>> Săn cổ vật Óc Eo - Kỳ 4: Nghề vá cổ vật
Cầm xe mua cổ vật
Thời gian không lùi lại để nhiều người dân ở Óc Eo cảm thấy… mình giàu. Nhiều gia đình sở hữu cổ vật nhưng lại coi như vật dụng bình thường khác trong nhà. Khi quý một người nào đó, họ không đắn đo “kỷ niệm” bằng một món đồ ngàn năm. Sự phóng khoáng vẫn tiếp tục khi huyện vận động đóng góp hiện vật trưng bày trên đỉnh Ba Thê.
|
Năm 2002, ngôi nhà hình linga hoàn thành trong niềm háo hức của người dân Óc Eo. Vậy là ít ra sau các đợt khai quật di chỉ, nhiều hiện vật quý bị mang đi, thì người bản địa vẫn còn có cái để giới thiệu với khách thập phương về niềm tự hào của mình. Tuy nhiên, các hiện vật khai quật đã không được mang trở lại. Để có cái trưng bày, địa phương phải “tự thân vận động”. Hay nói khác hơn là đi xin của dân. Các cán bộ quân đội, công an, văn hóa được lãnh đạo huyện chỉ đạo thu thập tin tức lưu giữ cổ vật của người dân để “huy động”. Sau một năm, họ mang về giao cho nhà trưng bày gần 100 hiện vật các loại. Phần lớn do đóng góp của người dân Óc Eo.
Có một chuyện khá hy hữu xảy ra khi tiến hành kiểm tra cổ vật tại nhà trưng bày trên đỉnh Ba Thê hồi tháng 1 vừa qua. Bất ngờ, ngoài các cổ vật do quân đội, công an, trung tâm văn hóa huyện giao nộp thì người ta phát hiện ở đó “dư” 34 món. Ông Nguyễn Văn Be, Trưởng ban Quản lý du lịch - văn hóa H.Thoại Sơn, giải thích sở dĩ có nhiều cổ vật “ngoài danh sách” là do trong thời gian hoạt động, các anh em ở đây đã thu thập thêm để điền đầy các tủ trưng bày. Nói về chuyện này, ông Be lại nhắc đến ông Út Hoa (Phạm Ngọc Hoa), người trực tiếp đi sưu tầm hàng chục món cổ vật đem về. Để có được nhiều cổ vật như vậy, ông Hoa đã “ăn dầm nằm dề” ở Óc Eo thời gian dài. Cứ chén tạc chén thù với nhiều gia đình và… hỏi xin cổ vật. Phần lớn cổ vật do người dân tặng. Nhưng những món có giá trị cao thì cũng phải thương lượng để mua lại với giá “hữu nghị” cho dân không quá thiệt thòi.
Tuy nhiên, cái khó lúc này là nhiều tay săn cổ vật cũng chực chờ để thâu tóm những món được cho là quý giá. Để giữ bằng được cổ vật, ông Hoa nhiều phen cầm cố đồ đạc của mình vì “nếu buông ra là mất”. Ông Be kể có lần từ Óc Eo ông Hoa gọi về núi Sập báo với ông gặp được chiếc bình rất đẹp. Gia chủ ra giá cao nhưng ông đã thuyết phục được họ bán 4 triệu đồng. Thế nhưng ngay cả 4 triệu ông Hoa cũng không có để mua. Ông Be bảo ông Hoa cứ xoay xở mua cho được chiếc bình mang về. Khi nhìn qua nhìn lại chỉ còn chiếc xe gắn máy của mình là đáng giá, ông Hoa chạy một mạch ra chợ Óc Eo cầm ngay chiếc xe để lấy tiền trả cho chiếc bình. Sau đó Út Hoa phải nhờ một thanh niên chở ông ôm chiếc bình về núi Sập.
