Văn hóa cũng khó quản như giao thông

05/04/2013 04:00 GMT+7

Là vấn đề của toàn dân, lại có quá nhiều ngành nhiều cấp liên quan, toàn cảnh văn hóa hiện đang dần trở nên khó quản.

“Chúng ta từng lên tiếng về văn hóa giao thông. Giờ có lẽ cũng nên đặt vấn đề văn hóa lễ hội”, ông Phạm Đình Tân, Phó chánh văn phòng bộ và là người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, nói tại cuộc họp báo hôm qua 4.4 về tổng kết hoạt động quý 1/2003 của ngành.

Quả thực, tình hình văn hóa lễ hội gần đây dần trở nên hỗn loạn chẳng khác gì giao thông tại các đô thị lớn.

 
Du khách trèo tường tại chùa Bái Đính - Ảnh: Ngọc Minh

Rối như tơ vò

Không chỉ mình ông Tân, nhiều lãnh đạo cấp vụ khác của Bộ VH-TT-DL cũng cho rằng văn hóa đi lễ đã trở nên đáng ngại. Sự đáng ngại đến từ việc không thể kiểm soát nổi lượng khách đến, gây sức ép lên cơ sở thờ tự. Bất cập cũng đến từ hạ tầng tại di tích không thể kham nổi lượng người lớn như thế, trong khi quy hoạch mở rộng lại vẫn chưa được thực hiện. Quan trọng hơn, chính những khách hành hương đã không được giáo dục về “chuẩn đi lễ”. “Có lẽ cần giáo dục di sản, cụ thể hơn là giáo dục đi lễ như thế nào”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật nói.

Nhưng trước khi việc giáo dục có thể có hiệu quả, sự điều chỉnh của cơ quan chức năng là điều cần thiết. Có điều, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra bộ, chính ngành văn hóa cũng không thể một mình xử lý tất cả những việc lộn xộn ở lễ hội. “Có việc ban quản lý làm. Có cái của huyện làm. Có việc của công an làm, như bắt cờ bạc chẳng hạn. Nên cái này cũng phải thông cảm. Chúng tôi quản lý nhà nước chứ không phải làm tất cả”, ông Phúc nói.

 

Chúng ta từng lên tiếng về văn hóa giao thông. Giờ có lẽ cũng nên đặt vấn đề văn hóa lễ hội

Ông Phạm Đình Tân - Phó chánh văn phòng bộ và là người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL

Thậm chí ông Phúc còn khuyến cáo người đi lễ phải là “khách hàng thông minh” khi mua bán ấn làm quan, cũng như luồn cúi để mong danh lợi tại đền Bảo Lộc, Nam Định. “Đấy là tục có từ lâu đời. Còn cái gì đã là mua bán thì phải có thỏa thuận. Nếu các đồng chí mua (ấn) các đồng chí phải mặc cả. Đấy là từ góc độ thanh tra chúng tôi nói thế”, ông Phúc nói. Ngay sau đó, ông Phúc công bố số tiền phạt lễ hội cho đến nay là 2 triệu đồng. Số tiền này thu được ở chùa Hương do phạt hàng quán sai quy định.

Thất bại

Nếu như lễ hội là việc của người dân, phải điều chỉnh rất lâu dài thì việc quảng bá văn hóa - sức mạnh mềm của đất nước lại trong tầm tay Bộ VH-TT-DL có thể chủ động được. Tuy nhiên, quý 1 vừa qua đánh dấu liền hai thất bại của ngoại giao văn hóa.

Thứ nhất là về xúc tiến du lịch, ngay trong “trận” đem chuông đi đánh xứ người lớn tại Đức lại dùng ảnh tượng Phật nổi tiếng của Trung Quốc treo ở gian hàng Việt Nam. “Chúng tôi chịu trách nhiệm. Cao nhất đương nhiên là lãnh đạo, đương nhiên. Dù nhân viên sai thì lãnh đạo vẫn chịu trách nhiệm. Dù họ (đơn vị thi công - NV) sai, chúng tôi vẫn chịu trách nhiệm. Tôi nói luôn, việc này sẽ công bố. Sai thế nào rõ ràng đến đấy”, ông Cường nói. Có nghĩa là sau việc nhận lỗi của tổng cục, trách nhiệm rõ ràng của các cá nhân liên quan cho tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Thứ hai là lỗ hổng trong “ngoại giao” đại sứ văn hóa. Việc cùng lúc lùi thời hạn nhận hồ sơ và sửa quy chế đại sứ du lịch cũng là một “cú hớ” khác trên con đường ngoại giao văn hóa. Chức danh này được đưa ra vì mục đích quảng bá du lịch Việt Nam, song sự liên kết với Tổng cục Du lịch lại khá lỏng lẻo. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ tham gia vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long, đi theo tuần văn hóa thể thao du lịch ở nước ngoài, vận động đăng cai ASIAD 19.

