Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 5: Tây Sơn ngũ phụng thư

01/03/2013 00:15 GMT+7

Bên cạnh Tây Sơn thất hổ tướng, 5 vị nữ tướng tài danh của nhà Tây Sơn được người đời xưng danh là Tây Sơn ngũ phụng thư, gồm: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung.

>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 4: Vì dân, vì nước, gác chuyện phục thù

Thà chết còn hơn rơi vào tay giặc

Bà Bùi Thị Nhạn người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định), cô ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Tuy thân phận lớn hơn nhưng bà Nhạn lại kém tuổi hơn Bùi Thị Xuân và sau này theo dưới trướng trong quân binh. Trong việc dạy võ nghệ, Bùi Thị Xuân rất nghiêm khắc nên Bùi Thị Nhạn mau chóng trở thành nữ kiệt. 

Sau khi vợ là bà Phạm Thị Liên qua đời, Nguyễn Huệ kết duyên cùng Bùi Thị Nhạn. Theo nhà nghiên cứu Quách Giao, bà Nhạn sanh hạ được 3 con trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh và 2 con gái. Quang Trung lên ngôi hoàng đế thì bà Nhạn được phong Chánh cung Hoàng hậu. Khi Quang Toản lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.

Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 5: Tây Sơn ngũ phụng thư
Tái hiện cảnh luyện tập nữ binh thời Tây Sơn tại lễ hội mừng Chiến thắng Đống Đa - Ảnh: Hoàng Trọng

Bà Trần Thị Lan là người thôn Trường Định, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Trường Định, xã Bình Hòa, H.Tây Sơn), cháu nội của danh sư Trần Kim Hùng. Trần Thị Lan có người chị gái Trần Thị Huệ là vợ của Nguyễn Nhạc. Nghe tiếng Bùi Thị Xuân võ nghệ cao cường, bà Lan lên thăm chị rồi tìm cách kết thân với Bùi Thị Xuân. 

Cuộc gặp gỡ giữa Trần Thị Lan và Bùi Thị Xuân được 2 tác giả Quách Tấn, Quách Giao kể lại trong cuốn Võ nhân Bình Định: Trên một vùng gò rộng rãi, dưới sự giám sát của nữ tướng Bùi Thị Xuân, toán nữ binh đang phi ngựa bắn vào hồng tâm các tấm bia cách đó chừng 30 thước. Cuộc tập dợt đang độ sôi nổi thì bỗng nhiên một con ngựa dở chứng lồng lên mang nữ kỵ sĩ chạy quanh võ trường. Dù tìm đủ mọi cách, người cưỡi ngựa không thể nào kìm nổi con ngựa chứng.

 Đột nhiên trong đám người đứng xem chạy vụt ra một bóng người áo trắng, nhẹ nhàng nhảy lên ngồi phía sau người kỵ mã, tay cướp lấy dây cương, chân kẹp chắc vào bụng ngựa. Ngựa bỗng chồm hai chân trước, đứng thẳng lưng hòng hất hai người xuống đất nhưng dây cương đã siết chặt hông ngựa như bị kiềm sắt khóa cứng. Cuối cùng, ngựa cuồng đành phải ngoan ngoãn đứng yên. Người áo trắng đó chính là Trần Thị Lan. 

Từ đó, Trần Thị Lan ở lại cùng Bùi Thị Xuân huấn luyện nữ binh. Tại đây, bà gặp Nguyễn Văn Tuyết và kết duyên vợ chồng. Tuy có chồng, song Trần Thị Lan vẫn hoạt động dưới trướng Bùi Thị Xuân. Trong trận chiến với quân Thanh, bà Lan có đi cùng Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết. Vua Quang Trung mất, vợ chồng Đại đô  đốc Tuyết và bà Trần Thị Lan phò vua Cảnh Thịnh. Sau này, vợ chồng bà ra Thăng Long, phụ trách việc tuần phòng cho đến khi quân Nguyễn tấn công ra Bắc Hà. 

