Giành giật mặt bằng ở trung tâm thương mại

01/03/2013 19:55 GMT+7

(TNO) Trong khi thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng thì phân khúc mặt bằng kinh doanh ẩm thực nằm trong các cao ốc, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm TP.HCM lại rất sôi động, giá thuê cao và ổn định.

(TNO) Trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng thì phân khúc mặt bằng kinh doanh ẩm thực nằm trong các cao ốc, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm TP.HCM lại rất sôi động, giá thuê cao và ổn định.

Hơn hai tháng qua, ông Lê Đình Quang, Giám đốc Công ty Lê Quang (Tân Bình, TP.HCM) dù phải chạy đôn chạy đáo và nhờ người tìm mặt bằng ở khu vực trung tâm để kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.

"Nóng" mặt bằng cho thuê kinh doanh ăn uống

Yêu cầu mà ông Quang đề ra là mặt bằng phải có diện tích chừng 150 - 200 m2, nằm ở các cao ốc hay tòa trung tâm thương mại buôn bán sầm uất ở khu vực quận 1, 3.


Kinh doanh nhà hàng trong các trung tâm thương mại đang hút khách - Ảnh: Đình Quân

“Một số chỗ ở xa trung tâm thì có mặt bằng, nhưng tôi sợ những vị trí đó kinh doanh nhà hàng không hiệu quả. Còn các cao ốc ở trung tâm thì đa phần không đáp ứng diện tích mà mình đề ra. Có cao ốc còn chỗ nhưng giá thuê lại quá cao”, ông Quang nói.

Có thể nói việc chọn các mặt bằng đẹp ở các cao ốc, trung tâm thương mại để kinh doanh nhà hàng đang là xu hướng được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực ẩm thực nhắm tới.

Chuyên gia âm thực Võ Quốc nhận xét, xu hướng kinh doanh này khá an toàn bởi trong các cao ốc thương mại này đã có sẵn lượng khách hàng. Khách hàng sau khi đến trung tâm thương mại mua sắm có thể tiện chân ghé các nhà hàng để ăn uống luôn mà không cần đi đâu xa.

“Đây là xu hướng chung của kinh doanh ẩm thực thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Cho nên, có thể giải thích tại sao các nhà hàng nằm ở cao ốc thương mại hút khách là vậy. Tôi cho rằng kinh doanh ẩm thực ở trung tâm thương mại có lượng khách khá ổn định và nếu biết làm sẽ khó lỗ”, ông Quốc nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc trang web muabannhadat.com cho hay, trong khi bất động sản trầm lắng như hiện nay thì phân khúc “cho thuê” vẫn được các nhà đầu tư quan tâm và được đánh giá sáng giá nhất.

“Phân khúc cho thuê bao gồm cho thuê mặt bằng kinh doanh thời trang, kinh doanh nhà hàng… Trong bối cảnh nhiều thương hiệu thực phẩm và công ty nước ngoài vào Việt Nam nhiều như thời gian qua thì việc nóng ở phân khúc này là điều dễ hiểu”, ông Tuấn lý giải.

Giá thuê chót vót

Đánh giá về tình hình thị trường bán lẻ năm 2013, Công ty CBRE Việt Nam cho hay mặt bằng thuộc ngành hàng ăn uống, các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh và giải trí sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt thị trường.

Hiện tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM như Vincom, Diamond, Parkson, Tax, Zen Plaza… hầu như đều phủ kín các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng ở trong và ngoài nước.

Do nhu cầu cao nên giá thuê mặt bằng kinh doanh ẩm thực ở các trung tâm thương mại cũng cao và ổn định hơn so các phân khúc thị trường khác.

Trong khi giá thuê trung bình của văn phòng hạng A tại TP.HCM hiện ở mức 30 - 35 USD/m2/tháng (tương đương 600.000 - 700.000 đồng) thì giá thuê ở khu vực ẩm thực tại cao ốc hạng sang trung bình là 50 - 60 USD/m2/tháng.

Hiện giá thuê khu vực ẩm thực ở Vincom Center A và B (quận 1) khoảng 40 - 60 USD/m2/tháng tùy theo vị trí. Giá thuê ở cao ốc Diamond Plaza (quận 1) cũng xấp xỉ 50 - 60 USD/m2/tháng. Giá thuê ở Bitexco Financial Tower (quận 1) khoảng 40 - 50 USD/m2/tháng…

“Đây chỉ là chi phí thuê mặt bằng cố định. Ngoài ra, hàng tháng khách thuê sẽ phải trả thêm chi phí điện, nước, vệ sinh, phí đậu xe. Khách thuê diện tích 150 - 200 m2 cần phải chờ kiểm tra vì hiện phần lớn diện tích ở khu vực ẩm thực kín chỗ cả rồi”, nhân viên tiếp thị mặt bằng cho thuê tại Vincom Center B nói.

Chỉ số giá bất động sản đều giảm

Công ty Savills Việt Nam vừa công bố chỉ số giá bất động sản Savills (SPPI) của thị trường Hà Nội và TP.HCM trong quý 4/2012.

Ở TP.HCM, chỉ số giá nhà ở quý 4/2012 ở mức 89,6 điểm, giảm 0,8 điểm so với quý trước; chỉ số văn phòng đạt 71,3 điểm, giảm 3,5 điểm so với quý trước.

Ở Hà Nội, chỉ số giá nhà ở quý 4/2012 ở mức 114,7 điểm, giảm 4,6 điểm sới quý trước; chỉ số văn phòng đạt 60 điểm, giảm 1,6 điểm so với quý trước.

Chỉ số SPPI được Công ty Savills Việt Nam xây dựng và tính toán dựa trên cơ sở hàng trăm dự án sơ cấp và thứ cấp về nhà ở, văn phòng ở TP.HCM, Hà Nội.

 Trung Hiếu

>> Tỷ lệ "trống" tại các cao ốc văn phòng hạng A là 15,3%
>> Cao ốc đại hạ giá
>> Cao ốc “quên” chỗ đậu xe
>> Giá văn phòng cho thuê tiếp tục giảm
>> Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường văn phòng tại Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.