(TNO) Chiều 9.4, UBND TP.Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch cho chim yến nuôi trong nhà.
Cùng tham dự có đại diện Sở NN-PTNT, Sở Y tế, Chi cục Thú y Ninh Thuận và đại diện 54 hộ nuôi chim yến trên địa bàn.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Ninh Thuận, trong thời gian từ cuối tháng 3 đến nay, tại một cơ sở nuôi yến trong nhà trên đường Thống Nhất, TP.Phan Rang-Tháp Chàm có hơn 4.000 con chim yến bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Qua 2 lần lấy mẫu bệnh phẩm yến nuôi bị chết đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virut cúm gia cầm subtype H5N1. Sau đó, ngành chức năng tiến hành lấy mẫu tại cơ sở này và một số nhà yến khác đi xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính.
Do chưa đủ điều kiện để công bố dịch nên UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng cùng phối hợp và tuyên truyền vận động các cơ sở nuôi yến tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng tiếp tục giám sát.
Chi cục Thú y Ninh Thuận yêu cầu các cơ sở nuôi yến khi phát hiện chim yến chết phải báo ngay cho ngành chức năng thông qua điện thoại đường dây nóng: 800115.
Theo đại diện Sở Y tế Ninh Thuận, dịch cúm H5N1 có khả năng lây sang người rất nhanh. Trước đây, chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhưng đối với chim yến thì việc phòng chống dịch vô cùng phức tạp. Hầu hết các nhà chim ở trong khu dân cư, bay tự do trên bầu trời, không thể nào tiêm phòng được nên rất khó kiểm soát.
Vì vậy, đề nghị các cơ sở nuôi yến phải thật sự thực hiện nghiêm túc các bước phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho những người làm việc trực tiếp tại nhà yến.
Tại buổi họp, nhiều cơ sở nuôi yến cho rằng hiện tượng chim yến chết hàng loạt tại cơ sở nuôi yến trên đường Thống Nhất là do đàn yến cơ sở này tăng nhanh, kèm theo nắng nóng nên chim yến đuối sức mà chết, chứ không phải do dịch bệnh.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch UBND TP.Phan Rang-Tháp Chàm, hiện chúng ta chỉ tuyên truyền biện pháp chung về dịch cúm gia cầm, nhưng nếu áp dụng cho việc tuyền truyền phòng ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến là vô cùng khó.
Vì vậy, đề nghị Chi cục Thú y có hướng dẫn kịp thời, cụ thể để TP tổ chức có hiệu quả.
Hiện TP đang triển khai công tác tiêm phòng dịch cúm gia cầm trên mặt đất, còn với chim yến thì không thể tổ chức tiêm phòng được.
“Hầu hết các cơ sở nuôi yến này xây dựng trong khu dân cư, không đúng quy hoạch gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị, sinh thái và khi có dịch bệnh xảy ra thì vô cùng phức tạp”, bà Huệ cho biết.
Thiện Nhân
>> Quy hoạch vùng nuôi chim yến tại TP.HCM
>> Thêm người chết vì cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc
>> Thượng Hải tăng cường giám sát sau vụ tử vong vì cúm gia cầm
>> Việt Nam khống chế dịch cúm gia cầm
>> Đối phó với dịch cúm gia cầm
>> Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp
>> Tây Ninh: Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp
>> Đề nghị ngừng tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ở nhiều địa phương
Bình luận (0)