Vợ lính Trường Sa với 8.3

08/03/2013 17:31 GMT+7

Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 của những người vợ lính Trường Sa không có nhiều điều khác biệt so với ngày bình thường. Được nhận quà của chồng trong ngày 8.3 là điều xa vời.


Chị Lê Thị Hoài Thu bên hai con gái - Ảnh: Nguyễn Chung

Các chị chỉ chờ đợi những cuộc điện thoại gọi về từ đảo xa với lời nhắn cho con: “ Một bông hồng con mua tặng mẹ cả phần của ba nữa nhé”. Nhưng nói về người mẹ hiền, vợ đảm thì các chị luôn có nhiều điều để tự hào. P.Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) có rất đông chị em là vợ những người lính đang công tác trên các đảo thuộc H.Trường Sa. Những người tôi gặp đều nói rằng: “Những ngày như dịp 8.3 chỉ càng làm nỗi nhớ chồng của những người vợ lính Trường Sa thêm da diết. Nhưng xác định làm vợ lính Trường Sa thì phải biết hi sinh, là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm làm nhiệm vụ”. Chị Lê Thị Hoài Thu, vợ đại úy Nguyễn Đình Hoán, công tác tại đảo Song Tử Tây trải lòng: “Hồi mới cưới nhau, những ngày này dễ tủi thân lắm. Bây giờ có điện thoại, hầu như ngày nào bố ở đảo xa và mẹ con ở đất liền cũng trò chuyện. Ấy thế mà, vẫn chờ đợi cuộc gọi của chồng vào sáng sớm đúng ngày 8.3. Rồi chồng gọi chúc mừng, nhưng có khi vợ còn động viên chồng nhiều hơn. Nói rằng “nhiệm vụ của anh là quan trọng, anh cứ yên tâm công tác, mẹ con em ở nhà rất ổn. Cạnh nhà mình còn có hàng xóm, bạn bè nữa”. Ba đi xa, nhà có mẹ và hai con gái nên ngày 8.3, mẹ con cùng đi chợ, nấu ăn một bữa “hoành tráng” để khoe với bố.

Chị Trần Thị Thắm là vợ thượng úy Chu Đình Dũng, hiện công tác tại đảo Sinh Tồn. Vợ chồng chị Thắm có một cháu trai là Chu Trần Đại Dương, năm nay học lớp 3. Gia đình rất vui vì Đại Dương học rất giỏi và cũng mạnh mẽ như bố.  Đại Dương cũng muốn sau này theo chân bố ra Trường Sa. Chị Thắm kể lại, một ngày trước dịp 8.3 năm ngoái, chồng gọi điện về nói chuyện với vợ thì ít mà tâm sự gì với con trai rất lâu. Chị hỏi nhưng Đại Dương chỉ tủm tỉm, không trả lời. Ngày hôm sau, Đại Dương đi học về, trên tay cầm một cành hoa hồng, chạy ra phía sau nhà nơi mẹ đang cặm cụi nhổ cỏ dại, nói như hét lên: “Mẹ, quà của ba và con nè”. Bất ngờ quá, chị Thắm nhìn cặp mắt long lanh của con nhiều hơn nhìn cành hoa kia. Chị hiểu ra hôm qua hai bố con nói với nhau những gì. Chị ôm con vào lòng, không nén được cảm xúc. “Hơn 10 năm là vợ chồng, những ngày lễ như 8.3 trở nên bình thường lắm. Nếu hỏi tôi ngày chồng được nghỉ phép về thăm gia đình là ngày nào thì tôi nhớ hơn. Dịp đó, gia đình lại quây quần bên nhau, mỗi khi đi chơi, anh thường mua cho vợ bộ quần áo, cái kẹp tóc. Thế là hạnh phúc lắm rồi”, chị Thắm nói, mắt đỏ hoe.


Chị Đỗ Thị Hà lau chùi di ảnh chồng là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh - Ảnh: Nguyễn Chung

Đến thăm lại chị Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh đã hi sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Chị Hà vui vẻ cho biết, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết về chị, nhiều người trên mọi miền đất nước đã đến hỏi thăm, chia sẻ khiến chị rất ấm lòng. Bao nhiêu năm nay, chị Hà vẫn ở vậy thờ chồng. Để có tiền nuôi con ăn học, chị giặt đồ thuê, làm phụ hồ, nhận trông trẻ. Niềm vui và nguồn động viên lớn nhất của chị là con gái Đinh Thị Mỹ Lệ vừa tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại TP.HCM. Chúng tôi hỏi chuyện, chị Hà mới nhớ là sắp đến ngày Quốc tế phụ nữ. “Hồi yêu nhau, rồi đến khi là vợ anh ấy, tôi vẫn chưa biết ngày 8.3 là gì. Mãi sau này, nghe con gái nói tôi mới hay, nhưng anh ấy đã đi xa mãi. Vào dịp này mỗi năm cũng trôi qua rất bình thường. Cho đến khi con gái đi học, đi làm, biết mẹ thích sô cô la nên cứ vào dịp 8.3 con lại gửi kẹo về kèm theo vài lời chúc. Ngày 26.1 âm lịch là ngày giỗ của chồng, năm nay nhằm ngày 7.3, nên con gái sẽ về bên mẹ đúng dịp này”, chị Hà nhìn di ảnh chồng, nghẹn ngào nói.

Nguyễn Chung

>> Đưa ngư dân gặp nạn vào Trường Sa chữa trị
>> Trung Quốc liên tục tuần tra trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa
>> Trung Quốc lại làm càn ở Hoàng Sa, Trường Sa
>> 8.3 của những phụ nữ “hóa thân” từ… đàn ông
>> Nhiều lựa chọn cho ngày 8.3
>> Tùng Dương hát tình ca tặng mẹ ngày 8.3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.