Đầu tư ra nước ngoài bắt đầu thu lợi

18/02/2013 03:20 GMT+7

Đầu tư ra nước ngoài lần đầu tiên vào năm 1989, đến nay đã có 720 dự án với tổng vốn gần 15 tỉ USD nhưng chỉ vài ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp mới thu quả ngọt.

Tiền bắt đầu "chảy" về nước

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2012, các doanh nghiệp (DN) đầu tư ra nước ngoài  mang về nước khoảng 430 triệu USD tiền lãi, song trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều.

Năm 2012, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) đạt tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với năm 2011 và lợi nhuận chuyển về VN đạt 77 triệu USD, gấp 4 lần so với năm 2011. Viettel bắt đầu rót vốn đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006 và Campuchia là điểm đến đầu tiên. Tính đến nay, tổng số vốn góp ra nước ngoài của tập đoàn này là 175 triệu USD và tổng lợi nhuận đã mang về nước đạt 120 triệu USD.

 
Rừng cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào - Ảnh: C.T.V

Tập đoàn FPT cũng thành lập Trung tâm xuất khẩu phần mềm tại Bangalore (Ấn Độ) và ở Mỹ. Sau đó mở rộng cung cấp các giải pháp phần mềm, tích hợp hệ thống, viễn thông… Đến nay, FPT đã có mặt tại 11 thị trường trên thế giới với số lượng nhân viên lên tới 4.000 người. Theo ông Nguyễn Thế Phương - Phó tổng giám đốc FPT, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2012 đạt trên 90 triệu USD, tăng trưởng 30% so với năm 2011. Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm chiếm tỷ trọng lớn với hai thị trường nòng cốt là Nhật Bản và Mỹ. Năm 2012, hai thị trường này đã tăng trưởng tương ứng 44% và 65%. Dự kiến đến năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ra nước ngoài sẽ đóng góp khoảng 30% tổng lợi nhuận chung của Tập đoàn FPT.

Năm 2012, Tập đoàn dầu khí quốc gia VN cũng đã chuyển về nước trên 360 triệu USD. Còn với Tập đoàn cao su VN, việc đầu tư hai dự án cao su ở Campuchia và Lào đã mang về cho tập đoàn này 38 tỉ đồng trong năm 2012. Dự kiến những năm tới, doanh thu sẽ tăng lên vì diện tích khai thác sẽ lớn hơn.

Triển vọng

Sáng 4.2 vừa qua, sau khi đến Phnom Penh tham dự lễ hỏa táng Cựu quốc vương Norodom Sihanouk, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đã đến thăm Nhà máy phân bón quốc tế Năm Sao Campuchia. Đây là dự án do Tập đoàn quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư (chiếm 90% vốn điều lệ, liên doanh với một DN Campuchia), triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón NPK và phân bón hữu cơ vi sinh, với tổng mức đầu tư 80 triệu USD. Giai đoạn 1, nhà máy có công suất 350.000 tấn/năm; giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 500.000 tấn/năm. Chỉ với dây chuyền 350.000 tấn, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 40% thị phần tại Campuchia.

Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Năm Sao kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty phân bón quốc tế Năm Sao Campuchia, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, cho biết đây là nhà máy sản xuất phân bón NPK và hữu cơ vi sinh đầu tiên có quy mô hiện đại lớn nhất tại Campuchia và Đông Nam Á, với công nghệ Ure hóa lỏng. Với thị trường rộng lớn như Campuchia, triển vọng kinh doanh thành công của nhà máy này là rất cao sau khi chính thức đi vào khai thác.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng công bố việc chuẩn bị khánh thành Cụm công nghiệp mía đường và Nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh Attapeu tại Lào vào cuối tháng 2.2013. Trước đó, vào tháng 1, sau gần 14 tháng xây dựng, Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu đã hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành 2 hạng mục: nhà máy mía đường 7.000 tấn mía/ngày và Trung tâm nhiệt điện. Ngoài ra, hai hạng mục khác của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào là Nhà máy Ethanol công suất 30.000 tấn/năm và Nhà máy phân bón công suất 50.000 tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối quý 2/2013.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của DN VN đang gia tăng mạnh mẽ và mở ra một mặt trận kinh tế thứ hai nhằm khai thác thị trường và lợi thế cạnh tranh của các nước khác để bổ sung, hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước và nâng cao vị thế kinh tế của VN trên thế giới. Tất nhiên, để ngày càng có nhiều "quả ngọt", DN cần có thêm các chính sách ưu đãi, khuyến khích phù hợp về thuế, thủ tục thành lập, xúc tiến thương mại… từ phía Chính phủ. Riêng các DN công nghệ thông tin cần có những định hướng, chính sách hỗ trợ cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực... 

Khó về nguồn vốn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số lượng các ngân hàng trong nước vươn ra nước ngoài để lập DN hoặc lập chi nhánh còn quá ít, hiện tại mới có Ngân hàng Đầu tư Phát triển VN (BIDV), Sacombank... Điều này khiến các nhà đầu tư của VN gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án. Hơn nữa, việc ngân hàng VN đầu tư ra nước ngoài ít cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động thanh toán thương mại quốc tế của VN.

M.Phương - N.T.Tâm

>> Đầu tư ra nước ngoài: Niềm tin được khẳng định
>> Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 15 tỉ USD
>> PVN đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỉ USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.