>> Theo dấu người xưa - Kỳ 18: Sứ thần tài hoa
Phát hiện bia cổ
Đầu tháng 11.2012, tại vùng thượng nguồn sông Hương, trong quá trình thi công công trình hồ chứa nước Tả Trạch, đơn vị thi công đã phát hiện những tấm bia cổ và ngay sau đó vị trí phát hiện bia cổ được xác định là cảnh đẹp thứ 20 của Thần kinh nhị thập cảnh.
Theo đó, khi làm vệ sinh lòng hồ Tả Trạch, thượng nguồn sông Hương (thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đơn vị thi công đã phát hiện 2 tấm bia cạnh suối nước nóng.
Ông Tôn Thất Hộ, cán bộ BQL rừng phòng hộ Hương Thủy, người đã chụp được ảnh những tấm bia cổ này, cho biết khi đi kiểm tra rừng, nghe có việc phát hiện bia cổ nên đã đến xem và chụp lại ảnh báo cáo với cơ quan. Sau đó, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy đã có văn bản báo cáo về việc phát hiện bia cổ gửi Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên-Huế.
|
Theo ông Tôn Thất Hộ, hai tấm bia cổ được phát hiện, đều bằng chất liệu đá Thanh, trong đó một tấm to cao 1,5 m, dày 0,2 m và rộng 1 m, còn đầy đủ cả phần bệ đá Thanh (tấm bia này đang nằm úp mặt chữ xuống đất nên chưa thể xác định được là bia gì) và một tấm bia cổ kích cỡ nhỏ hơn, có chữ Hán, nằm trên núi, đã bị vỡ thành nhiều mảnh, cách suối nước nóng khoảng 10 m.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô Huế (TTBTDTCĐ), cho biết từ thông tin phát hiện bia cổ, ngày 9.11.2012, TTBTDTCĐ Huế đã tổ chức đoàn khảo sát tại khu vực phát hiện bia. Sau khi phát quang khu vực suối nước nóng trong lòng hồ Tả Trạch, các cán bộ của trung tâm đã tìm thấy thêm tấm bia Tây lãnh thang hoằng, khắc tháng 7 nhuận, năm 1843 thời vua Thiệu Trị.
...đến cảnh đẹp Tây lãnh thang hoằng
|
Theo tư liệu lịch sử, vào năm 1837, Ninh Thuận công Miên Nghi, trong một lần đi săn bắn đã phát hiện ra vũng nước nóng này và về báo với vua Minh Mạng. Vua cử Lang trung Bộ Công là Vũ Trọng Đại đi điều tra tình hình và vẽ bản đồ xác định vị trí. Sau đó vua Minh Mạng lại thân hành đến tận nơi xem xét và làm bài văn Thang hoằng ký rồi cho khắc vào bia đá, dựng tại nơi này. Theo đó, có 3 bia đá đã được dựng tại đây vào năm 1837, dưới thời Minh Mạng, trong đó có 1 bia lớn khắc bài ký về suối nước nóng của vua và 2 bia nhỏ khắc tên suối là Thanh Giản (khe trong) và Lãnh Giản (khe lạnh).
Đến thời Thiệu Trị, nhà vua lại có dịp lên đây du ngoạn, thưởng cảnh. Nhớ lại khi còn là hoàng tử đã từng được theo vua cha đến xem cảnh suối nước nóng, vua Thiệu Trị làm bài thơ Tây lãnh thang hoằng cho khắc vào bia đá dựng ở thắng cảnh này.
Trong bài thơ, vua Thiệu Trị mô tả:
“Cố phục bồi du ức tích niên - Thừa nham bác lãm chí kim truyền
Nhất hoằng ủng súc chương dương hỏa - Vạn trượng phi xung thược thủy yên
Bất hạ Phùng Di thường dũng phất - Mạn giao Hồi Lộc diệu ngao tiên
Kham dư chung dục thùy linh tích - Dược thạch dư đàm khủng vị nhiêm”
Dịch thơ:
“Theo phụ hoàng xưa, tuổi tráng niên - Mà nay cảnh cũ vẫn lưu truyền
Một dòng suối nhỏ đà đun nóng - Vạn trượng hơi mờ lại bốc lên
Phùng Di khiến nước sôi muôn chốn - Hồi Lộc mang hơi tỏa khắp miền (*)
Tạo hóa linh thiêng ban dấu tích - Nước này đâu hẳn thuốc thiên nhiên”
(Bản dịch của sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị - NXB Thuận Hóa năm 1997)
Cũng theo ông Hải, trước đó, trong quá trình thực hiện cuốn sách Thần kinh nhị thập cảnh, TTBTDTCĐ Huế cũng đã có khảo sát nhưng chưa tìm ra vị trí các tấm bia trên. Ông Hải cho biết thêm, việc phát hiện bia Tây lãnh thang hoằng sẽ giúp xác định chính xác vị trí cảnh đẹp này.
Chỉ tiếc là cảnh đẹp khi phát hiện thì cũng là lúc công trình hồ chứa nước Tả Trạch sắp hoàn thành. Sau khi hồ tích nước, vùng thắng tích sẽ ngập sâu dưới 60 m. Vì vậy, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (đơn vị thuộc TTBTDTCĐ Huế) đã di chuyển những tấm bia này về bảo tàng làm hiện vật trưng bày.
Như vậy cảnh đẹp Tây lãnh thang hoằng dù được phát hiện nhưng cũng không thể phục hồi vì địa điểm này sẽ ngập chìm trong lòng hồ Tả Trạch.
Từ việc phát hiện vị trí của cảnh đẹp thứ 20 trong Thần kinh nhị thập cảnh, nhiều người không khỏi tò mò muốn biết 19 cảnh đẹp còn lại của chốn cố đô Huế hiện giờ ra sao.
Bùi Ngọc Long
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 18: Sứ thần tài hoa
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 17: Ông Thủ Huồng
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 16: Đại Giác cổ tự và mối tình công chúa
(*) Theo Tây Lãng truyện, Phùng Di người ở Hoa m, uống nước bát thạch (tám loại đá mà tiên thường dùng) nên trở thành Thủy thần Hà Bá thống lĩnh sông ngòi. Còn Hồi Lộc theo Chu Ngữ trong sách Quốc Ngữ là tên của hỏa thần, ngày xưa khi nhà Hạ nổi lên thì thần Chúc Dung giáng xuống Sùng Sơn, khi mất nước thì thần Hồi Lộc báo tin ở Cấm Toại. Nhà vua nhắc đến hai vị thần này trong hàm ý nguồn nước nóng phun ra từ khe núi là điều kỳ diệu linh thiêng của tạo hóa - ghi chú trong sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị - NXB Thuận Hóa năm 1997.
Bình luận (0)