Đề xuất cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện

07/03/2013 21:31 GMT+7

Nếu thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh là 3 tháng

Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm tài chính, giá bán điện bình quân được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện bình quân chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo trình tự quy định.

Cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán điện bình quân

 

Mức giá bán lẻ điện bình quân là giá bán điện được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1 kWh điện thương phẩm, bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện (còn được gọi là giá bán điện bình quân).

Giá thành điện kế hoạch là giá thành sản xuất kinh doanh điện được Bộ Công Thương phê duyệt hàng năm, bao gồm giá thành sản xuất kinh doanh điện của 4 khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân là khoảng cách giữa mức giá tối thiểu và mức giá tối đa của mức giá bán điện bình quân.

Thông số đầu vào cơ bản là các yếu tố có tác động trực tiếp đến chi phí phát điện mà đơn vị phát điện không có khả năng kiểm soát, bao gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và giá thị trường điện giao ngay.

Về cơ chế quản lý và điều chỉnh giá bán điện bình quân, dự thảo nêu rõ: Trong trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn từ 5% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng. Đồng thời báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Còn trong trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức từ 2-5% và trong khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Nếu thông số đầu vào biến động trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định.

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được Tờ trình của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định đến Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Việc điều chỉnh giá bán điện hằng năm

Dự thảo quy định, căn cứ kết quả kiểm tra, xác nhận giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm trước, giá thành điện kế hoạch của năm kế tiếp và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện, việc điều chỉnh giá bán điện hàng năm thực hiện như sau:

Trường hợp mức điều chỉnh giá bán điện bình quân trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 5% so với giá bán điện hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương xem xét, chấp thuận.

Trường hợp mức điều chỉnh giá bán điện bình quân ngoài phạm vi 5% so với giá bán điện hiện hành hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau khi điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, Bộ Công Thương xem xét và trình, Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo đang được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không để giá điện, xăng dầu gây bức xúc
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giá điện, xăng dầu phải minh bạch hơn nữa
>> Giá điện có thể tăng tiếp trong năm 2013
>> EVN buộc phải tăng giá điện
>> Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện từ 2013 - 2015
>> Doanh nghiệp được quyết định giá điện bán lẻ
>> Chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 11

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.