(TNO) TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đẹp, có bãi biển hấp dẫn nên ngày càng có nhiều du khách tìm đến. Trong đó, du khách Nga đến với Nha Trang chiếm số lượng áp đảo và nhiều người đã quyết định gắn bó với mảnh đất này như một duyên nợ.
Sài Gòn, Hà Nội, Vũng Tàu… đều có “phố Tây” để khách du lịch dừng chân và khám phá cuộc sống ở VN. Thế nhưng, chỉ có ở Nha Trang, “phố Tây” như biến hẳn thành một… “nước Nga” thu nhỏ khi đâu đâu cũng toàn bảng hiệu tiếng Nga, hướng dẫn viên và thậm chí nhiều người dân cũng đã đi học tiếng Nga để đáp ứng nhu cầu du khách Nga đến với phố biển ngày càng cao.
Xe bánh mì cũng có chữ Nga
Đến khu vực đường Trần Quang Khải - Nguyễn Thiện Thuật - Biệt Thự - Hùng Vương, nơi mệnh danh là “phố Tây” ở Nha Trang sẽ thấy ngay sự khác biệt.
Đâu đây, các bảng hiệu của nhà hàng, quán bar, khách sạn… ngoài tiếng Anh lại có thêm tiếng Nga. Thậm chí, từ quán cơm bình dân, quán cà phê hay một xe bán bánh mì trên vỉa hè cũng có thêm dòng chữ Nga để “chào” những vị khách đến từ xứ sở Bạch Dương.
Chị Tuyết, bán bánh mì trên đường Nguyễn Thiện Thuật, cho biết: “Mình có biết tiếng Nga, tiếng Tây gì đâu. Thấy khách Nga qua du lịch nhiều nên nhờ đứa cháu cắt dán cho mấy chữ Nga, đại khái là “Bánh mì nhân thập cẩm, mì bò, mì trứng. Từ hôm thêm mấy chữ này, khách Nga mua nhiều lắm nhé. Mình nhớ mặt chữ, khách chỉ chữ nào thì làm nhân bánh theo ý họ”.
|
Còn bà Mokretcova (47 tuổi, du khách Nga) thì chia sẻ: “Thật dễ chịu vì chỉ cần dạo phố là chúng tôi có thể tự tìm mua những thứ mình cần mà không phải hỏi thăm. Tôi thấy con người nơi đây thật gần gũi. Họ luôn nở nụ cười trên môi với du khách. Thật tuyệt”.
Tại Nha Trang, nhiều hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi thậm chí là người dân cũng đang tìm đến những khóa tiếng Nga cấp tốc để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách Nga ngày một cao tại đây. Minh Hạnh, một nhân viên lái xe điện phục vụ tham quan Nha Trang cho biết: “Em cũng đang học thêm tiếng Nga, người Nga đến Nha Trang đông quá. Biết tiếng Nga để đáp ứng công việc tốt hơn và cũng dễ giới thiệu cho họ những nét đẹp ở Nha Trang”.
Vào mùa cao điểm (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), mỗi ngày Công ty Ánh Dương (VN) phối hợp với Công ty Pegas Touristik (Thổ Nhĩ Kỳ) thực hiện 3 chuyến bay đưa khách từ Nga đến sân bay Cam Ranh (mỗi chuyến khoảng 180-200 khách). Trong số đó, có tới 60 - 70% du khách chọn Nha Trang để dừng chân.
Trên đường về Nha Trang, du khách nhìn bên phải sẽ thấy tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô, Liên bang Nga và Việt Nam đã hi sinh vì hòa bình, ổn định khu vực. Tượng đài cao 21 m, nặng trên 800 tấn, đặt trong khuôn viên các công trình văn hóa cảng hàng không Cam Ranh. Trên tượng đài khắc tên 44 quân nhân Liên Xô, Liên bang Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã hi sinh vì hòa bình, ổn định khu vực.
|
Đã khoái chả giò, rau muống xào tỏi
“Xin chào, anh muốn dùng món gì?” - cô gái tóc vàng, đôi mắt xanh biếc, mặc áo thun đen, quần kaki xám, hỏi khách bằng tiếng Việt rất chuẩn với nụ cười dễ mến. “À, cho tôi thịt cừu nướng và vodka đi ạ”, anh bạn đi cùng nói hộ khi thấy tôi còn đang nhìn cô gái với vẻ ngạc nhiên. Đó là Dzyuba Elena, 27 tuổi, quản lý nhà hàng Check-point trên đường Nguyễn Thiện Thuật.