Theo cuốn Võ nhân Bình Định, quân Nguyễn tấn công ra Bắc thành, Bùi thái hậu cùng vợ chồng Đại đô đốc Nguyễn Văn Tuyết đưa vua qua sông Nhị Hà lên phía bắc, có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Quang Dung theo hộ giá. Bị giặc vây đánh tại Xương Giang, Đô đốc Tứ và Tư mã Dung tử trận. Hai vợ chồng Đại đô đốc Tuyết cùng với Bùi thái hậu tả xung hữu đột phá được vòng vây phò xa giá. Tuy nhiên, quân Nguyễn vẫn đuổi riết. Cuối cùng, quân tàn, lực kiệt, Đại đô đốc Tuyết tử trận. Bà Trần Thị Lan và Bùi thái hậu chống cự không nổi nên bị bắt nhưng hai người đã dùng gươm tự sát.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

Đô đốc Nguyễn Thị Dung, người làng Phổ Lạc (nay thuộc xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), là em ruột quan Thái bảo Nguyễn Văn Xuân. Nữ tướng Huỳnh Thị Cúc, người làng Dương Quang (nay thuộc xã Đức Thắng, H.Mộ Đức), là em ruột Đô đốc Huỳnh Văn Thuận, một vị tướng tài của quân Tây Sơn. Lúc còn trẻ, nghe tiếng thầy Trương Văn Hiến, hai bà theo anh trai vào Tây Sơn xin học. Vì môn quy không nhận dạy nữ môn sinh, nên thầy giáo Hiến từ chối nhưng lại viết thư giới thiệu cùng Bùi Thị Xuân. Hai bà cùng với bà Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan kết làm chị em, tôn bà Bùi Thị Xuân vừa lớn tuổi vừa tài đức hơn trội làm chị cả.

 Theo Võ nhân Bình Định, bà Nguyễn Thị Dung là người khỏe mạnh, rất ham mê cưỡi ngựa múa đao. Làm tì tướng cho Bùi Thị Xuân, bà Dung đã giúp rất nhiều công trong việc huấn luyện nữ binh. Bà kết duyên cùng một danh tướng Tây Sơn là Trương Đăng Đồ, người làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tướng Đăng Đồ lập được nhiều công lớn, được vua Quang Trung phong tước Tú Đức hầu, chức Đô đốc. Bà Nguyễn Thị Dung luôn luôn theo sát bên chồng, lúc thì xông pha trận mạc, khi thì rèn luyện binh sĩ, đôn đốc việc canh tuần.

Khi quân nhà Nguyễn tràn ra Thăng Long, vua Quang Toản chạy về phía bắc để thành Thăng Long lại cho anh trai là Nguyễn Quang Thùy (con của bà Phạm Thị Liên) và vợ chồng Tú Đức hầu chống giữ. Sau vài trận giao tranh, biết không thể chống nổi, bà Nguyễn Thị Dung cùng chồng mở đường máu hộ giá Nguyễn Quang Thùy chạy về ngả Sơn Tây. Mục đích để nhử giặc chạy theo hướng này mà không đuổi theo xa giá vua Quang Toản. Lên đến Sơn Tây thì nghe tin vua bị bắt. Thế cùng binh tận, sau một trận chiến oai hùng, cả ba đều bị bắt. Nguyễn Quang Thùy đập đầu tuẫn tiết. Hai vợ chồng Tú Đức hầu cũng rút gươm tự sát.

Bà Huỳnh Thị Cúc không lấy chồng, mặc dù có nhiều danh tướng Tây Sơn đã từng nhờ Bùi nữ tướng làm mai mối. Khi Phú Xuân thất thủ, bà Cúc theo nữ tướng Bùi Thị Xuân hộ giá Quang Toản chạy ra Nghệ An. Trên đường đi bị quân Nguyễn Ánh vây đánh, bà Cúc luôn luôn che chở phía sau cho Bùi Thị Xuân bảo giá vua qua sông Nhật Lệ. Quân địch bị Huỳnh Thị Cúc ngăn chặn dồn lại bên bờ sông. Các nữ binh đã một lòng với chủ tướng, nên trận chiến kéo dài qua một đêm. Sáng hôm sau, Huỳnh Thị Cúc cùng mươi nữ binh còn sống sót, áo ướt đẫm máu về đến thành Nghệ An. Vừa trông thấy Bùi Thị Xuân, bà Cúc vội chạy đến ngã vào lòng chị. Bùi nữ tướng ôm lấy em. Huỳnh Thị Cúc nhìn chị lần cuối cùng rồi tắt thở. Bùi Thị Xuân cùng những nữ binh còn lại, ai cũng rơi lệ thương tiếc.  

Hoàng Trọng

>> Tôn vinh danh thần Tây Sơn bị chính sử bỏ sót
>> Dâng mai cho nghĩa sĩ Tây Sơn
>> Không gian Tử Cấm thành nhà Tây Sơn
>> Theo dấu tích vương triều Tây Sơn
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 3: Thiết côn vô địch
>> Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 2: Trung thần không thờ hai vua
>> Tây Sơn thất hổ tướng: Vị tướng diệt ác, trừ gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.