“Cháy” hàng
Tại các cửa hàng, trung tâm điện máy ở TP.HCM những ngày qua, khu trưng bày hàng máy lạnh, quạt điện, tủ lạnh luôn chật kín người. Những sản phẩm có giá trung bình và thấp thường xuyên trong tình trạng hết hàng. Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim, cho biết chỉ trong tuần đầu tháng 4.2013, doanh số bán hàng các sản phẩm làm mát tại đây tăng gấp 5 lần so với tuần cuối tháng trước. Cụ thể, doanh số máy lạnh tăng 5 lần, quạt máy các loại tăng gấp 2 lần, máy ép trái cây và máy xay sinh tố tăng 30%, tủ lạnh tăng nhẹ. Tương tự, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc tiếp thị hệ thống Trung tâm điện máy Ideas, cho biết doanh số bán máy lạnh của Ideas tăng khoảng 50%. Hay tại Trung tâm điện máy Thiên Hòa, lượng máy lạnh bán ra cũng tăng vọt đến 300%...
Giải mã hiện tượng sức mua tăng đột biến đến mức “cháy” hàng, ông Thy nhận định thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu mua sắm các sản phẩm làm mát trở nên bức thiết. Đồng thời các nhà bán lẻ đã tung ra chương trình khuyến mãi đúng thời điểm “nóng” của thị trường nên sức mua bật lên.
|
Chủ yếu là hàng ngoại
Thị trường máy lạnh khá phong phú với hàng chục thương hiệu khác nhau. Theo một nhà sản xuất, thị trường máy lạnh của Việt Nam trong năm 2012 ước tính tăng trưởng 17% tại phân khúc máy lạnh tiêu chuẩn và tăng trưởng 44% tại phân khúc cao cấp hơn tức dòng máy lạnh Inverter thông minh. Dự báo trong năm nay, thị trường máy lạnh sẽ vẫn tiếp tục tăng ít nhất 20% so với năm 2012. Do mùa nóng tại miền Nam được dự báo sẽ kéo dài đến cuối tháng 5 nên sức mua mặt hàng làm mát vẫn còn tăng. Tuy nhiên, rất ít sản phẩm sản xuất trong nước có vị thế trên thị trường máy lạnh, tủ lạnh.
Hiện nhiều thương hiệu ngoại như Sanyo, Panasonic, LG, Midea… đã sản xuất máy lạnh ngay tại Việt Nam nhưng số lượng sản phẩm nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế với nhiều tên tuổi khác nhau như Toshiba, Samsung, Electrolux, Daikin, Mitsubishi…Ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Việt Nam - cho biết từ năm 2002, nhà máy Samsung Vina đã từng sản xuất mặt hàng máy lạnh, nhưng sau một thời gian, do khó khăn về vật tư nguyên liệu nên đã tạm dừng từ năm 2006. Từ đó đến nay, mặt hàng này được nhập khẩu chủ yếu từ nhà máy của Samsung tại Thái Lan. Trong thời gian sắp tới, khi đã có đủ các điều kiện về vật tư linh kiện, chắc chắn mặt hàng này sẽ được Samsung tái sản xuất tại Việt Nam vì đây là một thị trường đang phát triển rất mạnh do đặc thù khí hậu nóng ẩm quanh năm. Còn ông Nguyễn Trung Dzũng - Giám đốc ngành hàng điều hòa không khí Công ty LG Việt Nam - cho biết hiện nay Công ty LG có 18 dòng sản phẩm, trong đó có 3 dòng được sản xuất tại Việt Nam và số sản phẩm còn lại là nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên giá sản phẩm nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam không có chênh lệch.
Trên thực tế, mức thuế nhập khẩu của sản phẩm máy lạnh từ các nước trong ASEAN vào Việt Nam hiện chỉ còn 5%. Theo nhiều công ty, mức thuế này không còn là rào cản. Nhất là từ năm 2015, Hiệp định thương mại ASEAN được áp dụng hoàn toàn thì thuế nhập khẩu giảm xuống còn 0%.
Nguyên nhân khá quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài sân chơi này, theo một chuyên gia, là do việc đầu tư một nhà máy sản xuất các sản phẩm điện lạnh rất lớn. Trong khi chỉ cần 1 hoặc 2 nhà máy có quy mô lớn là đã đủ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường Việt Nam. Do đó việc đầu tư nhà máy sản xuất hàng điện lạnh phải tính đến việc xuất khẩu và tiêu thụ trên quy mô cả khu vực chứ không phải riêng một thị trường. Mà để mở được thị trường tiêu thụ rộng khắp như vậy thì chỉ có những tập đoàn điện tử đa quốc gia, những thương hiệu mạnh mới thực hiện được.
Mai Phương - Hoàng Việt
>> Mát mẻ hơn trong mùa nóng
>> Bảo quản thuốc trong mùa nóng
>> Bảo vệ chân mùa nóng
>> Làm đẹp trong mùa nóng
>> Ăn uống kỹ mùa nóng
Bình luận (0)