Venezuela báo động âm mưu bạo loạn

13/04/2013 03:05 GMT+7

Chính phủ Venezuela đang thắt chặt an ninh trước cuộc bầu cử lịch sử, trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc về âm mưu tạo phản và đảo chính.

Cuộc bầu cử tổng thống tại Venezuela thu hút chú ý của dư luận thế giới không chỉ vì mục tiêu chọn người thay thế vị tổng thống nổi tiếng Hugo Chavez vừa qua đời mà còn ở độ “nóng” của những cáo buộc nhằm vào phe đối lập. Chúng được đưa ra dồn dập trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày mai 14.4.  

Từ bạo loạn đến ám sát

Cáo buộc mới nhất do Chủ tịch quốc hội kiêm Phó chủ tịch đảng PSUV cầm quyền Diosdado Cabello đưa ra. Trang tin Venezuelanalysis dẫn lời ông Cabello ngày 10.4 tuyên bố phe đối lập âm mưu gây ra tình trạng bạo loạn tại Venezuela nếu thất bại trong cuộc bầu cử sắp đến. Ông Cabello đã trưng đoạn băng ghi âm cuộc điện đàm của ông Joao Nunes, vệ sĩ kiêm tài xế riêng của ứng viên đối lập Henrique Capriles, làm bằng chứng. Trong cuộc điện đàm với một nhân vật có tên Michell, giọng nói được cho là của ông Nunes nói rằng nếu thất bại, ứng viên Capriles sẽ không công nhận kết quả và kêu gọi những người ủng hộ, chủ yếu thuộc tầng lớp trung và thượng lưu, xuống đường phản đối, có thể bằng bạo lực.

 Venezuela báo động âm mưu bạo loạn
Lực lượng an ninh Venezuela tăng cường cảnh giác trong đợt bầu cử - Ảnh: Reuters

Trong phát biểu đưa ra trên kênh truyền hình nhà nước VTV, Chủ tịch Cabello còn tiết lộ sự hiện diện của các tay súng El Salvador tại Venezuela với ý định phá hoại cuộc bầu cử. Trước đó, vào ngày 8.4, quyền Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc các đối thủ chính trị thuê sát thủ El Salvador ám sát ông. Ông Maduro không đưa ra bằng chứng nhưng ám chỉ một phụ tá thân cận của ông Capriles là người hoạch định âm mưu trên. Ông cũng đề cập sự dính líu một số chính khách cánh hữu El Salvador. Theo AFP, Tổng thống El Salvador Mauricio Funes đã ra lệnh điều tra các cáo buộc trên, còn phe đối lập chưa có phản ứng.

Nhưng có lẽ “ly kỳ” nhất chính là việc giới chức Venezuela cáo buộc Mỹ âm mưu ám sát ứng viên Capriles rồi đổ lỗi cho chính quyền Caracas, cũng nhằm mục đích kích động một cuộc đảo chính. Phát biểu trên kênh truyền hình Televen vào ngày 17.3, quyền Tổng thống Maduro dẫn “một nguồn tin rất tốt” khẳng định Lầu Năm Góc và Cơ quan Tình báo Liên bang Mỹ (CIA) đã hoạch định âm mưu ám sát ông Capriles. Các cựu quan chức của chính quyền Tổng thống George W.Bush là Roger Noriega và Otto Reich cũng bị cáo buộc tham gia kế hoạch này. Washington chưa có phản ứng về cáo buộc của Venezuela. Trước đó, ông Maduro cũng đã ra lệnh điều tra khả năng căn bệnh ung thư của người tiền nhiệm Chavez có phải do “những lực lượng đen tối từ bên ngoài” gây ra hay không. 

Tăng cường đề phòng

Trong bối cảnh này, Venezuela hồi đầu tuần đã tăng cường an ninh và đóng cửa biên giới sớm hơn thường lệ trước cuộc bầu cử ngày 14.4. AFP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol ngày 9.4 cho hay đã ra lệnh kiểm soát nghiêm ngặt mọi di chuyển dọc biên giới với Colombia và Brazil cho đến ngày 15.4. Ông nói các biện pháp trên được áp dụng sau khi các cơ quan tình báo Venezuela phát hiện “những phần tử gây bạo lực lên kế hoạch sử dụng biên giới của lãnh thổ chúng ta nhằm tạo bất ổn”.

Vào ngày bầu cử, dự kiến khoảng 125.000 nhân viên an ninh sẽ hoạt động “theo một kế hoạch tuần tra và an ninh đặc biệt tại hơn 13.600 phòng phiếu”. An ninh đã được củng cố tại các trạm điện và đường dây điện thoại cũng như hệ thống cáp quang ngầm. Theo AFP, nhà chức trách cũng đã bắt giữ 17 người, bao gồm các nhân viên Tập đoàn điện lực quốc gia, bị phát hiện phá hoại nhằm gây mất điện trên diện rộng. Đây cũng bị cho là âm mưu của phe đối lập nhằm làm gián đoạn cuộc bầu cử. Chính phủ cũng ban hành lệnh cấm sử dụng vũ khí cũng như hoạt động bán và phân phối rượu từ ngày 12 - 15.4.

Theo kế hoạch, hơn 18,9 triệu cử tri Venezuela sẽ đến các phòng phiếu để bầu người kế nhiệm ông Chavez. Tổng cộng 7 ứng viên sẽ tham gia tranh cử, tuy nhiên, theo giới quan sát, đây chỉ là cuộc chạy đua trực tiếp giữa quyền Tổng thống Maduro, người được ông Chavez chọn lựa, và ứng viên đối lập Capriles, vốn đã thất bại trước ông Chavez trong cuộc bầu cử cách đây 6 tháng.

Ông Maduro đang thắng thế

Một chiến thắng cho quyền Tổng thống Maduro, người tự nhận là “con trai của Tổng thống Chavez”, là điều được nhiều người dự đoán. Nhưng kết quả thăm dò được công bố hôm qua, ngày vận động tranh cử cuối cùng tại Venezuela, cho thấy lợi thế của ông đã bị thu hẹp. Theo đó, 55% người được hỏi ủng hộ ông Maduro so với 45% của đối thủ Capriles. Chênh lệch 10% này thấp hơn nhiều so với khoảng cách 14% tại thời điểm ngay sau khi ông Chavez qua đời.

 Venezuela báo động âm mưu bạo loạn 1
Cuộc bầu cử ngày 14.4 được xem là “cuộc đua song mã” giữa ông Maduro (trái) và Capriles - Ảnh: Lapatilla

Theo CNN, ông Maduro cam kết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm nhằm xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21”. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn cho ông Maduro khi phải giải quyết tình trạng tội phạm, lạm phát, thiếu hụt lương thực, sản xuất đình trệ do kiểm soát tiền tệ gắt gao.

Trùng Quang

>> Venezuela đóng cửa biên giới với Colombia
>> Venezuela bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống
>> Venezuela nhận 13 xe tác chiến bộ binh của Nga
>> Venezuela sẽ thiết lập hệ thống ngoại hối mới
>> Quyền Tổng thống Venezuela yêu cầu Mỹ ngừng âm mưu thủ tiêu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.