Gặp gỡ Hoàng Sa, Trường Sa

22/02/2013 16:55 GMT+7

(TNO) Trong những ngày qua, khách tham quan Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa) đã có dịp gặp gỡ Hoàng Sa - Trường Sa theo một cách rất riêng.

(TNO) Lưu giữ và trưng bày hàng ngàn mẫu vật động - thực vật biển đa chủng loại, cùng hàng trăm hiện vật mang nặng giá trị lịch sử… Viện Hải dương học Nha Trang là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học, điểm tham quan du lịch đặc sắc của tỉnh Khánh Hòa.

Trong những ngày qua, khách tham quan Viện còn có dịp gặp gỡ Hoàng Sa - Trường Sa theo một cách rất riêng. Đó là khu trưng bày "Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa". Đây được xem là công trình “đinh” trong kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh Khánh Hòa đối với Viện Hải dương học.

Trong gian hầm hiện đại và hoành tráng, du khách có thể chiêm ngưỡng những sinh vật đặc trưng của vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa với mức độ đa dạng rất cao.

Đó là hàng chục bể trưng bày những sinh vật điển hình sinh sống trong vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, các tiêu bản độc đáo do người dân huyện đảo Trường Sa đánh bắt được; những tấm ảnh tư liệu quý giá về biển đảo quê hương; hàng loạt tấm ảnh sinh hoạt đời thường của người Việt tại Hoàng Sa có từ những năm 1938 và trải dài theo tiến trình lịch sử; những hình ảnh nơi đầu sóng ngọn gió của những ngư dân và các nhà nghiên cứu khoa học trên vùng biển thiêng liêng…

Bên cạnh những hiện vật biển đảo, kể từ ngày 2.2.2013 chủ đề về quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa càng trở nên sinh động khi Viện Hải dương học Nha Trang trưng bày nhiều tư liệu địa lý rất có giá trị như: Đại Nam nhất thống toàn đồ (1834), An Nam đại Quốc họa đồ (1838), và cả Hoàng triệu trực tỉnh địa dư toàn đồ do người Trung Quốc vẽ… Tất cả cứ liệu lịch sử đều khẳng định một điều: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

Được biết, ngoài Viện Hải dương học, nội dung trưng bày này còn được tỉnh Khánh Hòa tổ chức tại 15 địa điểm công cộng, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo của người dân.

Trong khuôn khổ hoạt động khoa học và du lịch của mình, Viện Hải dương học Nha Trang đang mang đến những hiệu ứng tích cực cho du khách trong ngoài nước, sau những lần nâng cấp, trùng tu đáng kể trong thời gian gần đây. Nỗ lực đó càng trở nên ý nghĩa khi hướng về vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, song song với tăng giá trị du lịch cho thành phố biển.

Được thành lập từ năm 1923, đến nay Viện Hải dương học Nha Trang được đánh giá là đơn vị nghiên cứu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam, cả về quy mô tổ chức lẫn công tác nghiên cứu khoa học. Ấn tượng hơn cả là 20.000 mẫu vật động - thực vật được Viện bảo quản, trở thành cơ sở dữ liệu sinh động và quý giá đối với các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, cánh cổng của Viện luôn rộng mở cho các hoạt động tham quan du lịch, và nghiễm nhiên trở thành điểm đến rất được ưa thích của các du khách ghé qua thành phố Nha Trang từ nhiều năm qua. Còn đối với người dân địa phương, công trình nên thơ nằm dưới chân đồi cùng con dốc uốn quanh này là một phần không thể thiếu trong ký ức.


Viện Hải dương học Nha Trang


Những bản đồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam


Hầm trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa” hiện đại


Một mẫu vật thu được tại Trường Sa tháng 4.1991


Cá mặt trăng đuôi nhọn được ngư dân Trường Sa bắt được


Du khách nước ngoài hào hứng với các hiện vật trưng bày


Cảnh sinh hoạt đời thường tại Hoàng Sa của người Việt Nam


Cột mốc khẳng định chủ quyền của người Việt Nam đối với Hoàng Sa, ảnh chụp từ năm 1938


Thư viện sinh học đồ sộ và sống động

Phạm Bá Diệp
(Ảnh: Phạm Bá Duy)

>> “Phượt” ở quê hương Hải đội Hoàng Sa
>> Lắp đặt 15 tụ điểm trưng bày bản đồ cổ về Hoàng Sa - Trường Sa
>> Đường sách khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
>> Huyện đảo Hoàng Sa triển lãm tư liệu về Hoàng Sa
>> Triển lãm nhiều tài liệu cổ về Hoàng Sa
>> Quyết liệt vì Hoàng Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.