Tiết lộ chấn động mới của WikiLeaks

14/04/2013 04:00 GMT+7

Trong đợt công bố thư tín ngoại giao mật của Mỹ lớn nhất từ trước đến nay, WikiLeaks hé lộ nhiều điều chưa biết trong thập niên 1970.

WikiLeaks vừa công bố 1,7 triệu thư tín ngoại giao của Mỹ từ năm 1973-1976. Đợt tài liệu lần này được đặt theo tên cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger do nhiều bức điện tín báo cáo cho ông, hoặc do chính ông viết. Qua đó, những tình tiết chưa từng được biết đến về các hoạt động mật của Washington trong giai đoạn đó đã được tiết lộ.

Nội gián trong nhà Gandhi

Theo loạt hồ sơ mới, Ấn Độ cũng chiếm một phần không nhỏ trong các tài liệu tình báo thời Ngoại trưởng Kissinger. Cục diện chính trường New Delhi giai đoạn 1975-1977 vô cùng phức tạp và Mỹ xoay xở đủ mọi cách để nắm được ý đồ của nữ Thủ tướng Indira Gandhi, thậm chí cài người vào đại gia đình có thế lực nhất nước này. Trong các thư tín gửi về Washington, Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi liên tục đề cập một nguồn tin “từ nội bộ gia đình” hoặc “ở ngay trong Dinh Thủ tướng”. Đến giữa năm 1976, từ nguồn tin trên, nội dung các thư tín bắt đầu dự đoán chính xác rằng Thủ tướng Gandhi sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 1977. Đã xuất hiện nhiều đồn đoán về thân phận thật sự của nội gián, từ quản gia cho đến thư ký riêng của bà Gandhi hoặc con trai Sanjay của bà, theo tờ The Times of India.

 
Sanjay Gandhi (trái) được cho là rất có ảnh hưởng đến mẹ là Thủ tướng Indira Gandhi - Ảnh: Indianexpress

Từ nội gián nói trên, Mỹ biết được rằng nhân vật chủ chốt ảnh hưởng đến quyết định của Thủ tướng Gandhi là con trai thứ hai Sanjay Gandhi. Tuy không có chức vụ gì trong chính phủ, ông Sanjay lại có quyền hành rất lớn và từng được cho là sẽ kế nhiệm mẹ lãnh đạo Ấn Độ. Theo WikiLeaks, Sanjay thường xuyên can thiệp vào công việc của các bộ và mỗi khi có bộ trưởng tỏ ý phản đối, người này lập tức sẽ bị thay thế bởi một cộng sự thân tín của con trai thủ tướng. Đơn cử là Bộ trưởng Thông tin truyền thông Inder Kumar Gujral, người sau này trở thành thủ tướng thứ 12 của Ấn Độ. Cũng chính Sanjay Gandi đứng sau kế hoạch cưỡng chế giải tỏa các khu ổ chuột ở New Delhi, làm chết hàng chục người và hơn 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa năm 1976.

Thư tín của Mỹ cũng nhắc về các âm mưu ám sát nhằm vào ông Sanjay Gandhi. Dựa vào nguồn tin tình báo của Ấn Độ, con trai bà Gandhi từng bị bắn trong ngày 30 hoặc 31.8.1976, nhưng chỉ bị thương nhẹ. Một năm sau, xe của ông trúng đạn khi đang vận động tranh cử cho đảng Quốc đại ở ngoại ô New Delhi nhưng Sanjay vẫn thoát chết. Cuối cùng, nhân vật đầy quyền lực này thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 1980 và đã có nhiều nghi ngờ xung quanh vụ này.

Ngoài ra, WikiLeaks cũng tiết lộ một chi tiết vô cùng bất ngờ là Ấn Độ từng đề nghị chia sẻ công nghệ hạt nhân với “láng giềng đáng ghét” phía Pakistan sau vụ thử đầu tiên vào ngày 22.7.1974 tại Pokhran. Lúc đó, Thủ tướng Gandhi đã gửi công văn tới người đồng cấp Pakistan Zulfiqar Ali Bhutto trong nỗ lực trấn an chính quyền Islamabad rằng vụ thử hạt nhân không nhằm vào bất cứ mục tiêu nào. Tuy nhiên, cuối cùng Ấn Độ không thể chuyển giao công nghệ trên do bị cấm vận. Cũng theo WikiLeaks, chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ đã gọi bà Gandhi là “đồ đạo đức giả” khi Ấn Độ không thèm báo trước cho nước này về vụ thử hạt nhân tại Pokhran.

Bốn năm sau cái chết của con trai Sanjay, bà Gandhi bị chính vệ sĩ của mình ám sát. Con trai cả của bà là Rajiv Gandhi trở thành thủ tướng mới của Ấn nhưng ông cũng bị ám sát vào năm 1990.

