(TNO) Trong những ngày gần đây, nhiều bạn trẻ thích uống trà chanh "chém gió", cũng như những người bán trà chanh thật đều hoang mang trước thông tin có hóa chất trong trà chanh.
>> Trà chanh bội thu, giữ xe ăn trọn
>> Quán trà chanh im lặng
>> Dùng trà chanh có đau bao tử?
Sau những chia sẻ về trà chanh chứa hóa chất, nhiều bạn trẻ ở TP.HCM truyền tai nhau cảnh báo, đồng thời chủ đề trà chanh "chém gió' cũng gây xôn xao đối với cộng đồng mạng trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, những người mở cửa hàng bán trà chanh thật lại càng hoang mang hơn vì lo mất khách do người uống không biết đâu là trà chanh thật và đâu là giả.
“Biến tấu” trà chanh hóa chất y như thật
Để làm rõ sự khác biệt trà chanh thật và giả, phóng viên Thanh Niên Online đã đến những quán trà chanh trên con đường Thành Thái, Tô Hiến Thành (quận 10, TP.HCM), nơi được các bạn trẻ cho biết trà chanh mọc lên như nấm.
|
Chỉ trong vòng một tháng, hơn chục quán trà chanh "chém gió" mọc lên hai bên vỉa hè con đường Thành Thái nối dài và đoạn đường Tô Hiến Thành, khu vực Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Một đặc điểm chung của những quán trà chanh vỉa hè này là đều hoạt động sau 18 giờ, bán trà chanh nơi thiếu ánh sáng, đồ dùng pha trà chanh được giấu trong thùng xốp hoặc thùng nhựa, đặt nơi khá tối hoặc khuất mắt người mua.
Được chào mời vào một quán trà chanh lề đường trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), chúng tôi gọi 2 ly trà chanh. Chỉ ít phút sau, người bán đã mang ra ly trà chanh màu vàng vàng, có vị ngọt lợ lợ. Uống chưa được nửa ly, cảm giác gắt ở cuống họng xuất hiện cùng với vị đắng ở cuối lưỡi.
Qua quan sát chúng tôi thấy người bán tỏ ra thận trọng khi pha chế. Một cô gái làm nhiệm vụ pha trà chanh ngồi ở một góc khá tối, chế một ít nước (nghi đường hóa học) từ một chai sẫm màu, kế tiếp là rót trà pha sẵn trong bình và nặn thêm một miếng chanh nhỏ.
Chúng tôi đến một quán trà chanh ngay ngã tư Thành Thái - Tô Hiến Thành, ở đây thu hút khá đông bạn trẻ, ngồi kín vỉa hè từ khoảng 19 giờ trở đi.
Bàn pha trà chanh được đặt ở một góc khuất, chỉ để lộ ra lọ chứa vài trái chanh ở bên ngoài. Chưa đến 3 phút, ly trà chanh được mang đến với một lát chanh đi kèm. Thế nhưng, trong khi lát chanh có vị chua lẫn đắng thì nước trà chanh lại chua ngọt, không hề có vị đắng hay mùi như của lát chanh sau khi lấy ra khỏi ly.
Nước trà chanh ở đây có màu vàng mơ rất đẹp, cùng với hương chanh như hương chanh có trong nước... rửa chén.
|
Được biết, sau khi thông tin về trà chanh pha hóa chất lan truyền khắp nơi, các quán trà chanh đã cố gắng cho khách nhìn thấy lọ chứa nhiều trái chanh, nhưng thực chất chỉ dùng mỗi ly một lát chanh lấy lệ.
Có nơi còn rắc một ít đường cát vào ly trà chanh đá để người uống tưởng vị ngọt do đường cát mà ra. Mỗi ly trà chanh có giá từ 7.000 - 10.000 đồng.
Chỉ bán hóa chất cho "người quen”
Trước đây, một người đến chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) dễ dàng mua được các loại hóa chất để về pha thành trà chanh. Thế nhưng, hiện nay, khi thông tin hóa chất trà chanh xuất phát từ khu chợ này lan truyền khắp nơi, người bán tỏ ra thận trọng hơn.
Với những người đi một mình, hỏi mua bột pha trà chanh, người bán hàng sẽ thẳng thừng nói không biết và không nghe về loại hóa chất này.
Nắm được tâm lý của người đi mua hóa chất làm trà chanh thường phải mua số lượng lớn, mang nhiều đồ cồng kềnh nên phải đi nhiều người, những người bán hóa chất ở đây lấy đó làm một trong những đặc điểm nhận dạng.
Phô mai que, sữa bắp nghi chứa hóa chất Hiện nay, ở các quán trà chanh, các bạn trẻ thường dùng trà chanh chung với phô mai que. Trên các diễn đàn mạng, tin đồn về phô mai que có chứa chất hóa học cũng lan rất nhanh. Nhiều bạn trẻ từng dùng phô mai que cho biết có nơi bán phô mai rất giòn, dai nhưng lại không có mùi vị. Được biết, ở nhiều quán trà chanh tại TP.HCM, phô mai que được lấy số lượng lớn từ ngoài Bắc vào, nghi xuất xứ từ Trung Quốc. Những cây phô mai que này được đóng theo từng hộp lớn có giá khoảng 110.000 đồng/20 que. Giá thị trường mỗi cây phô mai từ 6.000 - 8.000 đồng. Bên cạnh món uống ưa thích là trà chanh, sữa bắp cũng là món được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, anh N.H., một người bán sữa bắp thật, cho biết theo tìm hiểu của anh, công thức pha sữa bắp rất đơn giản. Chỉ cần cho bột béo, một ít bột sữa, hương bắp và đường hóa học, đều có bán ở chợ, là đã có thể cho ra một chai sữa bắp thơm lừng. Theo anh N.H., chính những nơi bán sữa bắp bằng hóa chất này đang gây áp lực lớn cho những người bán sữa bắp thật, khiến một số người cũng phải "làm theo" để giảm giá thành. |
M.H., một bạn trẻ bán trà chanh, phô mai que, cho biết: “Thường những người bán trà chanh và phô mai que sẽ có nhu cầu mua đường hóa học. Nên họ đến chợ Kim Biên sẽ hỏi mua đường chứ không hỏi thẳng bột trà và bột chua, trừ những ai đã là khách quen”.
Ngay khi M.H. vừa đến hỏi mua đường hóa học, một phụ nữ bán hàng đã gọi vào bên trong cửa hàng và chào mời các loại bột để pha trà chanh cũng như làm cho phô mai que ngon hơn.
M.H. kể: “Đối với trà chanh, người phụ nữ này nói có bột trà và bột chua, cùng với hương liệu tạo mùi để làm trà chanh giá rẻ. Nếu có nhu cầu sẽ pha trộn sẵn. Ngoài ra, nếu muốn cho phô mai que thêm giòn, dai thì đã có bột nhựa”.
Trong khi đó, đối với hương chanh và bột tạo chua, hầu như người nào đến hỏi mua cũng sẽ được bán công khai. (còn tiếp)
Hoàng Quyên
Bình luận (0)