Sinh ra trong gia đình nghèo ở thôn Cao Xá, xã Cao Dương, H.Thanh Oai, Hà Nội, sau một trận ốm, vì thiếu tiền chạy chữa, đôi chân của Quách Đức Mạnh teo tóp dần. Đến tuổi đi học, Mạnh vẫn lủi thủi ở góc nhà vì không có tiền học. Mãi đến năm 10 tuổi, thấy em gái đi học lớp 1, Mạnh nằng nặc đòi bò theo em đến trường. Nhưng rồi cậu cũng chỉ bò được đến lớp 3. “Mình là con đầu, dưới còn 3 đứa em. Nhà nghèo, sức bố mẹ lo không nổi, mình xin nghỉ để các em có điều kiện ăn học. Vả lại, mình lớn tuổi bò mãi đi học cũng ngại”, Mạnh kể.
|
Ngồi không mãi cũng chán, vốn gần làng nón Chuông, Mạnh bắt đầu tập tành đan nón lá. Việc đan nón cần sự tỉ mẩn tưởng chỉ dành cho chị em phụ nữ, song Mạnh làm nhanh thoăn thoắt, đường kim mũi cước thẳng đều, mềm mại. Công việc không vất vả lắm, nhưng do sức khỏe yếu, ngồi lâu mỏi lưng, đau cổ nên có cố gắng lắm, mỗi ngày Mạnh chỉ làm được 5 chiếc, tổng tiền công chỉ khoảng hơn 20.000 đồng. Mạnh quyết định tìm công việc có thu nhập cao hơn, có thể tự nuôi sống bản thân, đỡ phần gánh nặng cho gia đình.
Năm 2004, trong làng bắt đầu có nhiều hộ gia đình chuyển đổi sang nghề mộc. Mạnh quyết định “tầm sư học đạo”. Mạnh bộc bạch: “Nghề mộc vất vả, ngoài sự khéo léo, rất cần sức khỏe dẻo dai. Nhưng mình đã đam mê và quyết tâm rồi, khó mà dứt bỏ. Hơn nữa, mình muốn tìm một nghề, sau này lỡ bố mẹ mất đi, còn có công việc để sống”. Nhìn chàng trai nhỏ bé với đôi nạng gỗ dò dẫm từng bước đi học nghề khiến ai cũng ái ngại.
Khi bắt tay vào công việc, Mạnh mới thấy khó gấp chục lần làm đan nón. Sức vóc nhỏ bé, đi lại khó khăn khiến Mạnh luôn phải đánh vật với những khúc gỗ. Đôi bàn tay yếu, vốn đã quen cầm kim nay chuyển sang cầm đục, cầm dùi trở nên lóng ngóng vụng về. Thời gian đầu chưa quen việc, đôi bàn tay sưng vù, xây xước, tóe máu vì đinh không đóng, lại đóng nhầm vào tay. “Vẽ hoa văn đã khó, nhưng với mình phần tạo hình, đục đẽo trên thớ gỗ mới là khó nhất. Nhìn khúc gỗ xù xì, xấu xí, hoa chẳng ra hoa, lá chẳng ra lá, nhiều người khuyên thôi nghỉ đi cho lành. Bản thân mình cũng đã có lúc nhụt chí, chán nản, muốn bỏ dở, nhưng nghĩ nếu bỏ thì thật uổng công đã theo đuổi và bắt tay vào việc khác chắc gì đã thành công. Vậy là mình quyết tâm học nghề mộc bằng được”, Mạnh kể.
|
Thấy Mạnh chăm chỉ, chịu khó học hỏi, ngày nghỉ, thậm chí đổ bệnh vẫn đi học, thầy dạy thương tình truyền nghề cho. Trời lấy đi của Mạnh đôi chân, nhưng bù lại cho Mạnh trí thông minh và đôi bàn tay khéo léo. Càng học, Mạnh càng chứng tỏ được khả năng. 2 năm học và 4 năm làm thuê, khi đã tích lũy được vốn kiến thức kha khá, Mạnh về nhà mở xưởng riêng.
Lúc đầu chỉ có Mạnh và 2 người thợ, nguồn hàng hiếm nên Mạnh chấp nhận làm gia công cho các ông chủ lớn. Với phương châm vừa làm vừa tích lũy, đầu tư, chàng trai khuyết tật dần mở rộng kinh doanh. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ như: tủ thờ, kiệu, cửa võng, bệ tượng, ngai, hoành phi… với những họa tiết chạm khắc tinh xảo được nhiều người tìm đến đặt hàng. Hiện xưởng mộc của Mạnh có 13 lao động, trong đó có 2 lao động khuyết tật, với mức lương trung bình 100.000 - 150.000 đồng/ngày.
Từ ánh nhìn thương hại, người dân quay sang cảm phục chàng trai khuyết tật. Không những thế, thanh niên trong làng chưa có việc làm kéo đến học nghề ngày một đông. Thậm chí, có những bạn trẻ ở tỉnh xa như Hưng Yên, Hà Nam biết tiếng cũng đến xin học nghề. Nguyễn Hữu Trường, quê Khoái Châu (Hưng Yên), bộc bạch: “Mình ở quê thất nghiệp, bạn bè lôi kéo đi chơi suốt ngày. Qua một người bà con, mình biết một người khuyết tật như anh Mạnh mở xưởng mộc giúp thanh niên tạo việc làm nên sang đây xin học nghề. Mới hơn một năm, mình thấy anh ấy quả là con người đầy nghị lực. Không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ, anh còn đối xử rất tốt với anh em. Chính tấm gương của anh đã cảm hóa và tạo việc làm cho nhiều thanh niên lêu lổng ở quê”.
Mong được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất Nói về dự định trong tương lai, Mạnh chia sẻ: "Mình muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, người khuyết tật không phải là một gánh nặng của xã hội. Họ cũng giống như những người bình thường, tự lập và làm được những việc có ích cho xã hội. Mình rất muốn tiếp tục mở rộng quy mô xưởng sản xuất, nhập gỗ về làm ra thành phẩm để bày bán trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo nhiều công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Để làm được điều đó, mình mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ người khuyết tật vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất”. Theo Quách Đức Mạnh, nghề mộc đang rộng mở cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn. Khi tay nghề vững vàng, họ có thể tự đứng ra mở xưởng riêng hoặc làm thợ chính tại các xưởng mộc với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. |
Hải Bình
>> Lao động có sự chêch lệch giữa cung và cầu
>> Lao động trẻ có trình độ không chịu về làm việc cho HTX
>> Tập trung chăm lo người lao động
>> Đào tạo nghề cho hơn 13 ngàn lao động nông thôn
Bình luận (0)