Điều chỉnh lại quy hoạch bauxite

05/03/2013 03:20 GMT+7

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp giao ban Bộ Công thương chiều 4.3, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã xây dựng xong quy hoạch bauxite điều chỉnh . Theo đó, từ nay đến năm 2020 chỉ dừng lại ở hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ.

Dự án Nhân Cơ và Tân Rai có rủi ro lớn

Điều chỉnh lại quy hoạch bauxite
Nhà máy khai thác Alumin Tân Rai - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vinacomin đã khẳng định dự án bauxite Tân Rai lỗ. Có ý kiến khai thác bauxite Tân Rai sẽ lỗ 25 triệu USD/năm, xin ông cho biết số lỗ thực tế của 2 dự án bauxite hiện nay?

Theo kết quả rà soát lại về hiệu quả kinh tế dự án Tân Rai của Tập đoàn than khoáng sản VN (Vinacomin), với cơ chế chính sách hiện hành và giá tại thời điểm thẩm tra thì dự án rủi ro lớn, không hiệu quả. Nguyên nhân do tổng mức đầu tư tăng 30% (do tăng tỷ giá, các loại thuế thay đổi như thuế tài nguyên, thuế môi trường, giá nguyên liệu, tài nguyên tăng), trong khi giá bán alumin tại thời điểm tính toán giảm gần như mức giá sàn. Tháng 12.2012 là 326,5 USD/tấn, trong khi tại thời điểm phê duyệt dự án khoảng 365 USD/tấn, giảm gần 42 USD/tấn (do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản xuất nhôm chững lại, các loại quặng khác cũng giảm mạnh).

Đền bù khoảng 250 triệu đồng/ha

Vinacomin đề xuất một số ưu đãi thêm cho hai dự án bauxite. Cụ thể là gì, thưa ông?

Khi rà soát lại cơ chế chính sách hiện hành chúng tôi đồng tình với Vinacomin, do đặc thù quặng bauxite, cần điều chỉnh lại một số chính sách cho hợp lý. Ví dụ, cơ chế đền bù diện tích khai thác quặng bauxite, đặc thù quặng rất nông, chiều dài chỉ khoảng 4 m, nên thời gian khai thác và phục hồi để trả lại diện tích trồng trọt chỉ mất khoảng 2 - 3 năm. Nhưng chính sách chúng ta áp dụng lại là đền bù vĩnh viễn, giá đền bù rất cao khoảng 800 - 1 tỉ đồng/ha. Vinacomin cho rằng với các loại khoáng sản khác giá đền bù này là hợp lý, nhưng áp với bauxite không hợp lý, nên đề xuất xem xét lại. Chỉ tính giá đền bù hoa màu đồng thời hỗ trợ đền bù các sản lượng của khu vực này, hỗ trợ một phần cho người dân trong quá trình phục hồi đất, khoảng 250 triệu đồng/ha.

Về phí môi trường, hiện nay tính 30.000 đồng/tấn nguyên khai Vinacomin cho là chưa hợp lý, quá cao vì tập đoàn này đã phải đầu tư rất lớn cho vấn đề môi trường như hồ bùn đỏ, trạm quan trắc, kiểm tra chất lượng không khí…; kiến nghị chỉ 5.000 đồng/tấn, tương đương như với than.

Với những rà soát và đề xuất điều chỉnh này, thì với giá bán hiện nay dự án vẫn có hiệu quả. Cách đây khoảng 15 ngày Vinacomin đã ký với một doanh nghiệp VN giá bán alumin tại mỏ là 340 USD/tấn… Giá alumin theo dự báo quốc tế sẽ tăng theo giá nhôm khi kinh tế phục hồi, bình quân khoảng 450 USD/tấn. Đây là cơ sở để tin dự án có hiệu quả trong tương lai.

Dự án Nhân Cơ và Tân Rai có rủi ro lớn

 

Định hướng chính là phát triển bauxite thận trọng, đi từng bước một, thử nghiệm cho đến quy mô lớn, quy mô công nghiệp, phải đảm bảo vấn đề tổng thể hiệu quả kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng

Trách nhiệm Bộ Công thương đến đâu trong thẩm định, phê duyệt dự án Tân Rai, Nhân Cơ?

Theo quy hoạch đây không phải dự án quan trọng quốc gia, có nguồn vốn ngân sách, nên chủ đầu tư lập dự án, tự thẩm định, tự phê duyệt và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên bauxite có vấn đề nhạy cảm, Vinacomin cũng là doanh nghiệp nhà nước, nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương lập hội đồng thẩm định dự án Nhân Cơ để Chính phủ xem xét có nên triển khai hay không. Quy mô hội đồng gồm 40 người, gồm các bộ, ngành, chuyên gia, cơ quan phản biện… bước đi thận trọng, kết quả trình lên Chính phủ tháng 9.2010. Tại thời điểm thẩm định dự án có hiệu quả. Hiện nay dự án Nhân Cơ cũng như Tân Rai có rủi ro lớn do những nguyên nhân trên. Vinacomin đang rà soát lại hiệu quả tổng thể, trình lên Chính phủ, từ đó có những điều chỉnh thích hợp.

Quy hoạch điều chỉnh khai thác, sản xuất bauxite mới có những thay đổi gì so với trước đây?

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã hoàn thành Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác chế biến bauxite đến năm 2020 dự báo đến 2030. Quy hoạch này đã lập trong 2 năm, có tổ chức nhiều hội thảo, sử dụng các chuyên gia trong và ngoài nước. Tháng 12 Chính phủ đã họp nghe quy hoạch và đã có kết luận.

Định hướng chính là phát triển bauxite thận trọng, đi từng bước một, thử nghiệm cho đến quy mô lớn, quy mô công nghiệp, phải đảm bảo vấn đề tổng thể hiệu quả kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Chính phủ đã chỉ đạo định hướng từ nay đến 2015 chỉ có 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ đi vào nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện. Đến năm 2020 trên kết quả thử nghiệm, nếu có kết quả, điều kiện vận tải cơ sở hạ tầng cho phép mới nhân đôi 2 dự án này, mà chưa tính đến các dự án khác. Sau 2020 nếu đầu tư được hệ thống đường sắt, hạ tầng đảm bảo mới đầu tư các dự án alumin khác, với quy mô công nghiệp từ 2 - 3 triệu tấn/năm.

Đã hoàn tất quy hoạch này trình Thường trực Chính phủ, sắp tới sẽ trình lên Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo, sau đó Thủ tướng Chính phủ mới xem xét phê duyệt. Quan điểm là thận trọng, lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học, hoạt động xã hội.

Điều chỉnh lại quy hoạch bauxite
Khai thác tại mỏ bauxite ở Bảo Lộc, Lâm Đồng - Ảnh: Lâm Viên

Mai Hà (ghi)

>> Thực hiện dự án bauxite theo lộ trình phù hợp
>> Vinacomin sẽ xin thêm ưu đãi cho dự án bauxite
>> Tính lại bài toán bauxite
>> Nỗi lo sập cầu khi vận chuyển bauxite
>> 19 bị can “đục khoét” dự án bauxite

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.