Làm việc trái với ngành học có phải luôn bất lợi?

29/03/2013 16:30 GMT+7

Có một công việc đúng với chuyên ngành sau khi tốt nghiệp là điều mà nhiều tân cử nhân ao ước, đặc biệt với các bạn sinh viên khối kỹ thuật. Tuy nhiên, làm việc trái ngành liệu có luôn bất lợi?

“Hãy luôn khám phá và sẵn sàng nắm bắt những cơ hội mới" là lời khuyên mà anh Mã Tuấn Trọng, cựu sinh viên chuyên ngành Phát triển sản phẩm, Đại học Massey, New Zealand - Trưởng nhãn hàng Hazeline, Vaseline, Dove phòng Marketing của Công ty Unilever Việt Nam, dành cho các tân cử nhân trên bước đường tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp sau khi ra trường.

* Chào anh, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình không?

- Tôi là Mã Tuấn Trọng, hiện là Trưởng phòng Marketing nhãn hàng Hazeline, Vaseline và Dove tại Unilever Việt Nam. Trước đây tôi học chuyên ngành Phát triển Sản phẩm tại Đại học Massey, New Zealand. Tôi tham gia chương trình Nhà lãnh đạo Unilever tương lai năm 2009 (trước đây là Quản trị viên Tập sự), và khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn mới - Marketing. Tôi từng luân chuyển làm việc tại trụ sở Unilever ở Singapore, Australia và vừa trở về Việt Nam vào tháng 7 năm ngoái.

Làm việc trái với ngành học có phải luôn bất lợi?
Anh Mã Tuấn Trọng, Trưởng phòng Marketing nhãn hàng Hazeline, Vaseline, Dove, Unilever Việt Nam - Nhà Lãnh đạo Unilever Tương Lai 2009

* Vì sao anh chọn lựa Marketing trong khi học chuyên ngành Kỹ thuật?

- Thực ra lúc đầu tôi ứng tuyển vào bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Sản phẩm tại Unilever Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình phỏng vấn, tôi nhận được lời khuyên nên đi Marketing vì tố chất tôi phù hợp với bộ phận này. Tôi khá thoáng, nhưng thực tế, luôn kiếm tìm những cái mới và sẵn sàng cho các cơ hội mở ra với mình. Tôi bén duyên với Marketing từ đó, và không hề cảm thấy hối tiếc về quyết định này của mình.

* Sinh viên Kỹ thuật làm Marketing - Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải là gì?

- Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là 6 tháng đầu tiên làm việc trong bộ phận Marketing trong chương trình Nhà Lãnh Đạo Unilever Tương Lai 2009. Lúc đó rất áp lực, vì công việc trong Marketing hoàn toàn mới đối với tôi, tôi được điều sang Singapore làm việc ngay sau khi được tuyển dụng.

Thứ hai là yêu cầu đối với Quản trị viên tập sự khá cao, vì mục đích của chương trình là đào tạo các nhà lãnh đạo kế thừa trong công ty - sau 3 năm, thực tập sinh đó được mong đợi sẽ có sẽ đủ năng lực cần thiết để đảm nhiệm vị trí quản lý trong Unilever. Tôi phải cố gắng hết sức để theo kịp mọi người, đọc rất nhiều tài liệu từ căn bản đến nâng cao, kết hợp vừa đọc vừa làm… Cũng may là với sự hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp đi trước thì một thời gian sau tôi cũng bắt kịp.

Sáu tháng đó thực sự là một trải nghiệm hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi - biến tôi từ một kỹ sư không biết định nghĩa Marketing là gì đến một người rất đam mê và làm tốt Marketing.

Từ trải nghiệm này tôi rút ra hai bài học cho mình: thứ nhất phải luôn biết cách tự động viên bản thân; thứ hai tôi nhận ra rằng kiến thức học về Kỹ thuật ở trường đại học không hề bị lãng phí. Vì công việc của Marketing không phải chỉ cần sáng tạo, bay bổng mà còn yêu cầu đầu óc thực tế, tư duy logic, kỹ năng quản lý dự án để biến một ý tưởng từ trứng nước thành thực tế… Học chuyên ngành Phát triển Sản phẩm tại trường đại học đã giúp tôi có được tất cả những kỹ năng đó.

Làm việc trái với ngành học có phải luôn bất lợi?3
Anh Trọng và các đồng nghiệp tại Úc, trong thời gian luân chuyển làm việc tại bộ phận xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

* Được biết anh là một trong những Quản trị viên thành công của chương trình Nhà Lãnh Đạo Unilever Tương Lai, anh có thể chia sẻ lý do lúc đó anh chọn chương trình này của Unilever để khởi nghiệp không ?

- Câu trả lời của tôi đơn giản lắm. Tôi nghĩ rằng nếu các bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu, thì Unilever và chương trình Nhà Lãnh đạo Unilever Tương Lai sẽ giúp các bạn hiện thực hóa điều đó.

Thứ nhất, vì Unilever là công ty đa quốc gia hoạt động trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ hội được cọ xát và trải nghiệm môi trường quốc tế vì thế cũng nhiều hơn các công ty khác. Thứ hai, Unilever từ lâu đã nổi tiếng với một quy trình đào tạo, phát triển cá nhân bài bản - đặc biệt là trong chương trình Nhà Lãnh Đạo Unilever Tương Lai; văn hóa của Unilever cởi mở, năng động, càng hỗ trợ những người trẻ các cơ hội để khám phá, học hỏi và phát triển bản thân.

Đến bây giờ sau 3,5 năm làm việc ở Unilever thì tôi vẫn nghĩ như vậy, và càng ngày càng cảm thấy yêu Unilever nhiều hơn (cười).

Làm việc trái với ngành học có phải luôn bất lợi?5
Anh Trọng tại trụ sở Unilever khu vực Đông Nam Á và châu Úc

* Anh có lời khuyên nào dành cho các tân cử nhân, những người mới tốt nghiệp và trên bước đường chọn lựa hướng đi cho mình?

- Câu hỏi này hơi khó (cười). Một lời khuyên tôi cũng mạnh dạn chia sẻ với các bạn: Hãy luôn tự tin, không ngừng khám phá, và đừng bao giờ hạn chế bản thân mình. Đối với các bạn sinh viên mới ra trường, hãy cho phép mình có những quyết định táo bạo và nắm bắt các cơ hội!

* Cám ơn anh rất nhiều vì buổi trò chuyện hôm nay!

Y Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.