Ngọn lửa Gạc Ma lan tỏa

15/03/2013 03:35 GMT+7

25 năm sau cuộc bảo vệ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, lần đầu tiên những người lính Gạc Ma còn sống và thân nhân, gia đình của những người nằm lại mới có dịp hội ngộ.

Trong không gian ấm cúng, nghĩa tình của chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu” do Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa và Đài PTTH TP.Đà Nẵng lần đầu tiên được tổ chức vào sáng qua, ngọn lửa bất tử Gạc Ma sáng bừng và lan tỏa...

Mẹ Muộn  
Mẹ Muộn mặc chiếc áo kỷ vật của con trong buổi giao lưu - Ảnh: V.P.T

 

Vòng tròn bất tử

250 bạn trẻ của Đà Nẵng có mặt trong cuộc giao lưu đã nhiều lần lặng đi trước lịch sử hào hùng do chính Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh, người trực tiếp giữ đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988, kể lại.

 
Tại buổi giao lưu, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng, BCH quân sự, cùng một số tổ chức, cá nhân đã tặng quà và tiền cho thân nhân của 9 liệt sĩ - người con của TP.Đà Nẵng - hy sinh trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma năm 1988.

Giữa tháng 3.1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 hải quân được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa. Đến chiều tối 13.3, công vụ của ta thẳng tiến đến Len Đao. Tại đây, các chiến sĩ công binh đã bị tàu hải quân Trung Quốc sử dụng hỏa lực hạng nặng tấn công. Trong thế trận không cân sức đó, đã có 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó có thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Anh Lanh trong khi hỗ trợ anh Phương cũng bị trọng thương vùng vai. Các chiến sĩ trên đảo đã anh dũng kết thành vòng tròn để bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh đó đã in trong tim của nhiều người và sau này, được gọi một cách thiêng liêng là “Vòng tròn bất tử”.

Cả hội trường im bặt. Câu chuyện của người lính giữ đảo năm xưa như hiện lên rõ mồn một trước mắt mọi người. Giải đáp câu hỏi của một bạn trẻ về động lực ghì chặt lá cờ trên tay dù đang bị thương, anh Lanh chậm rãi: “Lá cờ là biểu tượng của Tổ quốc. Lúc ấy, chú và đồng đội chỉ có duy nhất một ý nghĩ là phải quyết tâm bằng mọi giá giữ cờ để giữ đảo”.

Cả khán phòng vỡ òa xúc động trước sự xuất hiện của người đồng đội năm xưa Lê Hữu Thảo - người đã ôm xác anh Phương và cứu sống anh Lanh bị thương.

Mong một lần trở lại

Hội trường lặng đi với câu chuyện mẹ Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phạm Minh Sự, khỏa lấp nỗi nhớ giọt máu đã hy sinh nơi biển đảo bằng chiếc áo bà ba mẹ may từ vải của tấm áo hải quân - kỷ vật của con trai.

Hôm nay, trước anh em đồng đội của con mình, mẹ lặng lẽ mặc nó, với mẹ, đó cũng là cách mẹ đưa con mình về gặp lại đồng đội thân thương. Trong khi đó, dưới khán phòng, cụ Trần Huỷnh, cha của liệt sĩ Trần Văn Tài lặng lẽ lau nước mắt. Ở cái tuổi 90, ông vẫn cố gắng đến đây để được nhìn thấy hình ảnh con qua đồng đội của anh.

Buổi giao lưu còn có những lời nhắn nhủ, ước mong, ai cũng đau đáu mong muốn được một lần trở lại chiến trường xưa, một lần được trở lại để thả vòng hoa, đốt nén hương cho những người đồng đội đã nằm lại… Ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng suốt bao năm qua, chưa ai trong số những người lính ấy thực hiện được.

Hôm qua 14.3, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, triển lãm ảnh “Vì Trường Sa thân yêu” (do Báo Thanh Niên, Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo sinh viên nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM.

Đông đảo sinh viên đến tham quan triển lãm “Vì Trường Sa thân yêu” 
Đông đảo sinh viên đến tham quan triển lãm “Vì Trường Sa thân yêu” - Ảnh: Diệp Đức Minh

Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà báo Nguyễn Quang Thông - Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ: Thực hiện nhiệm vụ mà Ban Bí thư T.Ư Đoàn và T.Ư Hội LHTN Việt Nam giao, trong nhiều năm qua, Báo Thanh Niên đã tổ chức sâu rộng các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm vun đắp lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước và cổ vũ các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Báo đã phối hợp nhiều tỉnh, thành Đoàn thực hiện chương trình Tri ân liệt sĩ Gạc Ma, Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1 và đã tổ chức thăm hỏi, chăm lo cho các bậc thân phụ, thân mẫu của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng. “Sự kiện hôm nay là một dịp tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ; là phương thức giáo dục trực quan, góp phần phát huy ý chí và khát vọng cống hiến của các bạn trẻ đối với công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc”, nhà báo Nguyễn Quang Thông nói.

Chiều cùng ngày, khoảng 200 cựu binh Trường Sa đã tập trung về nhà cựu binh Nguyễn Phi Độ ở thôn Mỹ Bình, xã Sơn Thành Đông, H.Tây Hòa (Phú Yên) để làm lễ tưởng niệm các đồng đội đã ngã xuống trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.

Đình Phú - Đức Huy

Vũ Phương Thảo

>> Thăm gia đình liệt sĩ Gạc Ma ở Thái Bình
>> Khúc tráng ca bất tử Gạc Ma
>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
>> Gặp lại Trường Sa, nhớ về Gạc Ma
>> “Vì Trường Sa thân yêu” đến với sinh viên TP.HCM
>> Trung Quốc đưa trái phép tàu tiếp tế xuống Trường Sa
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.