Vĩnh biệt diễn viên đa tài nhất Việt Nam

04/04/2013 10:02 GMT+7

(TNO) Sau hơn một năm mang trong ngực quả tim nhân tạo, chiều ngày 3.4 quả tim ấy đã ngừng đập và làng giải trí Việt Nam đã mất đi người nghệ sĩ đa tài nhất: NSƯT Hồ Kiểng.

(TNO) Sau hơn một năm mang trong ngực quả tim nhân tạo, chiều ngày 3.4 quả tim ấy đã ngừng đập và làng giải trí Việt Nam đã mất đi người nghệ sĩ đa tài nhất: NSƯT Hồ Kiểng.

>> NSƯT Hồ Kiểng qua đời
>> NSƯT Hồ Kiểng đột ngột qua đời
>> NSƯT Hồ Kiểng nhiều lần khó thở vẫn gắng gượng trên phim trường

Cách đây hơn 20 năm, NSƯT Hồ Kiểng đã được sách Guinness Việt Nam của tác giả Huy Vĩnh ghi nhận là “diễn viên đa tài nhất” (năm 1992).

Nghệ sĩ của những con số biết nói

Mười năm sau (2002), người viết đã gặp ông để hỏi rõ về sự “đa tài” này. Không cần giấy bút, tài liệu - ông kể một hơi: “Đời tôi là những con số: 87 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, đã đóng 203 bộ phim, lồng tiếng thú (chó, mèo, cọp, gà…) cho 16 bộ phim múa rối, vẽ 4 bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên, có mặt trong 304 vở kịch của chuyên mục Câu chuyện xóm làng miền Nam, ngoài ra còn tham gia hơn 50 vở kịch khác, xuất hiện trong 12 vở tuồng cải lương, sáng tác được 664 bài thơ (trong đó có 19 bài đoạt giải trong các cuộc thi), viết được 241 bài vọng cổ, tiểu phẩm, tấu hài…”. 

Đó quả là những con số ấn tượng, đáng cho chúng ta phải nghiêng mình trước sự lao động nghệ thuật của ông!

Vĩnh biệt diễn viên đa tài nhất Việt Nam

Tuy vậy, hơn nửa thế kỷ lăn lộn với nghiệp diễn, Hồ Kiểng vẫn chưa bao giờ được đóng vai chính mà chỉ toàn được giao các vai phụ: từ phản diện, ác ôn như Đồn trưởng trong Rừng xà nu, kẻ chỉ điểm Ba Phi trong Hòn Đất, Gián điệp G5 trong Ván bài lật ngửa... đến các loại vai nghèo hèn, dễ lấy nước mắt và sự thương cảm của người xem như vai ăn mày, đạp xích lô, bác nông dân của Đất phương Nam hay Người đẹp Tây Đô...

Hết lòng vì nghệ thuật, Hồ Kiểng chẳng những không buồn phiền mà còn tập trung lột tả nhân vật, khiến cho nhân vật của mình trở thành một ấn tượng khó phai trong lòng khán giả. Trong bộ phim Những nẻo đường phù sa (đạo diễn Châu Huế), Hồ Kiểng vào vai một ông già nông dân nghèo khổ đi mò cua, bắt cá trong ruộng bị tên địa chủ bắt được, hắn buộc ông phải ăn sống những con cá còn dính đầy bùn, giãy giụa trong miệng… Đến bây giờ lũ trẻ ở chung cư Cao Thắng (Q.3-TP.HCM) là láng giềng của ông, vẫn gọi Hồ Kiểng là “Ông già ăn cá sống”.

Ở bộ phim Cát bụi hè đường (đạo diễn Khánh Dư), Hồ Kiểng đóng vai ông già mù được cô cháu nhỏ (diễn viên Kim Hiền, 13 tuổi đóng) dắt đi ăn xin. Máy quay được đặt bí mật trên tòa nhà cao tầng. Đạo diễn yêu cầu đóng cho thật đạt, nếu có ai cho tiền cũng cứ nhận.

Ngoài việc hóa thân vào vai diễn, Hồ Kiểng còn sáng tác một bài ca theo điệu Huê tình rất dễ làm “mủi lòng” người qua đường: “Đời tôi ôi trôi nổi đắng cay. Nhờ cô bác miếng ăn qua ngày. Ơn nghĩa cao dày, củ khoai hạt gạo, ông cháu tôi cầu xin… Đời tôi ôi một kiếp linh đinh. Nhờ cô bác bốn phương thương tình. Giúp ông cháu tôi miếng cơm, đồng bạc, sống thác nào quên…”.

