1,7 triệu dân Quảng Nam - Đà Nẵng “khát” nước

29/03/2013 02:03 GMT+7

Dù mùa khô chỉ mới bắt đầu nhưng cuộc chiến giành... nước của hơn 1,7 triệu dân vùng hạ lưu sông Vu Gia đã vào giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”!

 

Hiện chưa có quy định nào bắt buộc chúng tôi phải xả nước về Vu Gia với lưu lượng bao nhiêu trong mùa khô mà cái đó còn đang chờ quy trình vận hành liên hồ vào mùa kiệt do Bộ TN-MT lập, đang trình Thủ tướng phê duyệt

Ông Võ Tấn Dũng, Phó ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4

UBND TP.Đà Nẵng vừa gửi công văn cho Bộ TN-MT, Bộ Công thương. Theo đó, lý giải về nguyên nhân tình trạng thiếu nước bất thường và nghiêm trọng trên sông Vu Gia như hiện nay, địa phương này khẳng định do lượng mưa ít và do thủy điện Đăk Mi 4 không xả nước về hạ du. Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng có công văn yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về sông Vu Gia, các mùa khô trước đây cũng đã xảy ra tình trạng này.

Thành phố... khát !

“Chưa bao giờ chúng tôi phải đối mặt với tình trạng lượng nước sông Yên về Nhà máy nước Cầu Đỏ giảm và nhiễm mặn nghiêm trọng, kéo dài như hiện nay”, Giám đốc Xí nghiệp sản xuất nước TP.Đà Nẵng Nguyễn Minh Chính nói. Nếu như hằng năm, tình trạng nhiễm mặn tại khu vực sông này thường diễn ra trong vài đợt từ 3 đến 5 ngày vào thời điểm từ tháng 3 - 8 thì bây giờ nguồn nước lại diễn biến khá bất thường. Riêng trong năm 2012, tổng số ngày nhiễm mặn là 87, cao hơn rất nhiều so với bình quân hằng năm. Sang 2013, dường như nguồn nước đã nhiễm mặn hoàn toàn, kéo dài liên tục từ đầu năm đến nay. Độ mặn cũng vượt mức tối đa cho phép của nước sinh hoạt. Đỉnh điểm là ngày 15.12.2012, độ mặn gấp 26 lần mức cho phép. Còn lại, khi nào độ mặn cũng vượt khung không dưới 10 lần.

Để đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt của gần 1 triệu dân TP.Đà Nẵng, Công ty cấp nước TP đã phải chuyển việc lấy nước thô tại vị trí cửa thu Cầu Đỏ sang vị trí cách xa hơn 8 km là đập An Trạch để cấp cho nhà máy với lưu lượng 180.000 m3/ngày. Đây cũng chỉ là biện pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, nếu tình trạng nhiễm mặn càng căng thẳng hơn khi vào đỉnh điểm mùa khô, thì lượng nước tại đập này chắc chắn sẽ không đủ, hơn 1 triệu dân Đà Nẵng có nguy cơ khát nước.

1,7 triệu dân Quảng Nam - Đà Nẵng “khát” nước
Sông ngòi ở đầu nguồn Quảng Nam trơ đáy - Ảnh: H.S

Phải xả nước cứu dân

Từ năm 2008, TP.Đà Nẵng đã có hàng loạt văn bản đề nghị Bộ Công thương tạm dừng thi công đập thủy điện Đăk Mi 4 hoặc ít nhất là dừng thi công tại vị trí dự kiến xây dựng cống xả nước về hạ lưu của đập thủy điện này để có sự thống nhất chung về lưu lượng nước phải xả về sông Vu Gia. Đó là vì sông Đăk Mi đóng vai trò nguồn nước chính, đóng góp đến 50% tổng lượng nước của sông Vu Gia ở cuối thượng nguồn. Thế nhưng, theo thiết kế, để Đăk Mi 4 phát điện, dòng chảy cơ bản của sông Đăk Mi sẽ chuyển sang sông Thu Bồn thay vì trả về hạ lưu sông Vu Gia. Điều này đồng nghĩa với hạ lưu sông Vu Gia giảm đi 50% lượng nước và 1,7 triệu dân vùng hạ lưu tại Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sẽ có nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Sau nhiều văn bản, kiến nghị liên tục của UBND TP.Đà Nẵng cũng như xem xét ý kiến của các bộ, ngành T.Ư, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 29.4.2010 đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 phải thiết kế cống điều tiết tại đập để xả 25 m3 nước/giây trở lại sông Vu Gia nhằm giải quyết nguy cơ thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ lưu.

