(TNO) Ngoài chuyện “săn” các dấu hiệu của vụ thử vũ khí hạt nhân, các cảm biến này có thể dùng để theo dõi cá voi, giám sát tình trạng ô nhiễm không khí và cảnh báo sóng thần.
Trong báo cáo đăng trên chuyên san Science, nhà địa vật lý học Raymond Jeanloz của Đại học California ở Berkeley (Mỹ), cho biết khái niệm liên kết các biện pháp kiểm soát vũ khí với mảng theo dõi môi trường là đề tài đang rộ lên trong cộng đồng khoa học gia.
|
Kể từ giữa thập niên 1990, các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc đã triển khai hệ thống trên toàn cầu các thiết bị đo địa chấn, máy phát hiện bức xạ hạt nhân và cảm biến âm thanh trên đất liền và dưới biển nhằm theo dõi việc thực thi hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước trên, với nội dung cấm thử các vụ nổ hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào, đã được 159 quốc gia phê chuẩn. Một nhóm 24 nước khác, bao gồm Mỹ, đã ký vào thỏa ước, nhưng chưa phê chuẩn nó.
Hệ thống này, bao gồm 337 cơ sở trên toàn thế giới, phục vụ cho mục tiêu gìn giữ hòa bình thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu mới, những cảm biến thu thập các dữ liệu sóng âm và phân tích mẫu không khí còn có thể được dùng cho các mục đích khoa học khác, chẳng hạn như ngăn chặn các thảm họa động đất và sóng thần tương tự sự kiện chết chóc tại Ấn Độ Dương năm 2004 và Nhật Bản năm 2011.
Việc sử dụng công nghệ “săn” vũ khí hạt nhân cho các mục tiêu khoa học còn có thể tận dụng tốt khả năng quá thừa thãi lâu nay của các hệ thống cảm biến và nguồn nhân lực đằng sau nó, theo chuyên gia Jeanloz kết luận.
Phi Yến
>> Ô nhiễm không khí ảnh hưởng cân nặng trẻ
>> New Zealand đối mặt nguy cơ sóng thần
>> Bí mật bom sóng thần
>> Thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản: Một năm nhìn lại
>> Viễn cảnh siêu sóng thần ở Nhật Bản
Bình luận (0)