Nếu Công ty chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) thực hiện thành công thì đây là vụ gộp cổ phiếu (CP) đầu tiên trên thị trường chứng khoán (TTCK) VN.
|
Giảm vốn để xóa lỗ
SBS hiện có vốn điều lệ là 1.266,6 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế đến hết năm 2012 là 1.767,76 tỉ đồng. Trong đó, tổng cộng nợ phải trả của SBS hơn 1.410,93 tỉ đồng.
Theo đề án tái cấu trúc, trước tiên SBS sẽ chuyển đổi 500 tỉ đồng trái phiếu (Sacombank đang sở hữu 800 tỉ đồng trái phiếu của SBS) thành CP theo tỷ lệ 1:1 nhằm chuyển nợ thành vốn. Khi đó, vốn điều lệ của SBS sẽ tăng lên thành 1.766,6 tỉ đồng và theo tính toán của SBS, vốn tự có trở về mức dương 248,9 tỉ đồng. Bước kế tiếp trong kế hoạch là SBS gộp 7 CP thành 1 CP, vốn điều lệ mới chỉ còn là 252,37 tỉ đồng, như vậy mức lỗ lũy kế bằng 0. Bước cuối cùng trong đề án tái cấu trúc là SBS sẽ phát hành thêm CP mới để tăng vốn lên thành 630,9 tỉ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2013 mới đây, ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT của SBS - cho biết việc chuyển đổi này chưa có tiền lệ ở VN nhưng đây là giải pháp cần thiết để giúp công ty xóa lỗ. Tuy nhiên, việc gộp CP của SBS vẫn đang phải chờ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép vì như đã nói, TTCK VN trải qua 13 năm hoạt động vẫn chưa có doanh nghiệp nào thực hiện nghiệp vụ gộp CP dù với mục đích gì.
Hiểu đơn giản nhất trong trường hợp của SBS chỉ là giải pháp kỹ thuật để điều chỉnh vốn. Bởi trên thực tế khi mức lỗ cao hơn vốn thì các cổ đông đã phải mất toàn bộ vốn. Nếu SBS làm được thì liệu những doanh nghiệp (DN) đang bị lỗ có thể thực hiện được việc giảm lỗ kỹ thuật này hay không? Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM phân tích, ngoài việc phải xin ý kiến cổ đông, thì DN đó phải lỗ nặng hơn vốn chủ sở hữu thì mới thực hiện gộp CP để ghi giảm vốn và giảm lỗ. Ông cho rằng đó là biện pháp tốt nhất để sau đó DN có thể phát hành thêm CP mới huy động vốn, từng bước vực dậy DN.
Cần cho phép thực hiện
Việc tách - gộp CP là chuyện bình thường ở nhiều TTCK trên thế giới nhưng vẫn còn xa lạ ở VN. Việc tách hay gộp CP sẽ được quyết định tùy theo mục đích của từng DN và tình hình thị trường, thông qua biểu quyết của cổ đông. Thông thường việc tách CP nhằm làm giảm giá CP tương ứng theo tỷ lệ tách để tăng tính thanh khoản. Ví dụ, giá CP của một DN hiện ở mức 200.000 đồng/CP thì có thể tách ra thành 4 hay 5... CP để giảm giá CP xuống, giúp dễ giao dịch. Ngược lại, trường hợp gộp CP sẽ làm giảm số lượng CP đang lưu hành, tăng giá trị của CP, tránh để giá CP khỏi bị giảm thấp hơn mệnh giá.
Dù là một nghiệp vụ phổ biến trên thế giới tuy nhiên tại VN, theo quy định hiện hành, mệnh giá CP là 10.000 đồng/CP. Việc tách hay gộp CP sẽ không thể thực hiện được vì nó làm thay đổi mệnh giá CP. Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng - phân tích: Nếu DN thực hiện tách hay gộp CP thì các loại mệnh giá, thị giá và giá sổ sách đều thay đổi theo tỷ lệ gộp. Nếu các cổ đông xét thấy không bị thiệt hại thì sẽ đồng ý để thực hiện và khi đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên linh động cho DN thực hiện. TTCK VN đã phát triển khá tốt, đủ điều kiện để cho phép thực hiện nhiều nghiệp vụ tương tự như TTCK các nước khác.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đình Minh Phương - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán KIS VN - cũng cho rằng về mặt lý thuyết, các DN có thể thực hiện nghiệp vụ tách hay gộp CP. Thậm chí trên thực tế ngoài những mục tiêu khác nhau, các DN có thể tách hay gộp CP để đáp ứng các yêu cầu niêm yết trên TTCK các nước khác. Ví dụ như điều kiện có thể tiếp tục được niêm yết trên sàn Nasdaq của Mỹ thì các CP phải có giá ít nhất 1 USD. Cho nên nếu CP rơi xuống dưới 1 USD và DN muốn tiếp tục được niêm yết ở thị trường này thì buộc phải thực hiện nghiệp vụ gộp CP. Theo TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), các nước không quy định cụ thể một mệnh giá nên tồn tại nhiều loại CP với nhiều mệnh giá khác nhau. Hơn nữa các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thị giá và giá trị của CP nên mệnh giá ít được chú ý. Trong khi đó VN chỉ neo CP ở mệnh giá duy nhất là 10.000 đồng nên gây khó khăn khi DN muốn tách, gộp CP hay phát hành thêm CP với giá thấp khi cần vốn. Vì vậy cần xem xét lại và có thể thay đổi quy định về mệnh giá CP hiện nay để hoạt động của các DN nói riêng và TTCK nói chung sinh động và linh hoạt hơn.
Mai Phương
>> Bán cổ phiếu cực rẻ
>> Hủy niêm yết cổ phiếu SBS
>> Công bố thông tin chào mua công khai cổ phiếu
>> Thận trọng đầu tư cổ phiếu
>> Cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh
Bình luận (0)