Thành lập trường ồ ạt
Để dẫn đến tình trạng nhiều trường, đặc biệt trường ngoài công lập, không tuyển được sinh viên, theo các chuyên gia một trong những nguyên nhân là do việc thành lập trường không đúng quy hoạch và không tính đến nhu cầu xã hội. Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 của Chính phủ định hướng: "Ưu tiên thành lập các cơ sở mới có đủ tiềm lực và điều kiện; hạn chế việc nâng cấp các cơ sở hiện có”. Trên thực tế, từ năm 1998-2009 đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có tới 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn, trong đó nhiều vùng đã thành lập trường vượt cả quy hoạch.
|
Năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo quy mô đào tạo đang trong tình trạng mất cân đối: ĐH chiếm 72,3%, CĐ chỉ chiếm 27,7%. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo với hơn 440 trường ĐH ở năm 2010 là đã quá nhiều rồi. Tuy vậy, xu hướng thành lập trường ĐH từ việc nâng cấp trường CĐ vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2011-2012 tiếp tục có 23 trường ĐH được thành lập, trong đó chỉ có 3 trường tư thục thành lập mới, còn lại là trường công lập được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Đáng lưu ý, không kể các thành phố lớn, hầu hết các tỉnh thành đều có trường ĐH, trong đó có những tỉnh tới 4-5 trường. Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì trong 195 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp trên toàn quốc trong giai đoạn 2005-2009 có tới 139 trường là công lập. Điều này đã đi chệch mục tiêu xã hội hóa giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi đã từng phát biểu tại Quốc hội là hiện mỗi năm cả nước chỉ cần khoảng vài chục ngàn cử nhân ĐH, CĐ nhưng các trường đào tạo ra hàng trăm ngàn thì làm sao mà không thất nghiệp. Trong khi đó địa phương nào cũng muốn có trường ĐH là không cần thiết”.
|
Cần chia lại “miếng bánh” ngân sách
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định, mô hình trường ngoài công lập hiện nay vừa là doanh nghiệp lại vừa không phải doanh nghiệp. Là doanh nghiệp vì có cổ đông, đại hội cổ đông, nghị quyết đại hội cổ đông có tính quyết định… nhưng không phải là doanh nghiệp chẳng hạn như đầu tư lãi không được chia. Vì thế, theo ông Thuyết cần có quy định thế nào là lợi nhuận, phi lợi nhuận, vụ lợi. “Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục ĐH cần làm rõ điều này”, ông Thuyết nói.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng cho rằng: “Đối với chính sách về thuế, các địa phương cũng thực hiện nhiều cách khác nhau, có địa phương đã thu thuế trường ngoài công lập như doanh nghiệp thuần túy, không hề có chính sách ưu đãi nào. Các trường muốn có chính sách ưu đãi thì phải đáp ứng những điều kiện nghiệt ngã như đạt tỷ lệ 25 m2 đất/sinh viên”. Ông Nhĩ khẳng định: “Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước thì các trường ngoài công lập làm sao đạt được tiêu chí đất đai như vậy. Hiện còn rất nhiều trường công lập được nhà nước bao cấp mọi mặt mà vẫn không đạt được tiêu chí đất đai đó thì làm sao các trường ngoài công lập đạt được”.
Trước thực tế này, Giáo sư Thuyết đề xuất: “Cần tạo ra thế cạnh tranh công bằng cho các trường công và ngoài công lập. Nhà nước chỉ nên đầu tư cho những lĩnh vực trọng điểm hoặc những lĩnh vực mà nguồn lực xã hội sẽ không chọn như: toán học, văn học, triết học… Các trường công lập cũng cần dần dần tự chủ tài chính. Nếu cứ đầu tư dàn trải theo kiểu rải mành mành như hiện nay thì nhà nước không đầu tư nổi mà pha loãng 20% ngân sách dành cho giáo dục như vậy thì rất nguy”.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH dân lập Thăng Long, đề nghị nhà nước cần tập trung ngân sách để xây dựng 2 loại trường ĐH công sao cho bằng khu vực gồm 2 ĐH quốc gia và một số ít trường ĐH sư phạm và kỹ sư; trường ĐH công của tỉnh với ngành nghề và lĩnh vực tùy theo phát triển kinh tế của địa phương. Với các trường tư, theo Giáo sư Sính, tình hình kinh tế hiện nay của nước ta không cho phép nhà nước hỗ trợ tài chính như ở các nước, nhưng về chính sách thì hoàn toàn có thể làm được. Chẳng hạn cho phép trường mở ở những nơi có thể tuyển sinh được, giúp trường có đất sạch, có kế hoạch phân bổ giáo viên giúp trường. “Cuối cùng điều không thể thiếu mà mọi nơi trên thế giới đều làm, đó là tuyển sinh viên tốt nghiệp ở các trường tư về làm việc ở các địa phương chứ không từ chối họ như một số tỉnh đã làm vừa qua” - bà Sính nhấn mạnh.
Vũ Thơ - Tuệ Nguyễn
>> Ngỡ ngàng học phí trường ngoài công lập
>> Nhiều cơ hội ở các trường ngoài công lập
Bình luận (0)