Theo dõi lãnh đạo Pháp

Theo loạt thư tín mới, giới ngoại giao và tình báo Mỹ vào thập niên 1970 đã theo dõi sát sao đường hoạn lộ của các vị Tổng thống Pháp tương lai, trong đó có François Mitterrand và Jacques Chirac. Theo Đài France 24, trong số 1,7 triệu thư tín, Pháp được đề cập 372.309 lần, hơn xa các nước khác như Anh. Theo đó, giới tình báo Mỹ mô tả Pháp là một quốc gia đang tuyệt vọng níu giữ ảnh hưởng của mình vốn bị phai nhạt dần trên vũ đài thế giới và là chiến trường đấu đá khốc liệt giữa các đảng phái chính trị với những ngôi sao đang lên. Lúc đó, các nhà ngoại giao Mỹ được giao nhiệm vụ theo dõi 2 nhà lãnh đạo đầy tiềm năng của nước này là François Mitterand và Jacques Chirac, sau đó đều lần lượt trở thành Tổng thống Pháp.

Theo Đài France 24, ông Mitterrand đã gây ấn tượng mạnh đối với Đại sứ Mỹ tại Paris là John N.Irwin II trước khi trở thành Tổng thống Pháp năm 1981. Nhà ngoại giao Mỹ đã ghi nhận trong điện tín ngày 28.6.1973 rằng bài phát biểu của ông Mitterrand tại Đại hội đảng Xã hội Pháp cách đó 4 ngày là “ví dụ sáng chói và đầy thuyết phục về tài hùng biện và khả năng chính trị xuất sắc”. Vì thế, Đại sứ Irwin đặt cược rằng đảng Xã hội sẽ là một trong 3 chính đảng quan trọng nhất tại Pháp vào đầu thập niên 1970. Giới ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra an tâm với khuynh hướng cánh tả ôn hòa của ông Mitterrand. Sau chuyến thăm Liên Xô của ông Mitterrand vào năm 1975, Đại sứ Irwin gửi điện tín về Washington báo cáo rằng ông không ưa gì chủ nghĩa xã hội mô hình Xô Viết.

Trong khi đó, đối thủ chính trị và cũng là người kế nhiệm ông Mitterand là ông Jacques Chirac lại bị mô tả là một “con thú hoang”, theo WikiLeaks. Giới chức Mỹ bắt đầu để ý đến Chirac từ năm 1974 khi ông trở thành thủ tướng, 2 thập niên trước khi chinh phục thành công Điện Elysée. Trong điện tín ngày 29.5.1974, Đại sứ Irwin mô tả ông Chirac như là “một con thú hoang chính trị và thích chơi rắn”. Điều này được thể hiện khi ông từ chối tham gia tấn công Iraq năm 2003, dẫn đến quan hệ song phương bị sứt mẻ trong nhiều năm sau.

Tướng lĩnh Philippines bị bắt mặc váy mua vui

AFP dẫn thư tín WikiLeaks cho hay cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos từng buộc các tướng lĩnh cấp cao của quân đội nước này mặc đồ phụ nữ mua vui trong ngày sinh nhật của chồng là nhà độc tài Ferdinand Marcos. Trong thư tín đề ngày 12.9.1973, đại sứ Mỹ tại Manila William Sullivan khẩn báo cho Washington về 2 ngày tiệc tùng xa hoa và quái gở, trái ngược với những gì truyền thông Philippines khi đó tuyên truyền rằng Tổng thống Marcos “đón sinh nhật một cách lặng lẽ bên bàn làm việc”.

 
Vợ chồng ông Marcos dự khán một cuộc diễn tập quân sự năm 1985 - Ảnh: Asiaone

Theo mô tả của ông Sullivan, “kinh dị nhất” là khi các vị tướng bị bà Marcos chỉ đạo ưỡn ẹo trình diễn “trong trang phục phụ nữ lòe loẹt” tại dinh tổng thống, thể hiện “mức độ nịnh bợ khó tưởng tượng”. Vị đại sứ viết: “Tất cả đều quá lố và bộc lộ gu thẩm mỹ kỳ quặc”. 

Ferdinand Marcos cầm quyền tại Philippines trong gần 20 năm cho đến khi bị lật đổ và phải chạy sang Mỹ năm 1986 rồi chết tại Hawaii 3 năm sau đó. Sau nhiều năm lưu vong, bà Imelda Marcos về nước năm 1991 và hiện đang là thành viên Hạ viện Philippines. Tuy nhiên, AFP ngày 13.4 dẫn lời ông Ferdinand Marcos Jnr bác bỏ thông tin trên. 

H.G

Thụy Miên

>> WikiLeaks công bố 1,7 triệu hồ sơ ngoại giao Mỹ trong thập niên 1970
>> Người sáng lập WikiLeaks muốn làm thượng nghị sĩ Úc
>> WikiLeaks sẽ công bố 1 triệu tài liệu
>> WikiLeaks công bố hồ sơ mật về các nhà tù Mỹ
>> Mỹ xem chủ WikiLeaks là “kẻ thù quốc gia”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.