Cơ quan Phòng vệ Đài Loan hồi giữa tuần vừa khẳng định sự ủng hộ đối với dự án nghiên cứu chế tạo tàu ngầm chạy bằng điện/diesel với sự hỗ trợ của nước ngoài. Đây là động thái tăng cường khả năng quân sự mới nhất của đảo này trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực bị cho là đang diễn biến phức tạp.
Quyết đóng tàu ngầm
Theo Hãng tin CNA, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan đang “cẩn thận xem xét các kế hoạch và ngân sách liên quan” cho dự án do Tổ chức Phát triển công nghiệp quân sự Đài Loan soạn thảo vào cuối năm ngoái. Quyết định trên được triển khai sau khi Viện Lập pháp thông qua nghị quyết với nội dung Đài Loan nên tự đóng tàu ngầm.
|
Cơ quan Phòng vệ giao cho Lực lượng Phòng vệ biển nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng dự án trên và trong 4 năm tới phải đưa ra báo cáo chi tiết về 4 giai đoạn chính: thiết kế, mua sắm thiết bị, khả năng đóng tàu và thử nghiệm. Theo tờ Liberty Times, Đài Loan dự tính dành ngân sách từ 7 - 10 tỉ đài tệ (235 -337 triệu USD) để nghiên cứu thiết kế, phát triển và đóng tàu ngầm từ 1.000 đến 2.000 tấn.
|
Giới quan sát nhận định thông tin trên là bằng chứng cho thấy Đài Loan đã từ bỏ ý định mua tàu ngầm của Mỹ sau 12 năm trì hoãn và quyết định phải tự thân vận động. Vào năm 2001, Mỹ đề nghị bán 8 tàu ngầm điện/diesel cho Đài Loan, nhưng đến nay thỏa thuận này vẫn chưa được triển khai do sức ép từ Trung Quốc. Hiện Đài Loan sở hữu 4 tàu ngầm, gồm 2 tàu lớp Guppy do Mỹ chế tạo dùng cho hoạt động huấn luyện, và chỉ có 2 tàu lớp Zwaardvis cải tiến mua từ Hà Lan hồi giữa thập niên 1980 là có thể tham chiến. Liberty Times dẫn nguồn tin quân sự cho biết Nhà máy đóng tàu CSBC Corporation của Đài Loan đủ sức đóng tàu chiến nhưng vẫn chưa nắm được các công nghệ thiết yếu trong lĩnh vực phát triển hệ thống chiến đấu, dò tìm định vị sóng âm (sonar) và ống phóng ngư lôi cho tàu ngầm. Đó là lý do Cơ quan Phòng vệ Đài Loan vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Mỹ. “Dù tự đóng tàu hoặc mua từ nước ngoài, chúng ta vẫn cần sự ủng hộ và hỗ trợ của Mỹ”, CNA dẫn tuyên bố của cơ quan trên viết.
Tăng cường hạm đội
Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã được cải thiện đáng kể từ khi lãnh đạo Mã Anh Cửu lên cầm quyền ở Đài Bắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp do tranh chấp chủ quyền biển đảo và nguy cơ bị tấn công từ đại lục vẫn hiển hiện, chính quyền Đài Loan vẫn giữ quan điểm phải tăng cường năng lực quân sự và nhấn mạnh tầm quan trọng của Lực lượng Phòng vệ biển.
Lực lượng Phòng vệ biển Đài Loan đang sở hữu 4 tàu khu trục, 22 tàu hộ tống, 8 tàu quét mìn, 2 tàu mẹ đổ bộ, 9 tàu đổ bộ có khả năng chở xe tăng và 4 tàu ngầm kể trên. Trong tương lai gần, Đài Loan sẽ bổ sung 12 tàu tuần tra tàng hình siêu tốc lớp Tấn Hải, với chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm sau, theo báo The Diplomat. Lớp tàu này có hình dạng tương tự chiến hạm nổi tác chiến ven bờ lớp Independence của Mỹ nhưng nhỏ hơn. Mỗi chiếc Tấn Hải có khả năng mang theo 8 tên lửa đối hạm Hùng Phong II và III.
Đài Bắc cũng hy vọng sẽ được Washington chuyển giao 4 khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry, dạng tàu khu trục nhỏ chuyên hộ tống tàu đổ bộ, tàu hậu cần và đội tác chiến tàu sân bay. Trước đó, 2 tàu quét mìn lớp Osprey của Mỹ cũng đã được bán cho Đài Loan với giá 105 triệu USD. Ngoài tàu chiến, Đài Loan còn bổ sung máy bay chiến đấu, trực thăng và tên lửa cho Lực lượng Phòng vệ biển.
Thụy Miên
>> Trung Quốc tập trận chống tàu ngầm
>> Mỹ điều thêm tàu ngầm đến vùng Vịnh
>> Brazil sẽ gia nhập nhóm các nước có tàu ngầm hạt nhân
>> Bangladesh sắp mua tàu ngầm Trung Quốc?
>> Kế hoạch “siêu tàu ngầm” của Mỹ
>> Hải quân Nga nhận tàu ngầm tối tân
>> Tàu ngầm Mỹ đâm phải tàu lạ
>> Cho thuê tàu ngầm tìm xác máy bay
Bình luận (0)