Trì hoãn kết hôn, ngại sinh con hay chỉ sinh một con để tận hưởng cuộc sống đang là lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình trẻ hiện nay.
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại nhiều địa phương, số con trung bình của các cặp vợ chồng đã giảm thấp dưới mức mong đợi. Nếu như năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 6,3 con thì đến năm 2009 chỉ còn 2,03 con; năm 2011 là 1,9 con. Trong khi đó, trên thế giới, tốc độ giảm sinh này chỉ giảm được 2,5 con (từ 5 con xuống 2,5 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ). Ông Trọng cũng cho hay đích của chương trình dân số là cả nước đạt mục tiêu 2,1 con/cặp vợ chồng nhưng xu hướng “lười” sinh đẻ hiện nay đang khiến số con trung bình thấp hơn cả mục tiêu cần đạt.
Nhiều cặp vợ chồng cho biết “lười” sinh con vì các lý do đại loại như: kinh tế chưa cho phép, chưa có nhà, chưa có điều kiện để chăm sóc tốt nhất cho đứa trẻ, công việc chưa ổn định...
Theo Tổng cục Thống kê, các điều tra gần đây cho thấy mô hình sinh của Việt Nam đang chuyển từ sinh sớm sang sinh muộn hơn, đặc biệt phụ nữ thành thị ngày càng trì hoãn thời gian sinh con và ít con hơn. Xu hướng giảm sinh rõ nét nhất là tại các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tại đây, số con trung bình/cặp vợ chồng thấp (từ 1,6 - 1,9 con). Riêng TPHCM, số con trung bình/cặp vợ chồng hiện chỉ 1,3, giảm liên tục trong các năm gần đây (năm 2009 số con trung bình là 1,9).
|
GS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Hà Nội), cho rằng kinh tế càng phát triển thì mức sinh càng thấp, gia đình càng khá giả, càng đẻ ít con. Ở các cuộc điều tra dân số - kế hoạch hóa gia đình đều cho thấy học vấn càng cao mức sinh càng thấp. “Điều tra dân số năm 1994 ở độ tuổi 25 trở lên, phụ nữ chưa đi học có số con trung bình gấp 2 lần nhóm phụ nữ có trình độ THPT trở lên” - ông Cử cho biết.
Một số chuyên gia dân số cho rằng trì hoãn sinh con là lựa chọn của không ít bạn trẻ bởi họ đang chú trọng hơn đến việc phấn đấu có công việc, thu nhập ổn định và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Nhiều cặp vợ chồng sau khi đã thành công trong sự nghiệp, muốn sinh con thì đã qua độ tuổi có thể thụ thai an toàn. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo tốt nhất là phụ nữ nên sinh con trước tuổi 30.
“Yêu” sớm, kết hôn muộn Số liệu điều tra do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở cả nam và nữ thanh niên đều tăng nhẹ (kết hôn muộn hơn) trong 10 năm qua. Theo đó, tuổi kết hôn trung bình của nam hiện là 26,2 và của nữ là 23. Trong khi đó, quan hệ tình dục (QHTD) lại bắt đầu sớm hơn. Theo kết quả điều tra về sức khỏe sinh sản/tình dục (SAVY 2, công bố năm 2010), QHTD lần đầu ở thanh niên Việt Nam đã sớm hơn 1,5 tuổi (trung bình 18,1 tuổi); 5 năm trước đó, tuổi QHTD lần đầu là 19,6. Thanh niên đô thị QHTD lần đầu trung bình 18 tuổi, sớm hơn so với thanh niên nông thôn (18,4 tuổi). Có 9,5% thanh niên từng QHTD trước hôn nhân (5 năm trước đó và tỉ lệ này là 7,5%). |
Theo Ngọc Dung/ Người Lao Động
>> Người phụ nữ... online
>> Phụ nữ muốn “nắm quyền” ở mọi nơi?
>> Xu hướng lười sinh con
Bình luận (0)