Theo dấu người xưa - Kỳ 39: Nơi săn bắn của bậc đế vương

29/03/2013 00:20 GMT+7

Trong 20 cảnh đẹp chốn thần kinh, vua Thiệu Trị đã xếp cảnh đẹp rừng Đông Lâm, thuộc thôn Thần Phù (nay thuộc P.Thủy Châu, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) đứng thứ 19.

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 38: Chạnh buồn bên hồ Tịnh Tâm
>> Theo dấu người xưa - Kỳ 37: Đến núi Thúy Vân nhớ công chúa Huyền Trân

Tìm cảnh đẹp giữa đồng không

Trong đề dẫn bài thơ Đệ thập cửu cảnh Đông Lâm dực điểu, ca ngợi cảnh đẹp và thú bắn chim ở rừng Đông Lâm, vua Thiệu Trị đã mô tả: “Tại nơi dòng sông Lợi Nông đổ vào, có rừng ao xanh tươi, khe chảy len lỏi. Nơi vùng sông dài đê phẳng này có vô số bãi cỏ, chim chóc tụ hội về. Nắng soi rọi trên hàng vạn cây cổ thụ, muông thú cùng hót ca. Thả chiếc thuyền nan đẩy mái chèo quế. Ven bờ lau lách, bãi cỏ tần ngần. Lúc nhàn hạ vui chơi ngắm cảnh. Cũng là khi chuyên tâm tính chuyện cơ đồ…” (theo bản dịch sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa năm 1997).

 Tấm bia Đông Lâm Dực Điểu khắc bài thơ của vua Thiệu Trị ca ngợi cảnh đẹp rừng Đông Lâm
Tấm bia Đông Lâm Dực Điểu khắc bài thơ của vua Thiệu Trị ca ngợi cảnh đẹp rừng Đông Lâm
- Ảnh: Ngọc Minh

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Quốc sử quán triều Nguyễn) cho biết do thường xuyên về khu vực rừng Đông Lâm dạo chơi, săn bắn, nên từ thời vua Minh Mạng, nhà vua đã cho xây tại đây một tòa hành cung để nghỉ ngơi, dừng chân. Ban đầu, tòa hành cung được làm bằng tranh tre, nhưng đến năm 1839 thì được thay thế bằng một tòa nhà 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương, bốn mặt xung quanh đều xây tường gạch và trổ cửa hai bên. Mặt sau có một dãy hành lang. Đặc biệt, ngay trên mặt nước còn có một tòa nhà thủy tạ 5 gian, lợp ngói liệt. Hành cung này mang tên là cung Lợi Nông, đến năm 1843 được vua Thiệu Trị đổi tên thành cung Thần Phù.

Theo lời mô tả trên, chúng tôi tìm về nơi ngày xưa có rừng Đông Lâm cảnh đẹp nổi tiếng một thời ở thôn Thần Phù, bên sông Lợi Nông, dòng sông dẫn nước từ sông Hương về các vùng đồng ruộng ở phía đông nam TP.Huế. Tiếc thay, khu rừng đã hoàn toàn mất dấu, chỉ còn lại tấm bia đá của vua Thiệu Trị ca ngợi cảnh đẹp rừng Đông Lâm còn nằm bên bờ dòng Lợi Nông. Khu rừng nổi tiếng trước kia đã thành đồng ruộng, ao cá.

Theo các bô lão, người dân địa phương vẫn quen gọi khu vực rừng Đông Lâm ngày xưa là biền Đông Lâm. Nguyên xưa kia, đây là một khu rừng tự nhiên rậm rạp với vô số loài cây cổ thụ. Trong đó có rất nhiều cây mưng (lộc vừng) cổ thụ trổ hoa tuyệt đẹp. Do nằm giữa vùng đồng ruộng gần hai con sông Đại Giang và Lợi Nông, địa thế thấp trũng, đất đai sình lầy nên khu rừng trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim, thú rừng và rắn rít. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, khu rừng vẫn còn cây cối xanh tốt.

Ông Vũ Đức Duy - Phó chủ tịch UBND P.Thủy Châu cho biết với địa thế hiểm trở, cây cối rậm rạp nên thời kháng chiến chống Mỹ rừng Đông Lâm đã trở thành căn cứ hoạt động của cách mạng. Trong chiến dịch Mậu Thân (mùa xuân 1968), các ông Nguyễn Vạn (nguyên Bí thư Khu ủy Trị Thiên), Hoàng Lanh (nguyên Bí thư Thành ủy Huế) đã có mặt tại đây để chỉ huy chiến dịch. Khu rừng vì thế đã trở thành địa điểm bị quân Mỹ và binh lính VN Cộng hòa càn quét, bom đạn cày xới và thiêu rụi. Sau ngày đất nước thống nhất, rừng Đông Lâm đã được UBND xã giao cho người dân canh tác, sản xuất. Và nơi đây, hiện tại một phần được người dân canh tác làm ruộng và ao nuôi trồng thủy sản.

Cần sớm công nhận di tích

Cũng theo ông Duy, trong khoảng các năm 1997 và 2003, UBND xã Thủy Châu thông qua Phòng Văn hóa - Thông tin H.Hương Thủy, đã hai lần gửi tờ trình lên Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) tỉnh đề nghị lập hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh cho di tích rừng Đông Lâm. Thế nhưng, đến nay địa phương vẫn chưa nhận được hồi âm của Sở.

“Chính quyền và nhân dân ở đây đều rất trăn trở muốn khôi phục cảnh quan khu vực rừng Đông Lâm để tạo thêm cảnh quan, phát triển du lịch. Nhưng do chưa được công nhận di tích và cũng chưa có chủ trương gì từ ngành văn hóa, nên chúng tôi cũng gặp khó khăn vì địa phương không có kinh phí. Phải được công nhận di tích và có quy hoạch bảo tồn, địa phương mới có cơ sở để phục hồi lại cảnh quan rừng Đông Lâm”, ông Duy nói.

Theo ông Duy, khu vực rừng Đông Lâm hiện vẫn do UBND phường quản lý, chỉ cho người dân canh tác (theo diện giao đất 5%) chứ chưa giao đất lâu dài. Vì thế, nếu có quy hoạch bảo tồn thì việc thu hồi đất để thực hiện dự án phục hồi cũng không có gì vướng mắc. Khu vực này lại rất gần thắng cảnh Cầu Ngói Thanh Toàn của xã Thủy Thanh, nên nếu cảnh quan này được phục hồi sẽ tạo ra một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng kết nối vào tour tham quan thắng cảnh Cầu Ngói Thanh Toàn.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị từng có nghiên cứu khảo sát di tích rừng Đông Lâm để thực hiện cuốn sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị) cũng đồng quan điểm trên. Ông Hải cho biết việc khôi phục cảnh quan rừng Đông Lâm đã được chính quyền địa phương đặt ra với quyết tâm cao. “Nếu khôi phục lại được rừng cảnh quan Đông Lâm, chắc chắn sẽ tạo thêm được điểm thắng cảnh lý tưởng cho phát triển du lịch của Thừa Thiên-Huế”, ông Hải chia sẻ

“Thực tế, việc quy hoạch, trồng lại khu rừng này để tạo một điểm cảnh quan sinh thái cũng không khó. Tuy nhiên, do di tích vẫn chưa được công nhận, chủ thể quản lý di tích chưa có nên không thể lập dự án phục hồi”, ông Vũ Đức Duy nói.

Bùi Ngọc Long

>> Theo dấu người xưa - Kỳ 5: Ngôi chùa nơi vua Minh Mạng chào đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.