Chỉ là khoai thôi mà người nông dân bao đời đã cho ra nhiều món: khoai luộc, khoai nướng, khoai chà, khoai lùi, khoai trụng (khoai luộc xắt thành lát phơi khô); canh khoai, mứt khoai, khoai chấm muối mè muối đậu... Đôi khi sau mỗi bữa ăn chính của gia đình nông dân, mọi người còn ngồi lại nhấm nháp vài củ khoai đang bốc khói thơm lừng. Với sự “tham gia” của khoai, cả nhà già trẻ, gái trai, ông bà, cha mẹ… nán lại quây quần chuyện trò bên mâm cơm giữa sân nhà buổi chiều hè gió mát. Người nông dân ra đồng có thể đem theo vài củ khoai để ăn lúc nghỉ tay, uống bát nước chè giữa buổi cày đồng oi ả. Vài lát khoai trụng đem hấp cơm ăn mềm dẻo và thơm, hoặc có thể nhai sống, đã gắn với người nông dân thời gian khó. Nhớ nhất là khoai lùi trong bếp. Vị ngọt thơm càng đậm đà bởi khoai chín do tro quyện với than hồng quanh bếp lửa. Những đứa trẻ đi học đi chơi về đói bụng, được mẹ khươi ra vài củ, vừa thổi vừa ăn. Khoai lùi trong bếp thành ký ức tuổi thơ. Trong buổi chăn trâu, mỗi đứa đem ra vài củ khoai, thế là thành… bữa tiệc. Nhiều khi cả bọn còn nướng khoai bằng rơm rạ đang phơi trên cánh đồng…
Thời bao cấp quá khó khăn, hầu như nhà nào cũng phải ăn độn, phổ biến nhất là cơm độn khoai. Ăn nhiều phát ngán, có lúc ớn quá phải để khoai ăn riêng. Những khi ấy, hạt cơm là... hạt vàng, nhưng không có khoai thì đói.
Khoai đã theo con người rất lâu, từ lúc cơ hàn đến khi mâm cao cỗ đầy. Bây giờ ít ai để ý đến khoai. Cơm tàu cơm tây, phở này phở nọ. Nhưng “được mùa chớ phụ ngô khoai/đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”.
Nhớ lắm củ khoai mẹ lùi trong bếp.
H.V.T
>> Bánh tráng khoai lang
>> Ăn khoai lang giúp giảm cân
>> Khoai lang xuất ngoại
Bình luận (0)