Ca sinh 5 kỳ diệu tại Bệnh viện Từ Dũ

18/03/2013 21:00 GMT+7

(TNO) Các bé trong ca sinh… 5 của sản phụ Lê Huỳnh Anh Thư (28 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) đều ổn định sức khỏe. Đây là ca sinh 5 có một không hai tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) từ trước đến nay.

Cuộc "vượt cạn" ngoạn mục

Chiều nay (18.3), tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết ca sinh 5 của sản phụ Thư đã diễn ra vào lúc 19 giờ 10 phút tối qua (17.3), bằng phương pháp sinh mổ.

Năm em bé chào đời gồm 3 bé trai và 2 bé gái, với cân nặng lần lượt là 2 kg; 1,3 kg; 1,8 kg; 1,5 kg và 1,3 kg.

Đây là một ca sinh hiếm thấy vì trong quá trình khám và theo dõi thai kỳ, các bác sĩ chỉ “nhìn ra” có 4 bé, cho đến khi lên bàn sinh, sản phụ vẫn tưởng sinh 4 nhưng hóa ra lại sinh 5 và tất cả mẹ con đều an toàn, ổn định sức khỏe.

 Các em bé chào đời trong ca sinh năm tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh Nguyên Mi
Các "thiên thần nhỏ" chào đời trong ca sinh 5 tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Nguyên Mi

Được biết, vợ chồng sản phụ lấy nhau đã hai năm vẫn chưa có con. Thế nên vợ chồng chị Thư đã đến khám tại một phòng khám tư nhân và nhờ đến phương pháp kích thích noãn và bơm tinh trùng vào tử cung để thụ thai.

Sản phụ được theo dõi thai kỳ tại phòng khám. Các kết quả siêu âm và chẩn đoán của bác sĩ tại phòng khám đều cho sản phụ biết mình mang 4 thai.

Được biết, bác sĩ đã tư vấn về các nguy cơ và xin ý kiến gia đình để bỏ bớt phôi thai nhưng gia đình không đồng ý.

Bác sĩ Thủy cho biết, sản phụ chỉ đến Bệnh viện Từ Dũ khi có dấu hiệu sinh. Các thai nhi đã được 33,5 tuần tuổi, dự sinh vào ngày 30.4. Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ bắt thai cho sản phụ vì cơn gò sinh liên tục, không nghe được tim thai và đa thai nên nguy cơ băng huyết cao.

Bé đầu tiên được bắt ra là ngôi mông. Sau khi 4 bé đã lần lượt được chào đời thì bác sĩ thấy lấp ló chân của một bé nữa. “Cả bác sĩ và sản phụ đều bất ngờ vì đây là ca sinh 5 chứ không phải sinh 4 như dự tính”, bác sĩ Thủy nói.

 Em bé chào đời trong ca sinh năm tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh Nguyên Mi
Cuộc "vượt cạn" ngoạn mục "mẹ tròn con vuông" - Ảnh: Nguyên Mi

Theo đánh giá của các bác sĩ, thường mang đa thai, sản phụ hầu như sinh non. “Vì vậy, với một ca 5 thai như vầy mà đến hơn 33 tuần tuổi mới sinh cho thấy sản phụ dưỡng thai rất tốt”, bác sĩ Thủy nhận xét.

Được biết, trong 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 4-5 trường hợp đa thai nhưng chỉ là sinh 3, sinh 4. Đây là lần đầu tiên bệnh viện này đỡ đẻ cho một ca sinh 5.

Cẩn thận với đa thai

Theo bác sĩ Thủy, các biện pháp thụ tinh nhân tạo hay các kỹ thuật can thiệp hỗ trợ sinh sản, giúp thụ thai thường cho đa thai.

Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ sẽ kiểm soát được số phôi thai được cho vào tử cung người mẹ. Thường với phương pháp này, bác sĩ sẽ thụ tinh cho noãn và cho ra rất nhiều phôi thai. Sau đó sẽ có quá trình chọn lọc phôi và xin ý kiến gia đình số phôi muốn lấy để cho người mẹ mang thai. Thường ít nhất 2-3 phôi sẽ được cấy vào tử cung người mẹ. Số phôi còn lại có dịch vụ lưu trữ để sau này người mẹ muốn có con nữa sẽ sử dụng.

Với phương pháp kích thích noãn (kích thích rụng trứng) và thụ thai qua đường giao hợp, bơm tinh trùng vào tử cung thì không thể kiểm soát được số phôi thai.

Tuy nhiên, ở các phương pháp, sau khi đã thụ thai, phôi thai được 7-8 tuần tuổi, các bác sĩ sẽ khám, siêu âm và xác định số thai. Thai phụ và gia đình sẽ được bác sĩ tư vấn để quyết định số thai giữ lại, có thể hủy bớt phôi thai.

“Hiện nay, ở 7-8 tuần tuổi, việc hủy phôi thai được thực hiện tại bệnh viện rất ít tai biến”, bác sĩ Thủy nói.

 Các em bé trong ca sinh năm tại Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh Nguyên Mi
Các em bé được chăm sóc đặc biệt để theo dõi sức khỏe những ngày đầu sau sinh - Ảnh: Nguyên Mi

Bác sĩ Thủy đồng thời cảnh báo: Thai phụ mang đa thai rất nguy hiểm. Sản phụ có nguy cơ bị tràn dịch đa màng (phổi, tim); tử cung giãn nở quá mức khiến các ca đa thai dễ sinh non, sẩy thai; khả năng bị tiền sản giật cao (tỷ lệ 50%).

Thai phụ mang đa thai phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt nếu không sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Do một lúc sinh nhiều bé, với thời gian chuyển dạ kéo dài, sản phụ còn dễ băng huyết sau sinh.

Bên cạnh đó, tiến sĩ - bác sĩ Vũ Tề Đăng, Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trong các ca đa thai, em bé sinh non thường gặp phải nguy cơ vàng da, hô hấp kém nên được chăm sóc đặc biệt, cũng như phòng nhiễm trùng.

Thông thường, sản phụ mang đa thai sẽ được chích thuốc trưởng thành phổi cho các thai nhi vào tuần thứ 28-29 của thai kỳ. Đây là biện pháp giúp phổi của thai nhi trưởng thành sớm nhằm giảm nguy cơ em bé bị bệnh màng trong, suy hô hấp khi sinh non.

Trong ca sinh 5 trên, sau khi sinh cả 5 bé đều không cần thở máy.

Hiện tại (18.3), 3 bé trai đã được tập cho ăn mỗi lần khoảng 5 ml sữa loãng. Riêng 2 bé gái, bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp và đang được theo dõi chặt chẽ và nuôi ăn theo đường tĩnh mạch.

Bác sĩ Đăng cho biết bé lớn 2 kg nếu đáp ứng tốt với môi trường thì có thể được cho về trước cùng với mẹ.

Thai phụ sức khỏe ổn định và vẫn đang nghỉ dưỡng sức sau cuộc “vượt cạn” ngoạn mục.

Nguyên Mi

>> Ca sinh 4 bé gái hiếm gặp ở VN
>> Sản phụ sinh mổ có thể xuất viện sau một hoặc hai ngày
>> Cấp cứu sản phụ sinh đôi bị đờ tử cung
>> Cứu sống sản phụ nhau bong non thể nặng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.