1,7 triệu dân Quảng Nam - Đà Nẵng “khát” nước
Kênh mương cạn kiệt nước ở Hòa Vang (Đà Nẵng) - Ảnh: V.P.T - H.S

Trao đổi với  Thanh Niên về nguyên nhân hạn hán ở hạ lưu Vu Gia, ông Võ Tấn Dũng, Phó ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4, cho rằng: “Thủy điện Đăk Mi 4 chỉ chịu trách nhiệm phải xả về phía Thu Bồn theo yêu cầu của tỉnh Quảng Nam để chống hạn cho vùng Duy Xuyên, Hội An và còn phải trữ nước, tiết kiệm cho vụ hè thu”. Về chỉ đạo xả nước cho Vu Gia của Phó thủ tướng thì ông Dũng trả lời: “Đó chỉ là yêu cầu về thiết kế khả năng xả của đập. Hiện chưa có quy định nào bắt buộc chúng tôi phải xả nước về Vu Gia với lưu lượng bao nhiêu trong mùa khô mà cái đó còn đang chờ quy trình vận hành liên hồ vào mùa kiệt do Bộ TN-MT lập, đang trình Thủ tướng phê duyệt”.

 

Thực tế, doanh nghiệp vẫn đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người dân Đà Nẵng. Đây là sự tước đoạt và điều đó là không thể chấp nhận được

TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng phòng Phản biện
xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Phản ứng trước lập luận của thủy điện Đăk Mi 4, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng, bức xúc: “Chúng tôi được biết mực nước hiện nay tại hồ thủy điện Đăk Mi 4 cao hơn mực nước chết 10,7 m. Thủy điện Đăk Mi 4 đã lấy đi 50% lượng nước của Vu Gia xả về phía Thu Bồn để làm lợi chi phí kinh tế cho nên nói không còn đủ nước hay chỉ chịu trách nhiệm xả về Thu Bồn là điều không thuyết phục và không chấp nhận được”.

Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng phòng Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng: “Nếu mực nước của hồ thủy điện Đăk Mi 4 vẫn ở mức cao hơn mực nước chết trên 10 m thì chủ đầu tư vẫn phải xả nước xuống hạ lưu”. TS Hòe nói thêm: “Xả nước ra sông Thu Bồn có nghĩa là đã chặn mất nguồn nước sống còn của Đà Nẵng và vùng hạ lưu sông Vu Gia. Nguyên tắc, nước sông nào thì phải chảy xuống hạ lưu sông đó, nếu chuyển dòng là cực kỳ nguy hiểm. Chính phủ đã quyết định, thủy điện Đăk Mi 4 phải xả đáy với lưu lượng 25 m3/giây để lấy nước cho sông Vu Gia để người dân Đà Nẵng có nước sinh hoạt nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người dân Đà Nẵng. Đây là sự tước đoạt và điều đó là không thể chấp nhận được”. Ngoài ra, ông còn nhận định: “Việc đại diện Ban quản lý dự án thủy điện Đăk Mi 4 cho rằng hiện chưa có văn bản chỉ đạo việc thủy điện Đăk Mi 4 phải xả về Vu Gia với lưu lượng nước bao nhiêu trong mùa khô vì chưa có quy trình vận hành liên hồ, thì đó là một cái cớ pháp lý chẳng đúng gì cả. Thủy điện Đăk Mi 4 phải mở cửa xả đáy theo quyết định của Chính phủ, một quyết định mang tính chất luật pháp phải thi hành, trừ khi hồ không còn nước để xả. Anh đừng có lấy cái quy trình liên hồ chứa để tránh việc xả nước xuống hạ lưu sông Vu Gia”.

1,7 triệu dân Quảng Nam - Đà Nẵng “khát” nước
Người dân chủ động lấy nước từ con mương, rạch để tưới cho hoa màu - Ảnh: H.S

Vũ Phương Thảo - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.