Mỗi môn một phương pháp
Phạm Thị Hoàng Yến - thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2012 tại TP.HCM, cho biết: “Không phải cứ ngồi vào bàn lâu là học được nhiều mà sự tập trung vào môn học chỉ hiệu quả khi có một phương pháp hợp lý”. Vì học chuyên khối A nên môn toán, hóa Yến đạt điểm tối đa, thế nhưng lịch sử và địa lý bạn cũng đạt 9,5 điểm/môn.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc học 2 môn “sở đoản”, Yến nhấn mạnh: “Để có thể nhớ bài lâu, Yến đã tự vẽ sơ đồ tư duy các ý chính, ý phụ ra giấy trong quá trình học bởi kiến thức liên quan đến hình ảnh sẽ giúp nhớ lâu. Ngoài nội dung, 2 môn xã hội nói trên còn có những con số nên hãy liên hệ sự kiện với ngày tháng liên quan đến cuộc sống của mình. Đặc biệt hãy thường xuyên trao đổi với bạn bè và tự tổ chức những trò chơi đố vui cũng là một cách để nhớ lâu kiến thức”. Bên cạnh đó, Yến còn đạt 8,5 điểm môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp. Theo Hoàng Yến, để làm tốt một bài văn đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm sống của cá nhân rất nhiều. Thế nên mỗi ngày cố gắng dành vài phút để đọc sách nhằm bổ sung kiến thức về cuộc sống và đây cũng là một cách thư giãn.
|
Nguyễn Trường Thịnh - thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2011, chia sẻ: “Khi bắt đầu ôn luyện, hãy chia thành 2 giai đoạn. Đầu tiên là ôn tập kiến thức với mục tiêu chủ yếu là đọc kỹ sách giáo khoa và ôn theo từng chương, từng phần học. Hai quá trình này song song và bổ trợ cho nhau. Do vậy nên đọc kỹ sách giáo khoa ít nhất một lần trong quá trình học và một lần vào lúc tổng luyện trước khi đi thi. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng đối với các môn thi trắc nghiệm vì các câu hỏi lý thuyết trong đề thường bám sát kiến thức sách giáo khoa”.
Chủ động thi thử
Thủ khoa các kỳ thi đều lưu ý ôn xong chương nào phải nắm vững kiến thức chương đó để bước sang giai đoạn giải đề thi thử. Đây là điều kiện để thực hành khả năng vận dụng, xử lý các kiến thức ôn luyện và chuẩn bị trực tiếp cho kỳ thi ĐH.
Ở giai đoạn này, thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu - Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho rằng: “Khi tập giải đề thi thử, học sinh nên giải nghiêm túc và có giới hạn thời gian rõ ràng. Với đề toán là đề thi tự luận, khi giải nên trình bày chi tiết ra giấy, tự chấm điểm và xem mình còn sai sót những gì so với đáp án. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai sót đó, xác định rõ nguyên nhân (tính toán nhầm, suy nghĩ thiếu chiều sâu, hoặc là chưa có ý tưởng…) để tìm phương án giải quyết, học tập những cách giải hay từ đáp án, thầy cô và bạn bè”.
Đối với đề trắc nghiệm thường không có đáp án chi tiết, Trần Đức Hưng - thủ khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2012, chia sẻ: “Các bạn hãy dựa vào đáp án A, B, C, D rồi suy nghĩ tiếp lời giải nào phù hợp nhất cho đáp án đó. Đừng quên thảo luận với bạn bè hoặc hỏi thầy cô, điều này sẽ giúp bạn nâng cao khả năng suy nghĩ cũng như tích lũy nhiều kinh nghiệm để giải quyết vấn đề”.
Tự tập giải đề thi ngay từ năm lớp 10, Nguyễn Trường Thịnh rút ra kinh nghiệm: Giải xong một đề đừng vội chuyển sang đề khác. Hãy tự củng cố lại rằng mình đã học tập được những gì qua việc giải đề, dừng lại ở những câu mà mình mất khá nhiều thời gian suy nghĩ, tìm xem vấn đề nằm ở đâu và nên thử tối ưu hóa cách giải, thử tìm một cách ngắn hơn nếu có thể. Nếu chúng ta đã khá suôn sẻ trong quá trình giải đề thi với thời gian giống như thi thật thì hãy thử ép thời gian hẹp dần xem kết quả như thế nào. “Bạn sẽ thấy tốc độ xử lý của mình nhanh lên rất nhiều và khoảng thời gian dư ra do bị ép đó dành cho việc giải những câu khó cũng như các yếu tố bất ngờ xuất hiện trong khi thi. Việc tập luyện nhiều sẽ giúp bạn có được sự phán đoán đúng đắn và nhanh chóng khi gặp một đề bài nào đó, giúp bạn dễ dàng đi đúng hướng khi xử lý bài tập”, Thịnh đúc kết.
Bích Thanh
>> Đang là SV, có được thi đại học?
>> Chọn ngành thi đại học, cao đẳng: Chuộng kinh tế, lơ là kỹ thuật
>> Nhiều đổi mới trong kỳ thi đại học, cao đẳng
>> Tranh luận về đề thi đại học
>> Thư của một thí sinh thi đại học gửi về quê
>> Thêm 3 trường công bố điểm thi đại học
Bình luận (0)