>> Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 1: Cuộc xâm lược của Trung Quốc
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của anh hùng Nguyễn Lanh
>> Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại
Chương trình do Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa và Đài PTTH TP.Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức.
Khơi gợi ngọn lửa Gạc Ma
|
Có mặt tại trường quay từ rất sớm, Hồ Thành Nhân (Đoàn phường Hải Châu 1, Q.Hải Châu) không giấu được vẻ nóng lòng sớm được tận mắt chứng kiến, được nghe những lời kể, lời tâm sự của các chiến sĩ của Trường Sa trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma cách đây 25 năm.
Tuy chỉ là học sinh lớp 11, nhưng ý thức về chủ quyền biển đảo đã được âm thầm nuôi dưỡng trong cậu học sinh này từ những ngày cuối cấp 2, khi Trung Quốc bắt đầu có những hành động ngang ngược trên biển Đông.
Nhân kể: “Em thường lên mạng để đọc và tìm hiểu các tư liệu về biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều bạn bè của em cũng rất quan tâm vấn đề này. Em cùng các bạn thường chia sẻ cho nhau các tài liệu tìm được, đặc biệt là các clip về Hoàng Sa, Trường Sa... Vì vậy mà hôm nay được tận mắt chứng kiến các anh, các chú bằng xương bằng thịt chứ không phải qua sách báo, ti vi..., tụi em vui lắm”.
Cũng giống như Nhân, 250 bạn trẻ của Đà Nẵng có mặt trong cuộc giao lưu hôm nay không khỏi nhiều lần lặng đi trước những thước phim lịch sử hào hùng được chính Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, người trực tiếp chiến đấu tại Gạc Ma ngày 14.3.1988 kể lại.
Trong trận chiến không cân sức đó, 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, trong đó có thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Anh Lanh trong những phút giằng co, chiến đấu với kẻ thù để hỗ trợ cho cho anh Phương cũng bị địch đâm trọng thương vùng vai. Nhắc lại chuyện cũ, anh Lanh như sống lại những giờ phút cam go, sinh tử đó. Anh đứng dậy diễn tả cho mọi người thấy giờ khắc chiến đấu, vật lộn với kẻ thù, kết thành vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trong niềm xúc động mạnh. Cả hội trường im bặt. Trận chiến ngoan cường của các anh hôm nào như hiện ra rõ mồn một trước mặt mọi người.
“Động lực nào mà trong giờ khắc sinh tử đó, khi chú đã bị thương nặng, đồng đội hi sinh bên cạnh, chú vẫn cố gắng gì chặt lá cờ trên tay?”. Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ có mặt trong hội trường, anh Lanh chậm rãi: “Lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc. Lúc đó, chú cũng như các đồng đội của mình chỉ có duy nhất một ý nghĩ là phải quyết tâm bằng mọi giá giữ cờ để giữ đảo, giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc”.
Chắc tay súng giữ đảo
Tiếp bước thế hệ cha ông trong cuộc chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đến với cuộc giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”, thượng úy Nguyễn Thanh Tài, cán bộ Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa, thuộc Lữ đoàn 146 đã mang đến những câu chuyện đời thường và tấm lòng của người lính Trường Sa hôm nay.
Còn nhớ trong cuộc gặp mặt năm 2011 của chuyến ra thăm Trường Sa của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, anh Tài đã tâm sự cuộc sống khó khăn khi vợ không có việc làm, con nhỏ, không có nhà ở và nguyện vọng được hỗ trợ. Ước nguyện ngày nào của anh giờ đã thành hiện thực khi tháng 6.2012, vợ con anh đã được TP bố trí căn hộ mới. Vợ anh, chị Từ Thị Vi giờ đây đã là giáo viên của Trường mầm non Họa Mi.
“Thấy hậu phương của mình được hỗ trợ chăm lo, tôi rất xúc động và cảm kích. Hậu phương đã vững chắc, người lính Trường Sa chúng tôi xin hứa với đất liền sẽ nắm chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió để giữ đảo, giữ quê hương. Đó là truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đã được hun đúc qua bao đời, chúng tôi luôn luôn tự hào và hứa với lòng sẽ phát huy quyết tâm cao độ”, giọng run run, thượng úy Tài không nén nỗi niềm xúc động.
Trong kỳ nghỉ phép lần này, món quà của người lính biển Nguyễn Thanh Tài mang về không gì khác là tấm lòng trung kiên cùng một cây bàng vuông, biểu tượng của Trường Sa với lời nhắn nhủ những tấm lòng của biển đảo luôn hướng về đất liền.
Giữ lửa cho người trẻ
|
Binh nhì Trần Phước Huân, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng bày tỏ sự kính phục của bản thân - thế hệ trẻ thời bình - về những hy sinh và tinh thần bất khuất, dũng cảm của các anh đi trước.
“Cuộc sống bây giờ đã tương đối đầy đủ, sung túc khiến một số bạn trẻ có tâm lý hưởng thụ nhụt chí. Có những cuộc gặp như hôm nay, có chứng kiến, có nghe những câu chuyện, những con người đã từng một thời máu lửa hôm nay, em nghĩ sẽ ít nhiều tác động và đem đến sự chuyển biến trong ý thức, lý tưởng của những thế hệ trẻ để tiếp lửa truyền thống”, Huân chia sẻ tâm tư.
Theo dõi chăm chú câu chuyện của những người lính Gạc Ma, với cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Cát Uyên, đoàn viên Đoàn phường Thuận Phước, là những trăn trở, lo lắng rất thiết thực. “Nhà em sống sát biển, qua cuộc gặp hôm nay, em càng thấy yêu biển hơn bao giờ hết. Các anh ở Trường Sa còn đang thiếu thốn rất nhiều thứ, em sẽ vận động quyên góp bạn bè khi có dịp, sẽ gửi các tặng các anh nước ngọt, những thùng xốp rau sạch, sách báo... ”, Uyên bộc bạch.
Cậu học trò Thành Nhân tâm sự: “Em sẽ tiếp tục việc tuyên truyền cho các bạn bè bằng lời nói, bằng những bài viết, hay những status, chia sẻ trên facebook về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc!”.
|
Bài và ảnh: Vũ Phương Thảo
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Gặp lại Trường Sa, nhớ về Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma và Nhà giàn DK1
>> Em trai liệt sĩ Gạc Ma có việc làm
>> Bố trí công việc cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma
>> Gặp lại mẹ liệt sĩ Gạc Ma
>> Trao quà cho 9 gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma
>> Hỗ trợ kinh phí đưa 3 gia đình liệt sĩ Gạc Ma ra Trường Sa
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Máu xương làm dấu mốc biên cương
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa - Phú Yên
Bình luận (0)