Mắm là món ăn tượng trưng cho chất Nam bộ, người Nam bộ. Thành Hội sinh ra tại Sài Gòn cách đây hơn 50 năm, chưa phải là “quá xưa” nhưng anh lại giữ được khá nhiều cái chất Nam bộ, hình như không bị pha loãng bởi cuộc sống xô bồ của thành thị. Vừa dí dỏm vừa tinh quái, vừa dễ chịu hào sảng, vừa cá tính mạnh mẽ, nói là làm, không môi mép, màu mè.
Cho nên anh đã nhận hàng loạt vai diễn có tính cách như thế. Mà vai Năm Biền trong Chuyện bây giờ mới kể là một ấn tượng khó phai của sân khấu 5B (Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM).
Câu tỏ tình Đ.mẹ tui yêu em! không một chút thô tục, mà trong trẻo chân tình đến thấy thương. Tài hoa của Thành Hội đã phả vào câu thoại bình dân ấy một nét đẹp nghệ thuật mang chất hồn nhiên Nam bộ và tràn trề như phù sa của những con sông Cửu Long đã đầy ắp nỗi niềm nhất định phải vỡ bờ mà tràn lên ruộng đồng, ôm hết trái tim của người phụ nữ ấy.
|
Nhưng giờ đây, Thành Hội không chỉ là Năm Biền, mà anh còn là linh hồn của mười mấy diễn viên khác, lèo lái vở kịch đi theo con sóng mới của thời đại, làm sao vừa giữ được hướng đi đúng đắn ngày xưa, lại vừa tránh được những thác ghềnh khắc nghiệt của thị trường cơm áo, vì sân khấu phải ngồi bán từng cái vé để trả lương. Cho nên Thành Hội phải đau đầu, ưu tư nhiều hơn.
Anh không còn nét “phiêu” của Năm Biền, thay vào đó là những nét nhăn trán để tìm ra “chìa khoá” cho một tác phẩm và những tiếng la rầy khi diễn viên không thuộc tuồng, không cảm xúc.
Thành Hội nói: “Ngày xưa tôi chỉ biết làm cho vai của mình nổi bật, nhưng bây giờ tôi phải kềm nhân vật mình xuống để đẩy nhân vật khác lên, tính tới một tổng thể đều tỏa sáng. Tôi có thay đổi chút ít trong nội dung kịch bản, không nhấn mạnh việc chống tiêu cực mà nhấn mạnh thân phận con người. Ai cũng có nỗi đau riêng trong nỗi đau xã hội, và đó mới thật là nỗi ray rứt cho khán giả”.
Nhìn anh đi tới đi lui thị phạm cho diễn viên trẻ từng li từng tí như bà mẹ chăm con, vừa thương vừa mệt. Một cái hất tóc, một bước chân hụt ra sàn nước, một vòng tay ôm… đều tính toán rất chính xác để bật lên được tâm lý, trạng thái và mối quan hệ của các nhân vật.
Hỏi anh: “Sao anh kỹ quá vậy? Cứ để diễn viên động não sáng tạo chứ…”. Anh nghiêm mặt: “Đây không phải là kịch sinh hoạt rồi cứ ráp ráp lại là xong, qua loa, dễ dãi. Một vở nghiêm túc đòi hỏi phải chi tiết từng chút một. Chỉ cần sai chút xíu người ta có thể hiểu lầm nhân vật”.
Quả là anh đã chỉnh ngay khi diễn viên Vân Anh ôm lấy người Hùng Thuận quá thân mật: “Chỉ ôm cái tay thôi. Em làm như vậy khán giả có thể tưởng hai cô cậu này đã ngủ với nhau rồi, thì cả đoạn kịch phía sau hỏng bét”. Thế đó, đâu phải muốn biểu lộ tình yêu kiểu gì cũng được.
Lại khen anh đóng vai Năm Biền quá hay, chưa chắc bây giờ lớp trẻ diễn nổi. Thành Hội lắc đầu: “Nổi chứ sao không. Nhưng chưa đủ điều kiện nên chưa giao cho các em thôi. Phải tin các em”.
Thật sự điều kiện mà anh nói có thể là bây giờ thời gian quá eo hẹp cho người trẻ tập tuồng. Họ đi đóng phim, làm MC, ca nhạc, đủ thứ bận rộn, đâu còn toàn tâm toàn sức cho vai diễn như xưa. Mà những nhân vật như Năm Biền đòi hỏi một sự nghiền ngẫm tới “chín nhừ”, từ trong giai đoạn đọc kịch bản đến khi lên sàn tập. Thôi thì, lại đợi…
Và trong lúc đợi, thì Thành Hội lại tiếp tục tái sinh cho nhân vật. Và cũng không thiếu những lúc anh ngồi chờ diễn viên chạy sô… Nỗi buồn đạo diễn trong cơn lốc truyền thông đó mà! Anh cố hài hước: “Sống chung với lũ thôi bà con ơi!”.
Hoàng Kim
>> Nghệ sĩ sân khấu vui xuân muộn
>> Người ngựa ngựa người" trên sân khấu mini
>> Những mối tình đẹp trên sân khấu
>> Phù thủy sân khấu
>> Kịch tết ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh
>> “Ông tây” diễn kịch
>> Kịch ma đầu năm
>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời
>> Vai diễn hay
Bình luận (0)