảm bảo nhu cầu tạo củ của cây tỏi nông dân buộc phải thức đêm để tưới nước”.

Được biết vụ tỏi đông xuân lần này nông dân Lý Sơn gieo trồng với tổng diện tích gần 300 ha.

Bài, ảnh: Xuân Khánh

>> Đầu tư gần 1.000 tỉ đồng kéo điện cáp ngầm ra đảo Lý Sơn
>> Bắn pháo hoa đêm giao thừa tại đảo Lý Sơn
>> Triệu năm núi lửa Lý Sơn
>> Chúc tết quân và dân đảo Lý Sơn
>> Tặng quà tết tại đảo Lý Sơn
>> Anh hùng Hồ Giáo - Kỳ 5: Con nghé mang tên Lý Sơn
>> Chúc tết cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ tại Lý Sơn
>> Ngư dân Lý Sơn mở cửa biển đầu năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.