Vậy là, chỉ một đoạn đường khoảng 300 mét, hai ông cháu đã “thu hoạch” được 262.000 đồng và 1 ổ bánh mì kẹp thịt của một người đạp xích lô (chưa kịp ăn) trao tặng… Ông bảo đó là những kỷ niệm nhớ đời trong nghiệp diễn của ông.

"Ba chìm bảy nổi", vẫn cứ niềm nở với đời!

Hồ Kiểng sinh năm 1926, tại xã Phước Long (Giồng Trôm, Bến Tre), là con trai độc nhất trong gia đình. Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra có năng khiếu biểu diễn trên sân khấu. 17 tuổi được đóng vai chính trong một vở kịch, cải lương ở quê nhà. Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) ông tham gia Việt Minh và một năm sau được kết nạp Đảng. Năm 1954, tập kết ra Bắc, tham gia các đoàn nghệ thuật nghiệp dư, vẽ phim hoạt hình… Mãi đến hơn 30 tuổi mới được chính thức về Kịch đoàn Điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam. Phim đầu tiên Hồ Kiểng tham gia là Lửa trung tuyến (1960, đạo diễn Phạm Văn Khoa)…

Thành công trong nghiệp diễn nhưng cũng không ít lần ông bị “tổ trác” - chết đi sống lại bởi “tai nạn nghề nghiệp”: Trong phim Rừng xà nu, ông bị ngựa hất ngã xuống đất gãy xương sống, phải nằm bệnh viện Cao Bằng và Bạch Mai hết một năm. Đóng Đêm săn tiền, ông bị rắn hổ mang mổ trúng phải cấp cứu ở bệnh viện Sài Gòn. Tham gia phim Cảnh sát hình sự, ông bị ném vào tường phải mổ não vì tụ máu…

Vĩnh biệt diễn viên đa tài nhất Việt Nam

Cung “thê, tử” của Hồ Kiểng cũng rất lận đận: Cưới vợ đến 3 lần. Nhưng rồi cũng sống độc thân. Có 4 người con nhưng lại thui thủi một mình (2 người con đã mất, 2 người có gia đình riêng) trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 15 mét vuông - vốn là chỗ đặt máy phát điện dự phòng của khu tập thể Đài Truyền hình. Chỗ ở của ông là căn phòng áp mái, lên xuống phải trèo bằng một cái thang dựng đứng. Mười năm trước, ông còn lâm cảnh “gà trống nuôi con” khi phải nuôi người con gái đã thi đậu đại học nhưng không kham nổi học phí.

Lúc ấy, lương hưu của ông chỉ có 400.000 đồng, nên phải xoay rất nhiều nghề: Đóng phim, ca cải lương, tấu hài, sáng tác kịch bản… Gian nan như thế nhưng vẫn không mất đi tính hài hước. Ngồi nói chuyện, thỉnh thoảng ông lại thọc ngón tay xuyên qua mắt kính đang đeo. Ai cũng bật cười, thì ra ông đeo cặp kính không có tròng! Rồi ông ngâm nga:

“Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng / Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời / Dẫu rằng thiên hạ trêu cười / Kiểng còn nhìn thấu dạ người trắng đen”…

Một tấm gương miệt mài vì nghệ thuật, một trái tim nhân hậu với cuộc đời - NSƯT Hồ Kiểng đã xuôi tay lúc 16 giờ 15 phút ngày 3.4, hưởng thọ 88 tuổi.

Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ động quan lúc 11 giờ ngày 6.4, an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Hà Đình Nguyên
Ảnh: Gia đình nghệ sĩ cung cấp

>> Thanh Bạch đa tài
>> Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 12: Thanh Lan - nghệ sĩ đa tài
>> “Ăn cơm tổ” ba đời Đời nghệ sĩ - Kỳ 2: Nghệ sĩ Hữu Thoại: Nghề này bạc lắm
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Nửa thế kỷ ân tình
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Khi Diệu Hiền “trả thù”
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kim Ngọc - “Mai Đình của tôi”
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lệ Thủy - Đào chánh ngoại lệ
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Mối tình Út Bạch Lan - Thành Được
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Lăng xê Thanh Nga
>> Gã si tình nặng nghiệp cầm ca: Kho báu đầu đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.