Elena kể: “Mình sinh ra ở thành phố Vladivostok của Nga. Hồi còn đi học, mình nghe nói Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, hiền hòa, con người Việt Nam rất dũng cảm nên đã quyết định học tiếng Việt. Mình đã nhiều lần đến Việt Nam du lịch. Nhưng “định mệnh” bắt đầu từ năm 2009”.
Mùa đông năm ấy, Elena có mặt tại sân bay Vladivostok chuẩn bị sang Việt Nam. Tuy nhiên, chuyến bay phải hoãn do tuyết rơi quá nhiều. Tại sân bay, Elena tình cờ gặp chàng trai tên Novoselov Anton. Anton cho biết, anh có một nhà hàng ở Nha Trang, sau thời gian về thăm nhà, anh chuẩn bị trở lại nơi này. Ít ngày sau, hai người cùng có mặt trên chuyến bay sang Việt Nam. Anton đã đưa Elena đến Nha Trang. Sau thời gian cùng Anton khám phá thành phố biển, cô gái đã quyết định ở lại nơi này. Từ đó, Elena tham gia quản lý nhà hàng Check-point với Anton.
Điểm đặc biệt của nhà hàng Check-point là có những bức ảnh về vũ khí, quân đội Liên Xô treo trên tường; những vật dụng liên quan đến người lính như: quân hàm, mũ, áo quần, giày nhà binh được bày trí gần các bàn ăn; nhân viên thì mặc đồng phục như lính vệ binh.
Anh Anton nói: “Tôi từng là lính hải quân Nga. Khi rời quân ngũ, tôi đã có dịp đến Nha Trang và rất yêu nơi này. Năm 2007, tôi trở lại Nha Trang du lịch và quyết định gắn bó với nơi đây. Hồi đó, Nha Trang hầu như chưa có nhà hàng phục vụ các món ăn Nga nên tôi đã thuê nhà, tự thiết kế, trang trí để mở nhà hàng Check-point”.
|
Từ khi khai trương, nhà hàng Chec-kpoint trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách Nga khi đến Nha Trang. Còn Elena và Aton đã là vợ chồng từ ngày 6.3.2013. Elena nói: “Lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng lại đi bộ trên bãi biển, đến những quán ăn để thưởng thức ẩm thực Việt Nam. Mình đặc biệt thích hai món chả giò và rau muống xào tỏi”.
Nha Trang cũng là nơi đã ươm mầm cho tình yêu của anh Dynin Yury và chị Nguyễn Thị Bích Khoa.
Từng là quản lý một công ty du lịch ở Saint Petersburg (Nga), cuối năm 2009, anh Yury quyết định qua Nha Trang khảo sát thị trường du lịch. Khi đến mua tour tại đại lý Golden Smile Travel trên đường Hùng Vương, anh Yury gặp chị Khoa. Sự thân thiện, cởi mở của cả hai đã để lại những ấn tượng tốt về nhau. Khi về Nga, anh Yury vẫn thường xuyên gọi điện, gửi email trò chuyện, thăm hỏi cô gái Việt Nam. Một năm sau, hiểu được tình cảm chân thành của chàng trai Nga và được sự tán thành của gia đình, chị Khoa đã đồng ý tổ chức đám cưới.
|
Chị Khoa cho biết: “Từ khi lập gia đình, hai vợ chồng cùng nhau quản lý văn phòng. Du khách Nga đến Nha Trang rất đông, anh Yury là người Nga nên công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình là cô con gái xinh xắn Alina (24 tháng tuổi) mang hai dòng máu Việt-Nga. Chúng tôi dạy cháu học cả hai thứ tiếng. Hiện anh Yury đang làm các thủ tục để được nhập quốc tịch Việt Nam”.
Anton, Elena và Yury là một trong số những người Nga đã đến, yêu và quyết định gắn bó với phố biển Nha Trang Ở họ có một tình yêu thật đặc biệt và mãnh liệt với thành phố này. Như lời cô gái Nga Dzyuba Elena: “Chúng mình coi Nha Trang là nhà, Việt Nam là quê hương thứ hai”.