Tuy nhiên những hoạt động này đều không liên quan trực tiếp đến Tổng cục Du lịch. Bản thân ông Cường cũng cho rằng “Đại sứ du lịch là nhà ngoại giao nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam để các bạn quốc tế tìm hiểu đến với con người Việt Nam”. Như vậy, đại sứ du lịch giống một “nhân viên không biên chế” của Cục Hợp tác quốc tế hơn. Và từ góc độ đó, khó có thể đảm bảo hiểu biết văn hóa, ngoại giao của Lý Nhã Kỳ đáp ứng được khi ông Phạm Văn Tình, lãnh đạo Cục từng cho biết, cô Lý Nhã Kỳ thường chỉ được “tập huấn” gấp rút về văn hóa và di sản trước mỗi chuyến đi cụ thể.

“Chưa phạt một xu nào”

Việc bỏ lửng trách nhiệm như trường hợp xúc tiến du lịch không cá biệt trong hành xử của ngành văn hóa. Chẳng hạn, trong việc tuyên truyền “phải vào luồn ra cúi mới được làm quan” ở đền Bảo Lộc được Thanh tra bộ đánh giá không sao thì ý kiến của Cục Di sản lại khác hẳn. Ông Nguyễn Hữu Toàn cho rằng đó là việc làm không đúng do những người trực tiếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích đó. Cũng theo ông, nếp sinh hoạt xấu này cần thay đổi.

Có lẽ sự khác biệt trong nhận thức vấn đề giữa Cục Di sản với Thanh tra bộ về lối “vào luồn ra cúi để làm quan” tại đền Bảo Lộc là lý giải rõ nhất cho số tiền phạt ít ỏi, cũng như những biến tướng lễ hội kéo quá dài. Cũng phải nói thêm, số tiền phạt 2 triệu của mùa lễ hội 2013 cho đến giờ là do địa phương phạt. “Thanh tra bộ chưa phạt một xu nào”, ông Phúc nói.

Cũng như giáo dục, tác động của một chính sách văn hóa đúng chỉ có thành quả sau nhiều năm bền bỉ. Tuy nhiên, hành xử văn hóa chính sách không thỏa đáng lại có phản hồi rất nhanh. Nếu trật tự văn hóa không được rốt ráo lập lại, cộng đồng quốc tế có thể sẽ đặt câu hỏi: liệu chúng ta có vị thành tích khi làm hồ sơ thế giới cho những di sản trên.

Quảng cáo “lậu” trên truyền hình

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn nhìn nhận thời gian qua xảy ra tình trạng quảng cáo không phép, nội dung quảng cáo không đúng nội dung cấp phép, và nhiều hình thức quảng cáo gián tiếp xuất hiện tràn lan trong phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế.

Mới đây, trong chương trình truyền hình thực tế Cặp đôi hoàn hảo, nghệ sĩ gắn những giấy gói mì lên quần áo có thể được coi như một hình thức quảng cáo gián tiếp cho thương hiệu mì khiến dư luận bức xúc. Thế nhưng, nhà quản lý đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý trước tình trạng quảng cáo gián tiếp đang ngày càng phổ biến.

* Sau một năm thực hiện Chỉ thị 65 về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, ông Nguyễn Đăng Chương (Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết số tiền phạt các trường hợp vi phạm là 67 triệu đồng. Về chủ trương cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975, ông Chương cho hay, danh sách các bài hát đã lên tới 2.000 tác phẩm, cần mất vài tháng để xem xét cấp phép. Các ca khúc được cấp phép dựa trên 3 tiêu chí: chất lượng tư tưởng, nội dung, nghệ thuật.

Minh Ngọc

Trinh Nguyễn

>> Quyết liệt chống tăng giá dịp lễ hội pháo hoa
>> Mê lễ hội, quên giảng đường
>> Thấy gì qua quy hoạch lễ hội?
>> Cảnh báo lễ hội biến tướng - Kỳ 8: Bất lực đứng nhìn?
>> Gần 10.000 lượt khách đến lễ hội vía năm Bà Thánh Mẫu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.