Trẻ thừa cân vẫn có thể thiếu vi chất

05/03/2013 10:45 GMT+7

Hơn 50% trẻ em VN thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt, trong khi đó tỉ lệ trẻ béo phì và dư cân tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở đô thị. Cứ 3-4 trẻ có một trẻ có chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Đó là tình trạng sức khỏe ở trẻ em VN (từ 5 tháng đến 11 tuổi) vừa được các bác sĩ của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết tại hội thảo khoa học và công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em VN và khu vực Đông Nam Á tại Ninh Bình cuối tuần qua. Tình trạng này sẽ kéo theo hậu quả dài lâu nếu không sớm can thiệp.

Trẻ thành thị thiếu vitamin D nhiều hơn

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nhẹ cân vùng thành thị là 10,8%, còn vùng nông thôn cao gần gấp đôi với 20,8%.

Ngược lại, xu hướng thừa cân, béo phì lại gia tăng đáng báo động: có đến 29% trẻ thừa cân/béo phì ở thành thị, còn nông thôn chỉ có 5,5% trẻ bị thừa cân/ béo phì. Tình trạng thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng ở trẻ em VN rất cao.

Trẻ thừa cân vẫn có thể thiếu vi chất
Theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ sẽ giúp phụ huynh nhận biết tình trạng sức khỏe của trẻ tốt hơn - Ảnh: Thuận Thắng

Cụ thể, nhóm trẻ gái ở thành thị có tỉ lệ thiếu vitamin D cao nhất (hơn 58%), tiếp đến là nhóm trẻ trai khu vực thành thị (gần 50%). Nhóm trẻ trai và trẻ gái ở khu vực nông thôn có tỉ lệ thiếu vitamin D thấp hơn, với tỉ lệ tương đương nhau là gần 47%.

Theo TS.BS Lê Nguyễn Bảo Khanh - điều phối viên dự án “Khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em VN và khu vực Đông Nam Á”, trẻ em ở thành thị thiếu vitamin D nhiều hơn trẻ ở nông thôn là do ít được tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Lý do còn nhiều bà mẹ có quan niệm giữ trẻ trong phòng kín, không có ánh sáng trong 1-3 tháng đầu sau sinh.

Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra đến 23% trẻ em 5 tháng đến 6 tuổi bị thiếu máu, trong đó trẻ ở nông thôn thiếu máu cao hơn (25%) trẻ ở thành thị (20%). Đáng lưu ý, trẻ có độ tuổi nhỏ nhất (6-24 tháng) có nguy cơ thiếu máu cao nhất so với các nhóm khác (gần 30% ở thành thị và hơn 54% ở nông thôn)...

 

"Có hai vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi còn cao, nhất là ở vùng nông thôn, trong khi thừa cân/béo phì và các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng nhanh tại một số thành phố lớn"

GS.TS Lê Thị Hợp

Ảnh hưởng thể chất và học tập

Tại hội thảo, GS.TS Lê Thị Hợp - viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) - nói tuy VN đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng và bệnh tật ở trẻ em, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật ở trẻ vẫn cao. Đáng lưu ý, do nguồn lực hạn chế nên các chương trình can thiệp sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia chỉ mới tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

PGS.TS Lê Danh Tuyên - viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia - phân tích số liệu của ba cuộc điều tra về dinh dưỡng trong hơn một thập kỷ qua và đặt vấn đề liệu có sự thay đổi về xu hướng suy dinh dưỡng hay không.

Cụ thể tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000, tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009 và kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ em VN và khu vực Đông Nam Á được công bố ngày 2-3-2013 cho thấy tình trạng dinh dưỡng của trẻ em VN (5 tháng-11 tuổi) đã và đang được cải thiện.

Trong đó suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm rõ rệt nhưng năm 2012 tỉ lệ chung vẫn còn 27%. Tuy nhiên sự gia tăng nhanh thừa cân béo phì ở vùng thành thị là vấn đề đáng báo động.

Theo GS Hợp, những rối loạn về dinh dưỡng và sức khỏe của lứa tuổi học đường VN được xác định gồm suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì... Những rối loạn này góp phần không nhỏ gây suy giảm khả năng nhận thức, năng lực và thành tích học tập của trẻ do dinh dưỡng có vai trò nền tảng trong sự phát triển thể chất, sức khỏe và khả năng học tập của trẻ.

Trong khi đó, TS Bảo Khanh khẳng định sự gia tăng nhanh thừa cân/béo phì ở trẻ em vùng thành thị là vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách cần được can thiệp sớm.

Nghiên cứu đã chỉ ra chìa khóa của sức mạnh quốc gia và sức khỏe của từng cá thể nằm trong việc thiết lập môi trường hỗ trợ lối sống lành mạnh, khuyến khích các hành vi hướng tới sức khỏe ngay trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Khảo sát trên 16.744 trẻ của bốn nước

TS.BS Bảo Khanh cho biết khảo sát do các chuyên gia Viện Dinh Dưỡng thiết kế và thực hiện dưới hình thức điều tra cắt ngang trong ba năm (2010-2012) trên 2.880 trẻ trước tuổi tiểu học và tiểu học ở sáu tỉnh, thành của ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, khu vực thành thị có ba thành phố lớn là Hà Nội, Huế và TP.HCM; khu vực nông thôn có các tỉnh Hà Nam, Quảng Bình và Bến Tre. Nhóm nghiên cứu phân tích các thông số về nhân trắc dinh dưỡng của trẻ, tình trạng kinh tế - xã hội, mô hình hoạt động thể lực, chế độ ăn uống của trẻ, thói quen ăn uống và tình trạng hóa sinh dinh dưỡng là: tình trạng thiếu máu, số lượng hồng cầu, dự trữ sắt, vitamin A, vitamin D, tình trạng nhiễm trùng cấp/mãn; mật độ xương; chức năng và sự phát triển nhận thức của trẻ.

Khảo sát được tiến hành trên 16.744 trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi tại bốn quốc gia là VN, Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ năm 2010-2012.

Theo Lê Thanh Hà / Tuổi Trẻ 

>> Trẻ thừa cân kém phân biệt mùi vị thức ăn
>> Hơn 1/4 trẻ ở thành thị bị thừa cân, béo phì
>> Thừa cân một chút giúp bạn sống lâu
>> Thừa căn hộ cao cấp, thiếu nhà cho người thu nhập thấp
>> Thừa cân khó tìm việc
>> Nửa dân số Thụy Điển bị thừa cân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.