Nhắc đến chuyện này, ông Hoa bỗng nhiên bức xúc: “Mình cực khổ tìm mua về, không hề tính toán gì. Nhưng tui tức ông cán bộ bảo tàng tỉnh xuống thấy chiếc bình rồi lắc đầu bảo tôi mua mắc, chiếc bình chỉ đáng giá 2 triệu là cùng”. Ông Be nói, lúc đó ông chỉ chống chế rằng nếu đó là bình giả mà đẹp như thế thì mua 4 triệu cũng đáng. Thế rồi không lâu sau, một người am hiểu cổ vật ở Cần Thơ đến núi Sập nhìn thấy chiếc bình đã ra giá 400 triệu đồng. Đến đây, ông Be nói ông có linh cảm chẳng lành nên lập tức cho người mang chiếc bình sang công an huyện nhờ giữ giúp. Đến nay, chiếc bình ấy vẫn còn nằm trong kho tang vật của công an.
Út Hoa nói trong những ngày đi thu gom cổ vật cho nhà nước, ông đã không ít lần bị hiểu lầm. Có những món đồ bị đánh giá thấp, nhưng không lâu sau lại có người lạ đến hỏi mua với giá cao. Thậm chí, sau này ông mới biết mình từng bị công an theo dõi vì nghi là phe cổ vật. Hôm tiếp xúc với chúng tôi, ông Be nói ông đang làm đề nghị lên UBND tỉnh khen ông Hoa vì thành tích sưu tầm cổ vật Óc Eo cho nhà nước, khi ông không còn là “người của nhà nước” nữa.
Nhậu để… xin cổ vật
Ngoài “mũi” của ông Út Hoa, 3 “mặt trận” chính vận động cổ vật trong dân về cho nhà trưng bày tuy có “chính quy” hơn nhưng cũng không phải đơn giản. Ông Đặng Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo (thời điểm trước là xã đội trưởng), nói: “Để vận động được hàng chục món cổ vật không hề dễ. Có hộ dân khi mình tới gợi ý là người ta sẵn sàng mang ra tặng, có nhiều trường hợp phải lân la vài lần nhậu mới vui vẻ cho, thậm chí có những món cổ vật nếu chậm trễ sẽ về tay phe buôn… nên phải răn đe để người dân không bán”. Những lần vận động càng khó hơn khi nhiều người dân bắt đầu biết đến giá trị của cổ vật mà họ đang giữ. Bên cạnh đó, chuyện mua bán cổ vật cũng nổi lên khi ngay tại Óc Eo đã xuất hiện những người chuyên mua bán đồ cổ chuyên nghiệp. Người dân cảm thấy thiệt thòi với món đồ cho đi, vốn chỉ nhận được tấm giấy khen kèm với 100.000 đồng cho mỗi món được hiến tặng.
Mãi nhiều năm sau này, tại hồ sơ trong một vụ án cổ vật của Công an Thoại Sơn, chúng tôi còn thấy cả đơn thưa ông trưởng công an xã vì nghi “tịch thu” cổ vật để… đem đi bán. Nhiều cổ vật liệt kê trong đơn thưa, chúng tôi vẫn còn thấy tại kho tang vật của công an huyện.
Khi nhắc đến nhiều món đồ cho đi, ông Đặng Minh Trí (thị trấn Óc Eo) vẫn còn xuýt xoa. Ông nói ông không nhớ đã hiến bao nhiêu cổ vật, chỉ nhớ từng món mà ông cho rằng rất quý, rất đẹp. Ngược lại với ông Trí, anh ruột của ông, ông Đặng Quốc Thanh, thì chỉ nhớ nôm na đã tặng 18 món đồ cho nhà trưng bày. Ông nhớ đến con số này là vì nó thể hiện trong giấy khen của huyện cấp cho ông. Còn khi hỏi về các món đồ, ông lắc đầu: “Mình đã cho rồi, nhớ làm gì!”. Nói về những cổ vật mà nhà chùa đã tặng đi, sư trụ trì chùa Nam Linh Sơn, hòa thượng Thích Thiện Trí, nói có món đồ ông phải vất vả đem chôn giấu vì sợ lại rơi vào tay trộm. Nhưng khi tặng cho nhà nước thì ông sẽ không phải giữ nữa. Như sực nhớ điều gì đó, nhà sư lại băn khoăn: “Chẳng biết chúng có còn không?”.
Tiến Trình
Bình luận (0)