Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQL), trước đây thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM và nay thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 454 tỉ đồng. Được phê duyệt năm 2006 và điều chỉnh lần gần nhất vào năm 2010, dự án có chiều dài đê bao 63,15 km và 209 cống các loại, gồm 16 gói thầu xây lắp. Mục tiêu được đặt ra là ngăn lũ và triều cường gây ngập cho 27.795 hộ dân ở Q.12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Đến nay sau nhiều lần gia hạn dự án vẫn chưa hoàn thành.
|
Trong khi đó, một số công trình thuộc dự án đã hoàn thành thì bị phát hiện hư hỏng, thi công không đúng thiết kế. Nhiều đoạn đê bao có cao trình không đúng thiết kế nên bị triều cường tràn qua, gây ngập úng nhà cửa, thiệt hại hoa màu của người dân.
Cống bể, nước tràn
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở P.An Phú Đông (Q.12) vẫn chưa hết bức xúc do từ khi dự án chống ngập triển khai, khu vực này đã 3 lần bị ngập do bể cống, nước tràn bờ đê.
|
Anh Nguyễn Tiến Lộc (nhà số 1188/3G, KP.3, P.An Phú Đông) cho biết khu vực này liên tục bị ngập từ tháng 9.2012 đến nay. Mỗi đợt ngập kéo dài hàng chục ngày đã khiến 2.000 m2 vườn trồng sả của gia đình anh trị giá khoảng 15 triệu đồng mất trắng, gần 8.000 gốc mai bị thúi rễ chết. Cách đó không xa, chị Lê Thị Hoa (nhà số 883/3G) cũng cho biết những luống riềng của chị gần đến ngày thu hoạch cũng bị ngập nước chết, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Thủ phạm gây ngập, theo người dân, là do các gói thầu thuộc công trình chống lũ hạ du sông Sài Gòn triển khai thi công chậm và có chất lượng không tốt. Tại những vị trí xung yếu đang xảy ra hiện tượng lún cục bộ, cao trình đỉnh đê và các cống điều tiết bị thấp nên xảy ra hiện tượng nước tràn bờ vào nhà cửa, vườn tược của người dân vào những lúc đỉnh triều cao trong năm.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong quyết định phê duyệt thiết kế dự án của Bộ NN-PTNT ngày 29.11.2006, cao trình đỉnh đê bao là 2,2 m (đỉnh lũ lịch sử ở khu vực dự án là 1,62 m) và cao trình của các cống điều tiết là 2,0 m. Thế nhưng, trong đợt kiểm tra vào cuối tháng 10.2012 về tiến độ và rà soát các vị trí xung yếu thuộc các công trình thủy lợi trọng điểm, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP phát hiện dù mức nước đỉnh đợt triều cường trong tháng 9 - 10.2012 đo được tại Ba Thôn (huyện Hóc Môn) chỉ là 1,55 m nhưng có rất nhiều tuyến đê bao dài hàng km thuộc các gói thầu 1C, 3A1, 4A, 5B... đã bị nước tràn qua. Rất nhiều cống điều tiết cũng bị nước tràn qua từ 6-40 cm tùy vị trí. Ví dụ, tại cống SG 1B thuộc gói thầu 1A, nước tràn qua mặt cống tới 25 cm.
Lấy ngân sách khắc phục sự cố
Sau hàng loạt sự cố, Sở NN-PTNT TP.HCM đã tổ chức kiểm tra thực địa dự án và yêu cầu chủ đầu tư là BQL phải thuê tư vấn kiểm định sự cố công trình để xác định nguyên nhân, đối tượng chịu trách nhiệm gây ra sự cố công trình, từ đó có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã “làm lơ” chỉ đạo trên. Ông Bùi Thế Hải, Giám đốc BQL, cho tiến hành khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và sửa chữa lại hạng mục cống Cầu Kinh với tổng vốn hơn 1,2 tỉ đồng. Số tiền trên được lấy từ nguồn vốn ngân sách gồm vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và vốn đối ứng trong nước. Ngoài ra, để khắc phục sự cố sạt lở rạch Bà Bếp thuộc dự án trên, BQL đã xuất số tiền hơn 1,8 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của AFD. BQL cũng không xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, thiết kế, đơn vị thi công mà cho rằng nguyên nhân do địa chất.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết do dự án vừa được chuyển từ Sở NN-PTNT về cho trung tâm quản lý nên đang phải kiểm tra lại. Theo ông, về lâu dài phải đánh giá lại toàn bộ dự án. "Trước mắt phải khắc phục sự cố để đưa dự án vào phục vụ người dân còn về sai sót thuộc về đơn vị thiết kế, chủ đầu tư hay đơn vị thi công tới đây UBND TP sẽ họp để xác định lại trách nhiệm thuộc về ai, từ đó mới có hướng giải quyết cụ thể", ông Công cho hay.
Xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm Ông Trần Công Lý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho rằng BQL phải chịu trách nhiệm về việc phê duyệt các khối lượng hạng mục phát sinh sử dụng vốn ngân sách nhà nước không đúng quy định nếu có. Ông cũng yêu cầu BQL phải đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu. Có biện pháp chế tài, xử phạt, nếu cần thiết có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các cá nhân, đơn vị, nhà thầu tư vấn, thi công thiếu trách nhiệm, vi phạm hợp đồng, gây ra sự cố công trình. |
Đình Sơn
>> Huy động vốn cho dự án chống ngập của TP.HCM
>> Thiếu vốn thực hiện quy hoạch chống ngập úng cho TP.HCM
>> TP.HCM xây hồ điều tiết để chống ngập úng
>> Khổ sở chống ngập
>> Dự án chống ngập khốn khổ vì… ngập
Bình luận (0)