Khách Nga ngày càng đông Ngày càng đông du khách Nga đến với Nha Trang. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa, năm 2012, toàn tỉnh đón 83.000 lượt khách Nga trong tổng số 532.000 lượt khách quốc tế; hai tháng đầu năm 2013, có 126.000 lượt khách quốc tế đến Nha Trang thì hơn 20.000 là khách Nga. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang có những lợi thế: cách sân bay quốc tế Cam Ranh tương đối gần; là một trong những vịnh biển đẹp của thế giới; có nhiều điểm tham quan, nghĩ dưỡng ấn tượng: Tháp Bà Ponagar, đảo Hòn Mun, suối Hoa Lan, thác Yang Bay, suối nước nóng Tháp Bà...; giá cả và dịch vụ tại Nha Trang ở mức dễ chịu; hệ thống khách sạn, nhà hàng có chất lượng… tất cả đã tạo sức hút, hấp dẫn khách Nga. |
Mối duyên Nga tại Cam Ranh (Khánh Hòa) Cảng Cam Ranh (vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) là cảng nước sâu lý tưởng nhất Đông Nam Á, có vị trí chiến lược quan trọng. Ngày 2.5.1979, Chính phủ Liên bang CHXHCN Xô Viết và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô (cũ) trong 25 năm. Nhiệm vụ của căn cứ này được xác định chủ yếu là: đảm bảo an toàn neo đậu cho các tàu chiến của hải quân khi đi qua đây, cung cấp hậu cần, kỹ thuật cho chúng; duy trì dự trữ hậu cần đủ đáp ứng nhiệm vụ; đảm bảo liên lạc tiếp sức cho các tàu chiến của Hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với chỉ huy sở của Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Hải quân; sử dụng sân bay Cam Ranh làm nơi đỗ của máy bay chống tàu ngầm và máy bay trinh sát; củng cố phát triển quan hệ Liên Xô - Việt Nam... Tên gọi chính thức của căn cứ Cam Ranh thời kỳ này là căn cứ bảo đảm hậu cần kỹ thuật số 922 của Hạm đội Thái Bình Dương. Căn cứ 922 chủ yếu phục vụ Liên đội tàu chiến số 17 (Hạm đội Thái Bình Dương). Cam Ranh là căn cứ lớn nhất của Hải quân Liên Xô ở nước ngoài, làm đối trọng với căn cứ hải quân ở hải ngoại lớn nhất của Mỹ tại Subic, Philippines. Ngày 2.5.2002, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Hiến - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, đại diện phía Việt Nam và Chuẩn đô đốc A.N. Ivliev - đại diện phía Nga đã đặt bút ký vào biên bản bàn giao căn cứ Cam Ranh cho phía Việt Nam. Ngày 4.5.2002, Hải quân Việt Nam và nhân dân Cam Ranh đã làm lễ trọng thể chia tay những người bạn chiến đấu Nga. Đại tá chỉ huy trưởng Eryomin là người cuối cùng rời bán đảo lên tàu Sakhalin 9, chấm dứt 23 năm tồn tại của căn cứ Cam Ranh của Hạm đội Thái Bình Dương. Mới đây, trong cuộc hội đàm ngày 5.3.2013 với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga mong muốn sớm được Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao dành cho quân nhân tại khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa). Người đứng đầu Bộ quốc phòng hai nước đã thảo luận chi tiết về các vấn đề, nội dung hợp tác trọng tâm trong thời gian tới như: mở rộng hợp tác hải quân, xây dựng khu vực đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, cung cấp các dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền qua lại trên Vịnh Cam Ranh. Theo đại tướng Phùng Quang Thanh, dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao mà Nga đề xuất là công trình được đầu tư và sử dụng 100% vốn ngước ngoài. Phía Nga dự kiến sẽ cho Việt Nam sử dụng khoảng 20%. Bên cạnh đó, Nga sẽ cử một số nhân sự tham gia giám sát điều hành, quản lý các công việc, còn lại sẽ sử dụng nhân lực là người Việt Nam. (T.Trung tổng hợp) |
Bài, ảnh: Nguyễn Chung
>> Khai trương khách sạn Havana Nha Trang
>> Nha Trang “hút” khách nội địa dịp tết
>> Tháp Bà Nha Trang
>> Nha Trang tăng cường bảo vệ khách du lịch
Bình luận (0)